5 phong tục tập quán của người Việt Nam không phải ai cũng biết
Mạn Đà La Hoa 01/01/2017 05:30 AM
Nền văn hóa truyền thống Việt Nam được hình thành trên cơ sở của nền văn minh nông nghiệp. Cuộc sống của mỗi người Việt Nam đều gắn bó mật thiết với xóm làng, quê hương. Trên cơ sở đồng lòng nhất trí giữa người với người đã hình thành nên những luật lệ, những phong tục tập quán được duy trì qua nhiều thế hệ. Đa số các phong tục tập quán vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, không ít những phong tục đang và đã đi vào lãng quên. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta điểm lại 5 tập quán như thế.

1. Tục ăn trầu

Chắc hẳn ai trong số chúng ta đều biết truyện cổ tích nổi tiếng “Chuyện trầu cau”. Món trầu thể hiện nếp sinh hoạt mang đậm tính dân tộc của người Việt Nam. Miếng trầu gồm 4 nguyên liệu chính đó là: Cau (vị ngọt), lá trầu không (vị cay), rễ (vị đắng), vôi (vị nồng).

Trầu thể hiện nếp sống đậm chất dân tộc Việt Nam.
Ảnh: thanhnien.com.vn

Tục ăn trầu ngày càng mai một. Ở các xóm làng xưa bắt gặp người còn giữ tục lệ này khá hiếm, nếu có thì chủ yếu là các cụ già. Trong tương lai, nếu tục ăn trầu không được giữ gìn và phát triển thì có lẽ tục này rồi cũng dần đi vào quên lãng.

2. Tục Siêu tết

Nói đến tục siêu tết có lẽ không phải ai cũng biết đến phong tục này, vì nó nằm trong danh sách những phong tục đã bị thất truyền ở Việt Nam.

Tục siêu tết có nghĩa là mang lễ tết đến nhà bố mẹ vợ. Đây là một trong những phong tục tết cổ xưa đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của người Việt. Tục siêu tết được hiểu theo nghĩa là một lễ tạ ơn của các chàng rể, của nhà trai đối với bố mẹ vợ, với nhà gái vì đã sinh thành, nuôi dưỡng vợ - nàng dâu hiếu thảo cho nhà chồng.

Tục siêu tết (mang lễ tết đến nhà bố mẹ vợ).
Ảnh: lamsao.com

3. Tục trồng và hạ cây nêu

Đây cũng là một phong tục đã bị thất truyền ở Việt Nam. Cây nêu được trồng với ý nghĩa trừ ma quỷ. Hơn nữa nó còn được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời, do tín ngưỡng thờ thần mặt trời của các dân tộc từ xa xưa, hàm chứa ý thức về lãnh thổ của người Việt.

Tục dựng cây nêu ngày tết.
Ảnh: mungnammoi.com

Tết ngày nay thay vì trồng cây nêu như trước, chúng ta chuyển hoàn toàn sang chơi cành đào, cành mai và quất cảnh. Xưa nhà nào có quyền thế cao nhất thì nhà đó có cây nêu cao nhất. Còn ngày nay cây nêu chỉ còn bắt gặp lác đác ở một số vùng quê.

Tết ngày nay thay cây nêu bằng cành đào.
Ảnh: phunutoday.vn

4. Tết Hạ nguyên

Tết Hạ nguyên có nghĩa là tết cơm mới, thường được tổ chức vào ngày rằm hay mồng một tháng mới. Do thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa nên tết này không còn phổ biến nhiều như trước. Ngày nay tết này chủ yếu còn tồn tại ở một số vùng nông thôn, diễn ra vào vụ mùa khi mới thu hoạch lúa xong – trước là để cúng tổ tiên, sau là để thưởng công cấy.

Tết Hạ nguyên (Tết Cơm mới).
Ảnh: lichvannien365.com

5. Tết Trùng thập

Tết Trùng thập có nghĩa là tết của các cây thuốc. Theo sách “Rước lễ” thì ngày mười tháng mười (âm lịch), cây thuốc mới tụ được khí âm dương, mới kết được sắc tứ thời (Xuân - Hạ - Thu - Đông) trở nên tốt nhất. Ở nông thôn Việt Nam, đến ngày đó người ta thường làm bánh dày, nấu chè kho để cúng gia tiên rồi đem biếu những người thân thuộc (chứ không mấy quan tâm đến cây thuốc, thầy thuốc). Tuy nhiên, loại tết này đã dần bị mai một, không còn phổ biến ở nước ta ngày nay.

Bánh dày trong tết Trùng thập .
Ảnh: vietmate.com.vn

 

Author: Mạn Đà La Hoa

News day