Cảnh báo: “Blue Whale Challenge” - trò chơi điện tử trên mạng đứng sau vụ hàng trăm thiếu niên tự sát
Lu 05/09/2017 10:30 AM
Cảnh sát nhiều quốc gia tại châu Âu đang liên tục đưa ra cảnh báo về trò chơi Blue Whale Challenge (Thử Thách Cá Voi Xanh) khi chỉ trong vòng hai tháng trở lại đây có tới hàng trăm thiếu niên thi nhau tự sát ở các quốc gia châu Âu như Anh, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha…. Trò chơi truyền thông xã hội có tên Blue Whale Challenge đã kích động những người tham gia game này hành hạ bản thân và cuối cùng là tự tử.

“Blue Whale Challenge” được biết đến với tên gọi trò chơi tự sát, là trò chơi xuất hiện trên mạng xã hội từ những năm 2014 - 2015 tại Nga, nhưng gần đây nó quay trở lại và có xu hướng lan tới các quốc gia khác ở châu Âu.

Trò chơi trên mạng xã hội này khuyến khích các thành viên hành hạ bản thân mỗi ngày, khi yêu cầu người chơi phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ kỳ quái như thức dậy xem phim kinh dị vào nửa đêm, tự cắt vào những bộ phận trên cơ thể, tạo hình cá voi bằng lưỡi lam hoặc dao lên cổ tay, cổ chân để hoàn thành thử thách. Và vào nhiệm vụ cuối cùng, bằng cách tự sát, người chơi sẽ được thừa nhận là người chiến thắng để hoàn thành thử thách. Đó cũng là ý nghĩa tên gọi của trò chơi, giống như những con cá voi xanh tự nguyện lao lên bãi biển để tự sát.

Hình ảnh các nạn nhân làm theo thử thách. Ảnh: The Siberian Times

Riêng tại Nga, đã có ít nhất 130 vụ tự tử của trẻ em diễn ra từ giữa tháng 11/2015 đến tháng 4/2016 đều liên quan tới trò chơi khá được ưa thích trên mạng này. Những cái chết của các thiếu niên này đều đầy khả nghi, khi các nạn nhân đều chưa đến tuổi thành niên, đều chọn cho mình những cách chết đầy đau đớn, trong khi các em đều xuất thân từ một gia đình hạnh phúc, có cuộc sống đầy đủ. Nhận thấy số lượng các trường hợp tự tử ở trẻ vị thành niên tăng đột biến, bất thường trên khắp nước Nga, các nhà chức trách Nga nghi ngờ đằng sau đó có một nguyên nhân nào đó và bắt đầu điều tra.

Trước đó, vào tháng 2/2017, cảnh sát nga đã phát hiện được thi thể của hai nữ sinh Yulia Konstantinova (15 tuổi) và Veronika Volkova (16 tuổi) thiệt mạng do nhảy từ trên mái nhà của một khu chung cư tại thị trấn Ust-llimsk, Irkutsk. Hay một thiếu nữ 14 tuổi đến từ thành phố Chita đã tự tử bằng cách lao mình vào một đoàn tàu đang đi đến.... Đó chỉ là một số trong rất nhiều vụ tự sát bất thường của đông đảo các thành viên thuộc nhóm kín trên mạng của trò chơi, đang xảy ra trong giới trẻ chưa trưởng thành ở Nga.

Trong quá trình điều tra hành vi “kích động tự sát” liên quan đến cái chết của 2 em Yulia và Veronika, cảnh sát Nga đã dò ra được một trang web “hướng dẫn tự tử” có ảnh hưởng đến các cô gái. Yulia đã để lại một ghi chú với chữ “kết thúc” trên trang xã hội và trước đó cô đã đăng bức ảnh hình một con cá voi xanh lớn - hình ảnh được xem như biểu tượng của phong trào khuyến khích thanh thiếu niên tự kết liễu cuộc sống của mình, còn Veronika thì viết rằng: "Không còn ý nghĩa gì nữa... Kết thúc".

Veronika Volkova và Yulia Konstantinova, hai cô gái trẻ tự tử do tham gia trò chơi trên mạng này. Ảnh: The Siberian Times

Một liên quan khác trong vụ án, hai cậu bé tuổi vị thành niên bị cảnh sát Nga bắt giữ ngay tại hiện trường sau khi bị nghi ngờ muốn quay phim cảnh tự sát kép. Lập tức uỷ ban điều tra Nga phải mở một cuộc điều tra về “kích động tự tử” liên quan đến cái chết của những đứa trẻ này.

Được biết, chính những kẻ đứng đằng sau hội nhóm bí ẩn này đã thao túng, dẫn dắt các trẻ vị thành niên đi vào con đường tự giết bản thân, khi thường xuyên khuyến khích, động viên và hướng dẫn người chơi phải dùng cả tính mạng của mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Những kẻ này là những người hiểu biết về thói quen và niềm đam mê của trẻ vị thành niên, sử dụng đúng ngôn ngữ và văn hóa các em yêu thích, tác động vào tâm lý để các em chán ghét cuộc sống. Khi các em tham gia trò chơi, các em đều được dạy rằng Suicide (tự tử) là một trong những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Các bài hát, hình ảnh, câu chuyện được chia sẻ trong nhóm kín này đều mang hàm ý khuyến khích họ chán ghét và rời bỏ cuộc sống thực tại, tiến tới vùng "không gian mở" khác sau khi chết.

Hiệu trưởng một trường phổ thông ở thành phố Krasnoyarsk còn được thông báo về một trường hợp nữ sinh trong trường tham gia “nhóm tử thần” và có thể đang lên kế hoạch tự tử. Nữ sinh này giải thích rằng cô tham gia vào một nhóm chơi game trên mạng xã hội, thực hiện các nhiệm vụ được đưa ra bởi người quản trị nhóm, như yêu cầu khắc một số từ trên tay, rồi tìm kiếm một tòa nhà cao tầng nào đó để nhảy xuống.

Nam sinh bị cảnh sát bắt giữ vì cáo buộc quay phim cảnh tự sát kép. Ảnh:The Siberian Times

Một kẻ chủ mưu tên Philip Budeikin, 21 tuổi, đã bị bắt giữ và buộc tội tổ chức tám nhóm "kích động tự tử" trong khoảng từ năm 2013 đến 2016, có thể là nguyên nhân đằng sau 130 vụ tự sát của giới trẻ ở Nga. Tuy kẻ được cho là cầm đầu bị bắt, các vụ án có dấu hiệu giảm xuống sau đó, nhưng hiệu ứng lan truyền của "Blue Whale Challenge" dường như đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.

Trò chơi tử thần này đang có xu hướng từ Nga lan rộng sang các nước khác, và hàng loạt các nước châu Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, cộng hòa Séc... đã phát hiện những trường hợp trẻ tự kết liễu đời mình. 

Cuối tháng 4 vừa qua, một nữ sinh 15 tuổi ở Tây Ban Nha đã phải nhập viện sau khi tham gia trò chơi, sau khi được một người dùng Internet bí ẩn liên lạc hồi đầu tháng 4, hỏi xem cô có muốn tự sát không và gửi đến những hướng dẫn cơ bản.

Khi cô gái đã đồng ý làm mọi việc và gửi ảnh làm bằng chứng, cũng như xóa các đoạn đối thoại trên mạng để bảo đảm không để lại dấu vết, cô được hướng dẫn bắt đầu thực hiện một chuỗi các thử thách hàng ngày, bao gồm dùng dao tự rạch lên cánh tay hay đến một nhà ga gần đó xem những đoàn tàu cao tốc chạy qua.

Cá voi xanh - biểu tượng của phong trào tự sát hàng loạt. Ảnh:The Siberian Times

Sau hàng loạt thông tin về "Blue Whale Challenge" có dấu hiệu xuất hiện trở lại khi trong vòng 2 tháng qua gần đây, hàng loạt các thanh thiếu niên châu Âu thi nhau tự sát, và trước những nguy hiểm của trò thử thách này, mới đây cảnh sát và các nhân viên hỗ trợ tại Nga và Anh đã đồng loạt đăng thông tin về trò chơi trên mạng xã hội để cảnh báo các bậc phụ huynh, khuyên họ nên để ý nhiều hơn tới con cái của mình.

“Kẻ nào đã tạo ra trò chơi khủng khiếp này là kẻ bệnh hoạn. Các phụ huynh: Xin hãy lưu ý khi con cái nói chuyện liên quan đến trò chơi này. Hãy trò chuyện với con cái về nó nếu bạn thấy lo ngại”, Kirsty Down, sỹ quan Phòng Cảnh sát Devon và Cornwall đã đăng lời cảnh báo trên Twitter. 

Với tốc độ lan truyền nhanh chóng như hiện nay trên mạng xã hội, nhiều quốc gia lo ngại trò chơi độc hại này có thể lan rộng nhanh chóng tới giới trẻ nhiều quốc gia, khu vực khác ngoài châu Âu.

Author: Lu

News day