Cùng nhìn lại thế giới qua văn học Việt Nam
Yuu 02/13/2018 05:30 PM
Thế giới luôn chất chứa muôn vàn bất ngờ và thú vị. Đó có thể là những bất ngờ bởi những điều chúng ta chưa biết, nhưng cũng có thể là những điều trái ngược hoàn toàn với những gì ta luôn cho là đúng. Và bây giờ hãy cùng “bật mí” một góc nhỏ xíu xiu của thế giới này qua kho tàng văn học dân gian Việt Nam nhé!

1. “Ngu như heo”. Heo có thực sự ngu?

Câu nói “Ngu như heo” chắc chắn rất quen thuộc với mỗi cá nhân, có thể chúng ta từng sử dụng, từng bị chỉ trích, chọc ghẹo bằng những từ trên hoặc thấy qua, nghe qua cách mà mọi người dùng nó. Nếu dùng để phê bình ai đó thì “ngu như heo” không thể là khen được, nó mang ý chê bai về trí tuệ, đầu óc của đối phương. Nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu thói quen dùng từ này của chúng ta có “vu oan” cho bạn heo hay không?

Ảnh: thitruongkinhte.com

Câu trả lời là có.

Một nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Emorry của Mỹ đã xua tan những định kiến của con người lên loài heo - giống loài “tối dạ” chỉ nuôi để làm thịt. Kết quả nghiên cứu cho thấy heo khôn lanh hơn chó và cách giải quyết vấn đề “sáng suốt” hơn cả tinh tinh, một loài có họ hàng rất gần với con người. Bởi nhìn chung loài heo có một bộ nhớ khá tuyệt vời khi có thể lưu trữ tốt trí nhớ dài hạn, chúng có thể nhìn ra được các vấn đề khi “tham gia” thử thách mê cung, không gian, tìm ra thức ăn bị giấu…. Không chỉ vậy, nếu con người có hệ thống tín hiệu thứ hai thì giống loài này có hệ thống ngôn ngữ biểu tượng đơn giản và có thể học được những biểu tượng phức tạp hơn.

Nhiều người cho rằng heo không có được những hành động đáng yêu như các thú cưng khác (chó, mèo,…) nhưng thực tế không phải vậy. Chúng có thể chơi đùa, làm trò đánh nhau, ve vẩy đuôi khi vui mừng hay cụp tai khi hoảng sợ. Chúng nhận thức được các hành động yêu thương, gây tổn hại đến từ các sinh vật xung quanh, biết cảm động, rung động trước những cảnh tượng ngọt ngào của các cá thể khác.

Vậy từ giờ chúng ta có lẽ phải suy nghĩ xem có nên chê người khác “ngu như heo” hay không?

2. “Chó sủa là chó không cắn” ?

Nếu nói theo khoa học, thực chất việc sủa và cắn của chó không liên quan mật thiết đến mức trở thành một đặc tính ở giống loài này. Câu nói “chó sủa là chó không cắn” có thể hiểu như một cách nói mẹo hài hước, con chó đang sủa rồi thì làm sao mà cắn được, giống như việc chúng ta không thể vừa phồng vừa há miệng cùng một lúc.

Ảnh: 24h.vn

Trong cuộc sống, chúng ta thường dùng cách nói này để ám chỉ rằng những người nóng nảy, có phần dữ dằn sẽ không mưu hại người, những kẻ hay im lặng mới thực sự nguy hiểm. Quan niệm trên không thực sự đúng, bởi việc nóng nảy, im lặng và hại người không hề “dính dáng” gì đến nhau. Không ai chắc rằng sau khi con chó sủa “đã đời” thì sẽ không lao lên cắn một cách bất ngờ và đôi khi người ta luôn lầm lầm lì lì vì họ thích như vậy, họ không có gì để nói hay bàn luận,…

3. … “như chó với mèo”?

Việc mô tả mối quan hệ, hành động, cư xử của hai hay nhiều cá nhân bằng hình ảnh “như chó với mèo” đã quá quen thuộc với chúng ta. Cách so sánh này ám chỉ sự bất hoà, gặp nhau là cãi, thậm chí dùng tới “võ công” giữa đôi bên. Nhưng thực tế chó và mèo có luôn ghét nhau?

Theo các chuyên gia về chăm sóc vật nuôi Mỹ, trong thế giới tự nhiên, chó và mèo vốn dĩ không có mối thù nào, không phải là những kẻ thù "bẩm sinh" cũng không phải tự động thấy “thích thì ghét”. Hai loài này hầu như sinh sống riêng biệt và thậm chí chẳng liên quan hay để tâm đến nhau. Nhưng khi con người xem chúng là thú cưng nuôi trong nhà thì chúng buộc phải có sự tương tác với môi trường xung quanh hoàn toàn khác so với trong tự nhiên. Mỗi loài có cách tương tác riêng và những sự khác biệt này đã dẫn đến xung đột.

Ảnh: ytimg.com

Chẳng hạn như để biểu hiện tình cảm tích cực, chó hay nhảy vồ vập lên người mà nó yêu quý, vui vẻ vẫy đuôi như một dấu hiệu chào mừng: “ông/bà chủ đã về”. Còn mèo chỉ vẫy đuôi với mục đích báo hiệu tiêu cực, đại loại như “boss” đang giận dữ và không hài lòng về “sen”. Khi giới thiệu bản thân, chó sẽ lại đánh hơi chân sau của mèo để thể hiện thành ý muốn kết thân. Nhưng mèo lại cho việc “đánh hơi chân sau” là bất lịch sự, nó sẽ bỏ chạy hoặc tấn công lại con chó đang miệt mài “đánh hơi” kia. Nếu con mèo chạy đi, bản năng săn mồi của chó sẽ trỗi dậy, từ một cuộc làm quen bỗng chốc trở thành chuyến rượt đuổi đầy nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu một con chó con và mèo con được nuôi lớn cùng nhau, chúng sẽ có nhiều thời gian để thấu hiểu và sẵn sàng trở thành bạn thân. Và cho dù không trưởng thành như “thanh mai trúc mã” thì chó và mèo ít nhất cũng không mâu thuẫn nếu chủ nhân của chúng biết cách rèn luyện tốt.

4. “Nước mắt cá sấu”: đơn giản là nước hay xảo quyệt và gian trá?

Thành ngữ “nước mắt cá sấu” rất gần với câu “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”. Theo nghĩa rộng, nó dùng để chỉ những kẻ xảo trá, giả bộ hiền từ nhưng luôn mưu toan hại người như cách mà con cá sấu chảy nước mắt khi đang nhai ngồm ngoàm con mồi nó săn được. Vậy trên khía cạnh khoa học thì việc cá sấu chảy nước mắt có thực sự là để lừa gạt, giả bộ trước những sinh vật khác?

Theo các nghiên cứu cho thấy cá sấu không thể trải qua các cảm xúc đau lòng như ở một số loài khác, đặc biệt là con người. Việc nghiên cứu nước mắt này dẫn đến rất nhiều giả thuyết nhưng chưa có một kết luận chính thức nào cho những giả thuyết đó.

Ảnh: ytimg.com

Một trong những giả thuyết được nhiều người quan tâm là nước mắt giúp cá sấu tiêu hoá thức ăn. “Trước đây người ta đã cho rằng những giọt nước mắt đó có chức năng bôi trơn thức ăn giúp cá sấu nuốt vào được dễ dàng, và hành động nhỏ nước mắt mà chúng ta nhìn thấy chỉ là do lượng nước mắt sản sinh ra quá nhiều, gây hiện tượng trào ra.”. Ngoài ra còn có ý kiến cho rằng, việc hít thở nặng nề khi ăn của cá sấu đã tạo nên sự xuýt xoa, rít lên tạo luồng không khí đẩy qua xoang và đẩy nước mắt tràn ra ngoài khiến chúng ta tưởng con cá sấu đang khóc…

5. “Bút sa gà chết”

Theo Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967), “Bút sa gà chết” là: “Đã hạ bút ký vào một văn bản thì phải chịu trách nhiệm về chữ ký của mình” hay hiểu rộng hơn, viết một điều gì đó thì phải luôn cẩn trọng, suy xét kĩ lưỡng.

Nhưng tại sao lại có gà ở đây và con gà lại chết? Có rất nhiều cách giải thích cho thành ngữ này. Trong đó, có người cho rằng “sa” và “gà” cùng âm “a”, xuôi miệng xuôi tai nên gắn vào chung để dễ nhớ dễ đọc. Giải thích này không thuyết phục lắm bởi có nếu chỉ vì âm “a” mà sản sinh ra câu thành ngữ truyền từ đời này sang đời khác thì khá thất vọng và thô thiển. Một giải thích khác được đồng tình nhiều hơn là ý nghĩa thực tế của câu nói này. Quan điểm đó cho rằng vì thời xưa, việc học khó khăn, dân chúng ít chữ nên khi cần viết một biên bản, hồ sơ, đơn từ,… họ hay nhờ đến các nho sinh, sau khi xong việc thì sẽ thanh toán bằng cách xẻ gà đãi thịt hoặc sẽ trả lại tương đương một con gà. Ngoài ra còn một trường hợp khác là khi dân cần “xin chữ ký” của quan trên thì phải luôn “biếu chút quà mọn”, cứ ký là có một hay vài con gà bị cắt cổ, vặt lông,… nên gọi là “bút sa gà chết”.

Ảnh: hieuqua.com

Vậy có thể suy đoán rằng thành ngữ “bút sa gà chết” xuất hiện với mục đích nêu lên hiện trạng cuộc sống của người dân ngày trước, trường lớp ít ỏi phải cậy nhờ trên từng con chữ, bị quan tham lợi dụng bòn rút túi tiền một cách nhởn nhơ chứ không giống như cách hiện nay mà chúng ta hay nói trách nhiệm của một con người khi được quyền viết gì đó. Và tất nhiên trong thời nay việc gà chết cũng không liên quan mấy đến “bút có sa” hay không nên ít nhiều chúng ta sẽ cảm thấy khó hiểu khi nghe câu nói này.

Văn học luôn tích góp rất nhiều điều từ trong kinh nghiệm cá nhân, lịch sử và cuộc sống nhưng không phải lúc nào những điều đó cũng được thể hiện lại thật rõ nét, đúng đắn. Khám phá một chút về sự ẩn dụ, liên tưởng trong các câu nói sẽ giúp chúng ta có thêm rất nhiều kiến thức thú vị không ngờ đến từ mọi lĩnh vực khác nhau.

Author: Yuu

News day