Du học chỉ dành cho người kiên nhẫn, mạnh mẽ
Đông Thảo (Tổng hợp) 06/05/2017 06:30 PM
Lắng nghe câu chuyện của các du học sinh Việt Nam với biết bao ước mơ hoài bão khi đặt chân đến các đất nước, chúng ta mới thấy được họ đã bàng hoàng, điêu đứng thế nào với sự thật “không như mơ” ở nơi xa quê cha đất mẹ.

Nếu chỉ xem những bộ phim tình cảm lãng mạn, bạn dễ hiểu lầm rằng cuộc sống ở các nước phát triển hơn thật tuyệt vời, thật đáng mơ ước. Không phải vậy đâu, hãy thử tìm xem những bộ phim tâm lý xã hội sẽ thấy lối sống thật của mỗi đất nước hiện lên rõ nét. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào phim ảnh mà phán đoán thì thật thiếu chính xác.

Lắng nghe câu chuyện của các du học sinh Việt Nam với biết bao ước mơ hoài bão khi đặt chân đến các đất nước, chúng ta mới thấy được họ đã bàng hoàng, điêu đứng thế nào với sự thật “không như mơ” ở nơi xa quê cha đất mẹ.

Lịch trình học tập, làm việc dày đặc

Tình huống này được nhiều bạn du học sinh ở Hàn Quốc chia sẻ. Với chương trình đại học nặng nề, lịch học kín tuần, về đêm lại phải đi làm thêm để có tiền chi trả cho học phí cùng chi tiêu sinh hoạt, các bạn học sinh không cách nào giữ được sức khỏe như những ngày đầu. Vì mức chi phí cao mà thu nhập làm thêm lại không đủ, các bạn gần như phải bỏ học để đi làm, từ đó dẫn đến tình trạng về nước sau khi hoàn thành chương trình các bạn không nắm được toàn bộ vốn kiến thức cần có để đi làm. Nhiều bạn cho rằng, “cuộc sống du học hợp với những người biết nỗ lực và chịu đựng. Nhiều khi chờ vào may mắn, phải vui vẻ với hai từ duyên số.”

Ảnh: Hon Kim

Sốc văn hóa, lối sống

Theo facebook của anh Trần Ngọc Thịnh, cuộc sống du học bên Mỹ thực sự không như tưởng tượng. Ngoài chuyện trường đại học anh theo học không hề nằm ở phố thị tấp nập nhộn nhịp gây buồn chán, anh còn phải đối mặt với những chương trình thực tế diễn tả quá thực cảnh sát Mỹ truy đuổi cướp và không ngần ngại sử dụng súng khi khó đối phó với tội phạm được phát trên tivi. Anh cũng nhấn mạnh việc dùng súng ở Hoa Kỳ không giống như trong phim mà ở mức độ kinh khủng gấp mấy lần. Bên cạnh đó, nạn phân biệt, kì thị chủng tộc cũng khiến cho nhiều du học sinh đến từ các châu lục khác cảm thấy tồi tệ. Trong khi du khách Tây tới Việt Nam thì dân ta thân thiện đối đãi như thượng khách (trừ những trường hợp trộm cắp, lừa đảo) thì du học sinh lại mang trong mình cảm giác bị xa lánh, bị chế giễu bởi một bộ phận người địa phương hay chính học sinh bản xứ trong trường.

Ảnh: Daryan Shamkhali

Nhớ gia đình, nhớ quê hương

Đây là căn bệnh chung của du học sinh. Khi nhận được tin mình đạt được suất học bổng nào đó hẳn các bạn rất vui sướng, tự hào. Tuy vậy khi được hỏi thì mười người như một đều nói rằng, năm đầu tiên là khổ nhất: nhớ nhà, nhớ quê, nhớ món ăn mẹ nấu, nhớ dáng cha ngồi đọc báo mỗi sáng. Mỗi khi trên Facebook bạn cũ ở Việt Nam đăng hình ăn uống, đăng hình đi chơi dọc đất nước là họ lại thấy thèm. Thèm không khí Tết Việt Nam, thèm cái nóng cháy da cháy thịt mùa hè để rồi nhảy ùm xuống làn nước biển trong xanh trong một chuyến phượt với nhóm bạn thân. Dù theo thời gian thì mọi chuyện dần ổn định, tuy nhiên không bao giờ nỗi nhớ nhà biến mất khỏi cuộc sống xa gia đình của các bạn học sinh.

Ảnh: Quoc Huy Tran

Ba vấn đề ở trên chỉ là ba trong số vô vàn vấn đề khi bạn rời khỏi đất nước thân yêu để đi đến nơi xứ sở xa lạ khác. Tuy vậy đây lại chính là ba vấn đề chính luôn được các bạn du học sinh đề cập khi được hỏi về các khó khăn khi đi học xa. Dù như vậy thì không thể vì những lý do trên mà từ bỏ ước mơ. Các bạn chỉ cần chuẩn bị trước tinh thần để đối phó với các tình huống éo le có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi các bạn chỉ có một mình ở nước ngoài. Như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với việc cứ mang nhiều mộng tưởng để rồi thất vọng, phải không?

Theo Facebook.com/duhocsinh.us

Author: Đông Thảo (Tổng hợp)

News day