Leicester, Real, Barca và những “FC phản thầy” đình đám (Kỳ 2)
Đình Hiển 04/10/2017 03:30 PM
Không phải chỉ những đội bóng thiếu tính tổ chức và chuyên nghiệp mới thường xuyên xuất hiện những cuộc nổi loạn. Ngay chính những “ông lớn” của bóng đá thế giới, nơi có những ngôi sao mang trên mình cái tôi khó lòng bị hạ bệ mới là nơi manh nha cho sự trỗi dậy của những “thế lực ngầm”.

4. Arsenal và Arsene Wenger (mùa giải 2016 – 2017)
Làn sóng phản đối Wenger mỗi mùa giải vẫn xảy ra đều đặn trong khoảng tháng 2, tháng 3 như cái điệp khúc “Có mặt trong Top 4” bất hủ mà huấn luyện viên người Pháp ca đi ca lại hằng năm. Tuy nhiên, mọi thứ lại rất khác trong mùa giải năm nay. Ngay đầu mùa, một vụ việc hy hữu đã xảy ra xung quanh vấn đề đi hay ở của Wenger. Trước phát ngôn của Giáo sư rằng nếu có 300 triệu bảng trong tay, ông cũng sẽ không ném vào thị trường chuyển nhượng mà sẽ dùng tiền đó để trả lương cho 600 công nhân làm việc tại đội bóng. 

Wenger không ít lần vướng vào những vụ "vạ miệng" ở Arsenal.
Ảnh: Thể Thao và Văn Hóa

Phát biểu trên của Arsene như một sự xúc phạm làm chạm đến lòng tự ái của rất nhiều nhân viên ở Arsenal. Bởi không ít người làm việc tại đây chỉ vì niềm đam mê bóng đá, tình yêu với Pháo thủ chứ không hẳn vì vấn đề lương bổng. Ngay lập tức, một nhân viên bán hàng lưu niệm ở Emirates nộp đơn xin nghỉ việc, trong đơn anh ta liên tục “đá xoáy” Wenger trong cơn bất bình: “Ông ấy đổ lỗi cho việc trả lương chúng tôi là lý do chính khiến đội bóng không có tiền để mua cầu thủ mới... Thật mừng khi quyết định thôi việc của tôi sẽ giúp ngài Wenger dư dả tiền hơn để mua về những cầu thủ chất lượng cho đội bóng. Tôi ước gì mình có thể nghỉ việc ngay lập tức để không trở thành cục nợ cho đội bóng.”

Nguyên văn lá đơn xin từ chức hài hước nhưng cũng đầy đả kích.
Ảnh: Bongdaplus

Thế nhưng những lời “châm biếm” trên vẫn chưa là gì so với những đả kích khác hướng về phía huấn luyện viên người Pháp ngay trong lòng Pháo thủ. Trong trận thua 1 - 3 muối mặt trước West Brom ở vòng 27, cựu danh thủ Alan Shearer nhận định, các cầu thủ Arsenal đã “đâm sau lưng” huấn luyện viên Arsene Wenger. Có đến 9 cầu thủ trong vòng cấm và công việc của họ chỉ là đứng yên nhìn các cầu thủ West Brom bật cao đón bóng rồi thoải mái đánh đầu tung lưới Ospina khi không phải chịu bất kỳ sức ép hay sự kháng cự nào. Bàn thắng “có mùi” ấy khiến huyền thoại của đội bóng Thierry Henry không khỏi điên tiết: “Jens Lehmann sẽ đấm vào mặt tôi, nếu tôi phòng ngự như các cầu thủ Arsenal vừa làm. Trong sự nghiệp của mình, tôi chưa từng thấy tình huống dàn xếp phòng ngự nào như vậy, cả 3 cầu thủ West Brom đều có thể ghi bàn dù bị vây quanh bởi... 9 cầu thủ Arsenal”.

Tình huống cả đội hình Arsenal đứng nhìn các cầu thủ West Brom tự do ghi bàn.
Ảnh: Thethao&Vanhoa

Từ nhân viên đến cổ động viên trên toàn thế giới và giờ các cầu thủ, dư luận có lẽ đã không thể nào chịu đựng nổi sự bảo thủ của Wenger. Có lẽ Giáo sư nên sớm có quyết định và chọn cách ra đi như một sự đáp trả đầy tôn trọng dành cho họ và cho chính bản thân ngài.
5. Barcelona và Luis Enrique (mùa giải 2016 – 2107)
Với lò đào tạo La Masia trứ danh, Barca luôn là cái nôi sản sinh ra những kỳ tài cho bóng đá thế giới. Từ huyền thoại Johan Cruyff - "cha đẻ của nghệ thuật Tiqui–Taca thần thánh” đến Tito Vilanova, Pep Guardiola và bây giờ là Luis Enrique. Họ không những kiệt xuất trong nghiệp “quần đùi áo số” ở Barca, mà còn trở thành những “thuyền trưởng tài ba” lèo lái con tàu xứ Catalan tìm đến biết bao vinh quang trong lịch sử đội bóng. Thế nhưng trích đoạn chia tay đội bóng của họ thì lại hoàn toàn khác. Đơn cử như việc Pep tuyên bố kết thúc triều đại của mình ở Barca bởi kiệt sức lẫn kiệt quệ về ý tưởng: “Tôi cảm thấy mệt mỏi như thể đã phải đi bằng đầu gối, và quan trọng là tôi không còn ý tưởng chiến thuật nào mới để áp dụng cho Barca. Đó là lý do vì sao tôi đi. Không còn nguyên nhân nào khác.” Pep giãi bày sau khi từ chức. Trong khi đó, người đồng đội cũ của ông, huấn luyện viên đương nhiệm Luis Enrique tuyên bố sẽ ra đi vào cuối mùa này bất chấp việc câu lạc bộ đang đứng trước khả năng đoạt hat-trick danh hiệu vào cuối mùa.

Enrique tuyên bố sẽ chia tay Barca vào cuối mùa bất chấp chuyện gì xảy ra đi nữa.
Ảnh: Bongda

Ẩn khuất phía sau quyết định của “Lucho" được cho là bắt nguồn từ mối quan hệ “bằng mặt không bằng lòng” với siêu sao Lionel Messi. Nó đã âm ỉ ngay từ mùa giải năm ngoái khi giữa Messi và Enrique xảy ra cãi vã trên sân tập rồi sau đó là hàng loạt động thái đối đầu nhau từ cả hai. Và “cơn hỏa hoạn” được dự báo từ trước cũng chỉ chờ có cơ hội để ập đến. Đó là đêm tình nhân kinh hoàng trên đất Paris với thất bại 0 – 4 trước PSG. Chỉ vài ngày sau đó, “Lucho” chính thức tuyên bố sẽ ra đi vào cuối mùa: "Tôi rời Barca vì cơ thể cần nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng.” Bất chấp việc Enrique đưa ra lời giải thích như trên, thế nhưng có lẽ ai cũng hiểu mấu chốt chính là nạn “kiêu binh” ở Barca mà Messi là một trong số những người đi đầu. 

Mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" với Messi có lẽ là nguyên nhân chính cho sự ra đi của "Lucho".
Ảnh: Bongda

Ngoài ra, Neymar và Busquets còn là những cái tên được cho là bất phục trước những quy định nghiêm ngặt về giờ giấc của Enrique. Đó là còn chưa kể truyền thông Catalan xưa nay vốn vẫn chẳng ưa gì với phong cách trả lời phỏng vấn cụt ngủn và có phần sỗ sàng của chiến lược gia gốc Gijon, giờ lại càng có lý do để gay gắt với ông. Trước những diễn biến trên, quyết định chia tay câu lạc bộ có lẽ là lối thoát cho kiếp cầm quân hẩm hiu và bất công của “Lucho” ở Barca. Bất chấp việc ông đã mang về đến 8 danh hiệu cho đội bóng chỉ sau hai mùa và đang đứng trước cơ hội dành cú ăn 3 ngay trong mùa giải năm nay.
6. Man City và Pep Guardiola (mùa giải 2016 – 2017)
Như đã nói trên, không giống như Enrique, Pep đã chia tay Barca trong vị thế hoàn toàn khác người đồng đội cũ. Thế nhưng, không có nghĩa là kịch bản ấy sẽ không xảy ra với Pep nhất là khi ông đang làm việc trong một môi trường khắc nghiệt và phức tạp như ở Anh. Đặc biệt, cái cách mà ông bắt đầu công việc ở Man City thật không thể nào làm hài lòng các công thần của đội bóng nếu không muốn nói là thật chướng mắt. Ông thẳng tay “trảm” Joe Hart khi “tù đầy” anh đến tận Torin chỉ vì cho là thủ thành này không thể chơi bóng bằng chân tốt, rồi tiếp đến là đội trưởng Vicent Company, đội phó Yara Toure và Kun Aguero “Vua phá lưới” mấy mùa liền của câu lạc bộ bị “đầy ải” lên băng ghế dự bị để tiện trải thảm đón hàng loạt sao trẻ đến Etihad. Và giờ đây, ông phải nhận lấy một mùa giải thất bát nhất chưa từng có trong sự nghiệp cầm quân của mình. Lần đầu tiên, một đội bóng do Pep dẫn dắt không thể qua nổi vòng 16 đội ở Cup C1. Man City đang chật vật bảo vệ một vị trí trong Top 4 với những trận đấu phập phù.

Nhiều công thần tỏ ra bất kham trước Pep.
Ảnh: Ole

Chỉ trong vòng hơn hai tuần Pep đã phải hai lần lên án các học trò, bị Monaco hất cẳng khỏi Cup C1 bởi luật bàn thắng sân khách, Pep chỉ trích: “Tôi đã nói với các cầu thủ rằng họ cần phải đẩy cao đội hình, gây sức ép với đối thủ. Phải dũng cảm cầm bóng, phối hợp, chơi bóng. Nhưng họ đã không làm như thế. Họ để cho đối thủ có bóng ở khu vực nguy hiểm. Như thế chẳng khác nào một hành động tự sát”. Còn sau trận hòa 2 – 2 trước Arsenal, ông chua chát thừa nhận: “Sau khi ghi được bàn thắng, chúng tôi đã quên mất cách chơi bóng.” Phải chăng các cầu thủ Man City đang không tin tưởng vào những chỉ đạo của Pep? Hay họ đang bắt đầu đáp trả lại những quyết định bị cho là độc đoán của ông kể từ đầu mùa?

Guardiola nên học cách dung hòa hơn nữa nếu không muốn thảm bại rời Anh.
Ảnh: Tuotre

Một trong những chiến lược gia được cho là lọc lõi nhất ở thời điểm hiện tại với lối tư duy tân tiến của một bộ óc thiên tài như Pep vẫn phải bắt đầu học cách nhìn thái độ của các cầu thủ. Phải chăng “nạn kiêu binh” đang trở thành xu thế và “những vị tướng” hãy cẩn trọng với chiếc ghế của mình, bởi có câu: “Kiêu binh tất bại”

Author: Đình Hiển

News day