Làn sóng phản đối dữ dội sau phát ngôn "gây sốc" của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Thusy (tổng hợp) 01/14/2018 07:00 AM
Phát ngôn gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump được đưa ra khi ông có cuộc họp với các nghị sĩ hôm 11/1 để thảo luận về một dự luật mới liên quan tới vấn đề nhập cư đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội.

“Phái đoàn Liên minh châu Phi (AU) lên án các bình luận (của Tổng thống Trump) ở mức mạnh mẽ nhất và yêu cầu rút lại các bình luận này cũng như đưa ra một lời xin lỗi không chỉ tới người dân châu Phi mà còn tới tất cả những người gốc Phi trên toàn thế giới”, thông báo của Phái đoàn Liên minh châu Phi tại Washington, Mỹ ngày 12/1 cho biết. 

Tuyên bố của Liên minh châu Phi được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang vướng vào vụ lùm xùm “lỡ miệng” khi ông có cuộc họp với các nghị sĩ hôm 11/1 để thảo luận về một dự luật mới liên quan tới vấn đề nhập cư,  khiến ông vấp phải sự chỉ trích dữ dội của dư luận. 

Tuyên bố của phái đoàn Liên minh châu Phi tại Washington DC ngày 12/1. Ảnh: Twitter

Tổng thống Trump được cho là đã nói với các nghị sĩ rằng, thay vì cho phép công dân từ những nước đang chịu thiên tai, xung đột hoặc bệnh dịch nhập cư vào Mỹ, Washington nên tiếp nhận người nhập cư từ những nước khác như Na Uy. Các nguồn tin tiết lộ ông Trump đã sử dụng từ “quốc gia dơ bẩn” để ám chỉ một loạt quốc gia như El Salvador, Haiti và các nước châu Phi, đồng thời đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại muốn có người nhập cư từ các quốc gia này.

Phái đoàn của AU tại Washington DC bày tỏ "sự bàng hoàng, thất vọng và giận dữ" về những bình luận trên. Theo tuyên bố, AU "tin tưởng mạnh mẽ rằng đang có sự hiểu lầm rất lớn giữa chính quyền Mỹ với lục địa Phi cũng như những người dân châu Phi. Một cuộc đối thoại giữa chính quyền Mỹ với các nước châu Phi là vô cùng cần thiết”. 

Trong khi đó, cựu Tổng thống Haiti Laurent Lamothe cũng bày tỏ sự thất vọng khi nói rằng lời phát biểu của Tổng thống Mỹ "cho thấy sự thiếu tôn trọng và thiếu hiểu biết". Đại sứ Haiti tại Mỹ, Paul Altidor, cho biết quan điểm của Trump "thể hiện sự rập khuôn".

Một số nghị sĩ từ cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích phát biểu kỳ thị chủng tộc của ông Trump. 

Mia Love, nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ bang Utah, người có gia đình đến từ Haiti, đã lên án lời phát biểu của Trump là "khiếm nhã, chia rẽ, phân biệt đẳng cấp" và yêu cầu một lời xin lỗi đối với người Mỹ và các quốc gia mà ông "cố tình nhục mạ".

Văn phòng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc cũng đưa ra nhận xét phát biểu của Donald Trump mô tả những người nhập cư từ châu Phi và Haiti đến từ "các quốc gia dơ bẩn" là phân biệt chủng tộc. Cơ quan này đang dẫn dắt làn sóng toàn cầu nhằm lên án Tổng thống Mỹ Donald Trump

Viết trên Twitter hôm 12/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận ngôn ngữ mà ông sử dụng trong một cuộc họp riêng với các nhà lập pháp để bàn về luật nhập cư là khá cứng rắn, nhưng khẳng định không dùng từ ngữ miệt thị.

Tổng thống Mỹ Tòa Bạch Ốc ở thủ đô Washington DC ngày 11/1. Ảnh: UPI

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Raj Shah, người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc, không phủ nhận lời nhận xét "quốc gia dơ bẩn" mà cho biết ông Trump "đang đấu tranh cho các giải pháp lâu dài làm cho đất nước chúng ta mạnh mẽ hơn bằng cách chào đón những người có thể đóng góp cho xã hội của chúng ta, phát triển nền kinh tế của chúng ta và hòa nhập vào đất nước vĩ đại của chúng ta".

Cuối năm ngoái, Chính quyền Trump tuyên bố sẽ chấm dứt việc chỉ định TPS cho Haiti, một động thái có thể ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người di cư Haiti. Hôm 8/1, Bộ An ninh Nội địa cũng tuyên bố sẽ chấm dứt bảo vệ hơn 200.000 người Salvador.

Trong khi đó, ngày 12/1, Đại sứ Mỹ tại Panama John Feeley, chuyên gia về châu Mỹ Latin của Bộ Ngoại giao đã từ chức, vì cho biết ông không còn cảm thấy có thể phục vụ Tổng thống Donald Trump được nữa. Theo đó, ông Feeley đã được báo cho Bộ Ngoại giao vào ngày 27/12 và Tòa Bạch Ốc, cùng chính phủ Panama về quyết định nghỉ hưu vì lý do cá nhân, kể từ ngày 9/3 năm nay.

Giới chức Mỹ từ chối thảo luận về những lý do khiến ông Feeley rời Bộ Ngoại giao sau một thời gian dài làm việc trong cơ quan này, trong khi nhiều người cho rằng một số chính sách của Tổng thống Trump vấp phải phản đối tại châu Mỹ Latin và bị xem có "tính thù địch" đối với khu vực này. 

Author: Thusy (tổng hợp)

News day