10 điều nên biết nếu gia đình bạn có người bị ung thư
Bich Ngan 06/12/2018 07:30 PM
Hiện nay, nhiều người có bệnh sử gia đình mắc ung thư từ một cho đến vài loại khác nhau. Điều này cho thấy ung thư là căn bệnh phổ biến hơn những gì chúng ta thường nghĩ.

Một số bệnh ung thư có thể do đột biến gen di truyền làm tăng nguy cơ nhiều thành viên trong gia đình sẽ phát triển bệnh ung thư. Tuy nghe có vẻ đáng sợ nhưng trước khi lo lắng, chúng ta có thể tham khảo 10 chia sẻ của bác sĩ Teodora Ross, Giám đốc chương trình Di truyền Ung thư tại Trung tâm Y tế Đại học Tây Nam Texas về vấn đề bệnh sử gia đình mắc ung thư để biết được bạn nên chú trọng vào những nguy cơ yếu tố nào.

1. Bệnh ung thư đều do đột biến gen, nhưng không có nghĩa ngược lại

Nếu không được điều trị, tế bào ung thư sẽ lan rộng khắp cơ thể. Ảnh: webconsultas.com

Khi các gen ngăn chặn các khối u không thực hiện đúng chức năng, các tế bào phân chia không kiểm soát được nên hình thành các khối u ung thư. Nếu không được điều trị, tế bào ung thư sẽ lan rộng khắp cơ thể. Thông thường, những gen này bị lỗi vì một số yếu tố môi trường (hút thuốc lá) chứ không phải do đột biến gen di truyền. Đột biến gen di truyền là bạn nhận bản sao đột biến gen từ bố mẹ hoặc ông bà.

2. Một số bệnh ung thư phổ biến có thể do đột biến gen di truyền

Ung thư buồng trứng, ung thư vú, tuyến tụy, dạ dày, đại tràng, tuyến tiền liệt, nội mạc tử cung, thận và ung thư da có nguồn gốc từ tế bào hắc tố có thể di truyền. Một số đột biến gen như BRCA1 và BRCA2 có khả năng làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư vú, buồng trứng, tuyến tụy, tuyến tiền liệt và ung thư da.

3. Có một số dấu hiệu cho biết ung thư có phải là di truyền hay không

Nếu bố của một người bị nghiện hút thuốc lá nặng và đã chết vì ung thư phổi, thì nguyên nhân là do môi trường gây ra hơn là do di truyền. Tuy nhiên, hãy theo dõi cẩn thận với những dấu hiệu di truyền như một số thành viên khác có mối quan hệ gần gũi mắc bệnh ung thư trước tuổi 50, nhiều thành viên trong gia đình mắc cùng loại ung thư (tuyến tụy hoặc vú), có nhiều trường hợp mắc ung thư hiếm gặp (ung thư tuyến giáp dạng tủy) trong gia đình, người thân bị ung thư ở cặp cơ quan (hai vú, hai buồng trứng, hai quả thận).

4. Hãy kiểm tra mối quan hệ về bệnh sử gia đình mắc ung thư

Nếu mẹ và bà của bạn đều bị ung thư vú thì nguy cơ bạn mắc bệnh này cao hơn là chị em họ hoặc dì bị ung thư.

5. Một số đột biến gen có xu hướng tồn tại trong các nhóm dân tộc

Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ phát triển ung thư ruột kết khi còn trẻ cao hơn người da trắng. Ảnh: huffingtonpost.com

Nếu là người Do Thái và tổ tiên của bạn đến từ Đức, Nga hoặc Đông Âu, bạn có nguy cơ bị đột biến ở gen BRCA1 và 2. Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ phát triển ung thư ruột kết khi còn trẻ cao hơn người da trắng.

6. Trở thành “thám tử” để tìm hiểu về bệnh sử gia đình mắc ung thư

Người bệnh ung thư thường không muốn chia sẻ tình trạng của mình, nếu người thân mắc bệnh, cũng có thể họ không muốn chia sẻ với bạn. Mặt khác, khi càng lớn tuổi, họ càng ít có khả năng nói chuyện với bạn hơn. Các cuộc trò chuyện về ung thư trong gia đình có thể ít khi xảy ra. Do đó, việc tìm hiểu tiền sử bệnh của gia đình về ung thư khá khó khăn.

Bạn có thể viết các thông tin sức khỏe của các thành viên trong gia đình, bắt đầu với chính mình. Sau đó, tại các cuộc họp mặt gia đình như đám giỗ, sinh nhật, thôi nôi, đám cưới,… bạn có thể thu thập thông tin bằng cách trò chuyện thân mật về tình trạng sức khỏe, cuộc sống của người thân nhằm ghi chú lại khi về nhà.

7. Không phải mọi người đều cần làm xét nghiệm di truyền

Nếu có bệnh sử gia đình mắc ung thư và thuộc dân tộc có nguy cơ cao bị đột biến gen, thì bạn nên làm xét nghiệm di truyền. Tuy nhiên, việc kiểm tra tất cả các gen để tìm các đột biến gen có thể không phải là một ý tưởng hay. 1/3 người mắc ung thư là do di truyền nhưng chỉ khoảng 5 – 10% bệnh ung thư xác định được các gen cụ thể. Do đó, khi tiến hành làm các xét nghiệm chẩn đoán ung thư, bạn cần cân nhắc xem nó có thật sự cần thiết để không tốn quá nhiều chi phí cho vấn đề này.

8. Ngay cả khi gia đình bạn có gen ung thư, đó không phải là chấm hết

Mức độ nguy cơ của bạn phụ thuộc vào gen, đột biến và bệnh sử gia đình mắc ung thư. Các đột biến gen BRCA1, BRCA2, TP53 và hội chứng Lynch (MLH1, MSH2, MSH6, PMS2) được xem là có nguy cơ cao. Tuy nhiên, nguy cơ của bạn còn dựa vào số lượng người mắc ung thư trong gia đình và độ tuổi người thân được chẩn đoán dự đoán sẽ phát triển ung thư nếu có chung gen đột biến gây ung thư.

Nói cách khác, bạn có thể có một loạt các nguy cơ ung thư nhưng bạn cũng sẽ được bác sĩ hoặc chuyên viên tư vấn để biết phải làm gì. Nếu biết bạn mang gen đột biến BRCA1/2 và một số họ hàng gần đã bị ung thư vú, bạn có thể dùng giải pháp của Angelina Jolie là cắt bỏ vú và buồng trứng hay thậm chí là tuyến tụy nếu gia đình bạn có gen di truyền loại ung thư này.

9. Thực hiện đầy đủ các kiểm tra hoặc xét nghiệm ung thư hàng năm do bảo hiểm ung thư chi trả

Các cuộc kiểm tra và xét nghiệm sàng lọc ung thư có thể cứu sống bạn bằng cách phát hiện sớm ung thư để điều trị tốt nhất. Nếu bệnh sử gia đình mắc ung thư da, thì bạn đừng bỏ qua các xét nghiệm trên da. Nếu người thân bị ung thư buồng trứng/ung thư vú phổ biến, thì việc thăm khám phụ khoa hàng năm là điều bạn phải làm.

10. Tập những thói quen tốt để giúp giảm nguy cơ ung thư

Tập những thói quen tốt để giúp giảm nguy cơ ung thư. Ảnh: financialtribune.com

Thói quen xấu như ăn thức ăn không lành mạnh hoặc hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ ung thư cho bạn. Do đó, bạn hãy làm điều ngược lại bằng cách thay đổi lối sống như khi cần đến aspirin, chỉ dùng ở liều thấp để làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng, cắt giảm thịt đỏ, bỏ hút thuốc lá, tập thể dục và có chế độ ăn giàu trái cây, rau quả đặc biệt là khi gia đình bạn có người bị ung thư.

Theo: hellobacsi.com

Tham vấn y khoa: Nguyễn Thường Hanh

Author: Bich Ngan

News day