Đôi nét về chế độ mẫu hệ ở vùng đất Tây Nguyên
UTU 12/21/2016 05:00 PM
Mỗi vùng đất của đồng bào dân tộc đều có những nét văn hóa của riêng mình. Không phải cộng đồng nào cũng giống nhau, nhưng nhìn chung một hiện tượng dễ thấy nhất chính là chế độ mẫu hệ.

Những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học, tôi luôn bị cuốn vào những bài giảng của những giảng viên trong khoa. Không riêng gì với tôi, mà các bạn học khác đều cảm thấy các môn học hết sức lạ lẫm về cách sống của những tộc người trên đất nước Việt Nam. Bởi họ luôn luôn có sức mê hoặc kì lạ. 

Từ những bài giảng được đúc kết ra, từ những lần thực nghiệm thực địa, những cú sốc văn hóa trong mùa kiến tập trải dài cả mùa hè, hay những tháng ngày ròng rã điền dã ở những vùng đất mới, tiếp xúc với con người mới. Có hàng tá đề tài hay về văn hóa tộc người, điều tôi muốn đề cập đến chính là một hiện tượng dễ thấy của các tộc người trên đất nước Việt Nam. Đó là chế độ mẫu hệ ở vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió.

Mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió luôn là đề tài cuốn hút những nhà nghiên cứu.
Ảnh: baodulich.net.vn

Xã hội nguyên thủy trong quá khứ đã thiết lập một tập đoàn những người chung sống với nhau không phân chia giai cấp. Khi ấy, những người đàn ông sẽ ngày ngày đi săn bắt thú rừng, chim chóc. Còn những người phụ nữ sẽ làm công việc hái lượm, thu hoạch về những thứ rau, củ, quả. Dựa trên năng lực lao động, người phụ nữ luôn có lợi thế hơn bởi sự siêng năng, chăm chỉ cho mỗi lần thu lượm được rất nhiều lương thực. Việc săn bắt thú rừng còn phụ thuộc vào thời gian, số lượng thú rừng hay đôi khi để săn thành công một con thú cần đến sự trợ giúp của rất nhiều người. Người phụ nữ có tiếng nói hơn vì có tiềm lực kinh tế hơn.

Một vấn đề nữa là những đứa trẻ trong cộng đồng ra đời đều không biết đến mặt cha đẻ của chúng. Vì hiện tượng tạp giao, người phụ nữ có thể quan hệ tình dục với tất cả các người đang ông trong cộng đồng đó. Bởi vậy, những đứa con sinh ra chỉ biết đến mẹ, người mẹ có vai trò lãnh đạo và cũng từ đó mà chế độ mẫu hệ được thiết lập chặt chẽ hơn.

Những đứa trẻ hầu như không biết mặt cha đẻ của mình.
Ảnh: timeoutvietnam.vn

Chế độ mẫu hệ biểu hiện rõ nhất ở các đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên Việt Nam cụ thể là người Ê-đê, Ba-na, Gia-rai, Chăm... thông qua các Lễ hỏi chồng (Trok kô - ông), Lễ thỏa thuận (Bi kuotd), Lễ cưới (Kbih cung mô)... Khác với con trai sẽ đi lấy vợ của người Việt, những tộc người có chế độ mẫu hệ sẽ đi lấy chồng. Người con trai sẽ ở rể bên nhà gái. Thừa kế tài sản thuộc về nữ, bên nhà gái cưới chồng cho con, con sinh ra mang họ mẹ. Biểu hiện rõ của người Chăm là tục ở rể, đón rể và cưới chồng.

Chế độ mẫu hệ ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc, điêu khắc, hoa văn trang trí, thổ cẩm của người Tây Nguyên. Họ coi mặt trời là của thế giới thần linh, biểu tượng được đặt ở vị trí trang trọng và cao nhất trên mái nhà rông. Mặt trăng được họ quan niệm là sự bí ẩn thiêng liêng, quyền lực của người phụ nữ, biểu tượng được đặt trên cây nêu tượng trưng cho sự huyền bí, đặt ở cầu thang có bầu vú cách điệu là đặc trưng cho quyền lực mẫu hệ ở gia đình. 

Nhà sàn thể hiện quyền lực của người phụ nữ xưa.
Ảnh: static.panoramio.com

Nhưng hiện nay, sự giao lưu văn hóa cũng dần dần thay đổi những tục lệ ngày xưa. Khi xã hội càng phát triển thì người đàn ông là trụ cột gia đình và chuyển qua chế độ phụ hệ. Dù cho chế độ mẫu hệ hay phụ hệ nhưng Già làng vẫn là đàn ông. Trong thế giới động vật có đời sống mẫu hệ: Ong, voi, cá voi… Dù mẫu hệ hay phụ hệ đều coi trọng con người, sự sống tồn tại không có quyền lực nào mạnh hơn tình yêu của họ.

Ngày nay, chế độ mẫu hệ vẫn còn tồn tại trong cuộc sống và ý thức của tộc người Tây Nguyên, như lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa rất riêng và độc đáo, góp phần vào sự đa dạng, phong phú chung trong văn hóa của các dân tộc ở vùng đất đầy nắng mặt trời, núi non hùng vĩ, vùng đất của lễ nghi, phong tục, lễ hội.

Chế độ mẫu hệ vẫn còn tồn tại trong cuộc sống và ý thức của tộc người Tây Nguyên.
Ảnh: baonga.com

Khi đã vén xong bức rèm quá khứ, chúng ta lại được hiểu thêm một nét văn hóa thú vị trên mảnh đất cong cong hình chữ S này. Những tục lệ tưởng như lạ lẫm nhưng lại tồn tại từ rất lâu đời, có khi đến tận hôm nay. Tôi chỉ mong góp một chút đam mê, một chút khám phá cho những ai thích nghiên cứu tìm tòi về những vùng đất mới, những con người mới.

Author: UTU

News day