Mùa yêu đầu
Khánh Hòa 05/03/2017 07:00 PM
Tôi cứ ngỡ sẽ chẳng có gì thay đổi. Với sự ra đi đột ngột của em, tôi vẫn phải tiếp tục ôn tập để thi cử, vẫn phải đều đặn đem rau ra chợ bán. Họa chăng, tuổi mười tám của tôi trôi qua buồn quá. Chẳng ai chứng kiến cái sự trưởng thành méo mó này, người duy nhất chịu buồn chịu vui cùng tôi đi mất rồi.

- Anh xem, hình như trong mắt người này có nước.

- Cậu cận bao nhiêu độ rồi?

- Hôm trước một rưỡi, giờ lên hai.

Tôi cười cười, đặt tách trà thảo mộc xuống bàn rồi đi đến gần cậu ta. Cậu bạn của tôi đứng chắp tay ra sau, ngắm nhìn bức tranh một hồi rất lâu.

- Mắt cậu vẫn còn tốt lắm.

- Cô bé này, anh tìm thấy ở đâu vậy? Thần thái không phải chuyện đùa.

Tôi nhếch môi không đáp, nhìn về phía bức tranh của mình. Một cô bé chừng mười bảy tuổi trong bộ đồng phục trắng xanh, tay ôm cặp sách rồi ngoái đầu nhìn về sau. Trong những mảng tối sáng, gương mặt cô hiện lên với một nỗi ưu tư khó diễn tả, có chút luyến tiếc nơi bàn chân dừng lại, có chút trầm mặc mà sâu sắc trong đáy mắt.

- Khung cảnh gì buồn xơ xác.

Cậu ta cảm thán rồi khẽ thở dài, lắc đầu quay lưng đi. Còn tôi vẫn đứng đó.

Tôi thấy cột khói mỏng phía sau rặng tre cao vút, thấy con đường đất gập ghềnh đá sỏi, thấy những căn nhà nghèo đến mức cánh cửa gỗ bị mối gặm cả một góc.

Và rồi tôi lại thấy giậu mồng tơi ở cái xóm nghèo năm nào…

- Cô bé đó, là mối tình đầu của tôi.

...

Ảnh: truyen.nguyentrung.net

Em của tôi vóc người nhỏ nhắn, mái tóc ngắn ôm trọn gương mặt trái xoan lẫn gò má trắng ngần. Em trắng lắm và nước da em kì lạ ở chỗ dẫu có phơi trần ngoài nắng thì quá lắm chỉ ửng đỏ lên thôi. À, em còn có cả lúm đồng tiền nữa, thế nên mỗi lần em cười trông xinh lắm!

Chúng tôi lớn lên trong cái xóm nghèo, suốt ngày quanh quẩn với mấy mái nhà đắp xi măng tạm bợ và vài máng nước cạn queo mỗi đợt hè. Nhà chúng tôi cách nhau ruộng rau mồng tơi, tôi nghèo mà em cũng nghèo. Chúng tôi chả có cái quái gì hơn nhau ngoại trừ việc tôi có mẹ còn mẹ em đã bỏ đi hồi em ba tuổi.

Mấy buổi chiều rảnh rỗi, tôi thường ngoắc em ra chơi ô ăn quan, cao hứng hơn nữa thì rủ mấy nhóc trong xóm chơi trốn tìm và nếu tôi xui rủi bị bắt trước thì cái việc em bị bắt ngay sau đó chẳng phải chuyện ngẫu nhiên, chuyện một lần.

Nhưng chưa bao giờ em phát hiện ra hành động ti tiện đó của tôi.

Đến cuối tuần tôi kéo em ra chợ bán rau cùng mình. Trong lúc tôi loay hoay với mấy bà cô thích trả giá thì em kiên quyết không mặc cả thêm. Sau khi người ta đi, em nói nhỏ:

- Anh khờ quá hà, bán thế còn lời bao nhiêu nữa.

Tôi ghét chữ "khờ" của em, cứ như tôi chẳng bằng em.

Chuyện học hành, tôi nhỉnh hơn em tí xíu. Đàn ông con trai ít ra tôi phải có cái để lên mặt. Mấy ngày tôi lười đi học, tôi gọi em qua chép bài cho mình với lí do không thể thuyết phục hơn - để cho em quen bài vở năm sau. Em ngẩn người nhìn tôi nói một tràng rồi cúi đầu cặm cụi chép.

Lên cấp ba, trường học cách nhà gần chục cây số. Năm đầu tôi đi bộ muốn đứt hơi. Sang năm mười một, ba em mua được chỗ phế liệu cái xe đạp cũ, thế là sáng nào tôi cũng đèo em đi học rồi chiều đợi em cùng về. Vài tháng đầu, em ngơ ngác như sinh vật nhỏ lạc vào xứ sở kì lạ, cứ lẽo đẽo theo tôi vào giờ giải lao. Mấy chiến hữu của tôi thường trêu chọc, hỏi về “con nhỏ bồ của mày” nhưng tôi nhếch mép làm ngơ. Tôi ghét người ta gọi em là bồ của tôi và tôi đoán em cũng thế, có lần tôi nhìn thấy em và cô bạn đang ngồi nói chuyện về tôi. Em lắc đầu, mặt hơi ửng hồng, bảo

- Nói bậy ảnh nghe được ảnh giận.

Một hôm tôi dắt xe đạp ra đến cổng thì thấy em đứng loay hoay, bối rối nắm chặt mép áo.

Tôi nhận ra người đứng trước mặt em, là thằng lớp trưởng. Mặt mũi nó sáng sủa ưa nhìn và quan trọng là nhà nó khá giả. Thằng đó có lần gạ hỏi có phải tụi tôi cặp bồ không, tôi phẩy tay chối phăng, vậy là nó thở phào. Nhớ đến đây, trong cổ họng tôi trào lên cơn khó chịu.

Tôi tằng hắng hai tiếng khi lại gần, em trông thấy tôi, reo lên rồi chạy về phía yên sau xe đạp. Tôi không nói không rằng, mặc xác thằng kia mà phóng xe cái vèo. Đến khúc cua đầu con sông, tôi hỏi vu vơ:

- Thằng đó khoái em hả?

Tôi cảm nhận hai bàn tay nhỏ đặt ở hông mình đang siết nhẹ, em ậm ừ trong cuống họng mà không chịu nói một câu đàng hoàng. Mỗi lần em im lặng tức là đang lưỡng lự, mà mỗi lần thế là tôi sẽ lái câu chuyện đi xa hơn nữa.

- Em khoái nó không?

Em thở dài, cái đầu nhỏ áp vào lưng tôi cọ trái phải liên tục. Tôi hài lòng, miệng cười không ngậm lại được, mặt hơi ngẩng lên nhưng đương nhiên tôi sẽ không để em thấy.

Tôi móc cây bút trên tai, chợt nhớ đến cái dáng xiêu vẹo của em trước cổng và cái mã đẹp trai của thằng lớp trưởng. Rồi nó sẽ mang hoa, mang kẹo, mang đủ thứ trời ơi đất hỡi đến tận lớp tìm em, kéo em ra để giãi bày lòng mình như trong mấy bộ phim cũ rích. Ừ thì nhà nó có tiền, có tiền thì ai chả ham! Tự nhiên tôi thấy mình nên đàng hoàng một chút. Tôi chạy đến tủ quần áo mượn tạm cái áo sơ mi phẳng phiu của ông anh rồi đứng trước gương, hất tóc ra sau rồi chải chuốt một tẹo, em thường bảo tôi nhìn nghiêng trông bảnh bao, nhưng giờ tôi thấy, góc nào tôi cũng không đến nỗi tệ.

Ảnh: images.guucdn.net

Nhìn thấy tôi, em ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cái cặp trên tay suýt chút rớt xuống đất. Lúc ngồi trên xe, em giật áo tôi, thỏ thẻ nói:

- Sao nay anh mặc đồ kì vậy?

Tôi nguýt một tiếng dài:

- Kì gì? Cũng phải có bồ với người ta chứ.

Em im re, trên đường tôi có hỏi gì cũng ậm ừ chẳng đâu vào đâu, đến nơi chào tôi một tiếng rồi đi thẳng. Tôi chả hiểu tự dưng em buồn cái quái gì.

Mấy đứa con gái trông bộ dạng mới của tôi, ồ một tiếng to. Bọn đực rựa thì xun xoe hỏi cái áo mua ở đâu mà oách thế, rồi học đâu ra cái kiểu đầu oai vậy. Tôi vờ bí ẩn không nói, có ngu đâu mà nhận là lấy trộm của ông anh.

Giờ ra chơi, ba con nhỏ chạy đến chỗ tôi bắt chuyện. Tôi lơ đãng ngửa đầu ra sau. Lúc ấy trong đầu tôi bật ra một suy nghĩ, có cái mã đẹp kể ra mát mặt thực nhưng cũng lắm phiền toái. Ngồi được mười phút, tôi ngó thấy thằng lớp trưởng lôi từ trong hộc bàn ra một hộp quà bóng loáng, nó chỉnh lại áo quần rồi ra khỏi lớp. Tôi biết chắc nó đi đâu, tôi kiếm cớ cắt ngang câu chuyện vớ vẩn rồi chuồn khỏi lớp.

Thằng nhóc đang chìa hộp quà ra trước mặt em.

Môi em bật không thành tiếng, giữa chừng định nói gì thì lũ con gái cứ đẩy em ra trước, hí hửng xem chuyện vui. Càng làm thế em càng ngại ngùng, đảo mắt liên tục. Em nhìn thấy tôi. Tôi có cảm giác em sắp khóc òa lên, thiếu điều chạy lại ôm chầm tôi. Cậu ta đưa hộp quà vào tay em, em thì nhìn tôi trông chờ điều gì đấy. Còn tôi, như ai đó đang níu chặt ổng khuyển chẳng chịu nhúc nhích. Tôi giương cặp mắt ếch nhìn em, trong lòng trào lên vị chua lẫn đắng, tôi biết mình đang ghen tỵ nhưng sĩ diện của thằng con trai chẳng cho phép tôi chạy đến xé nát hộp quà kia.

Đúng lúc ấy, tiếng trống vang lên dồn dập. Em miễn cưỡng ôm lấy hộp quà rồi lững thững bước vào lớp, không liếc tôi thêm một lần nào. Đang bực bội, tụi bạn tôi chọt chọt nói:

- Con bồ mày có thằng để ý kìa.

Tôi quát ngay:

- Bồ bịch đâu ra, tào lao tao đập chết!

Trời nhá nhem tối, cái mùi ẩm mốc của cơn mưa chiều vẫn còn đây cộng thêm tiếng ễnh ương văng vẳng kêu vang làm tôi có phần khó chịu, hôm nay em bắt tôi đợi đến ba mươi phút, đến khi bác bảo vệ định đóng cổng thì em mới mò mặt đi ra.

Em đứng cách tôi năm bước chân, đôi mắt đậm nỗi buồn. Tôi gắt giọng:

- Em làm cái quỷ yêu gì mà lâu thế hả?

Em lặng người nghĩ một lúc, không biết nghĩ câu trả lời cho tôi hay nghĩ vớ vẩn gì nữa. Em hỏi, giọng khàn rè:

- Sao hồi nãy anh không lại?

Lại đâu? Lại chỗ em? Em trông chờ gì ở việc tôi chạy đến chỗ em chứ? Em muốn tôi làm gì hơn ngoài chuyện mỗi ngày chở em đi học đây? Em sắp sửa có thằng bồ nhà giàu rồi, còn đòi hỏi cái gì!

Tôi to tiếng:

- Nói linh tinh cái gì? Lên xe đi về, tối lắm rồi.

Em nhìn tôi nổi khùng, giây sau bật khóc, em thả cái cặp rồi đưa tay lên miệng ngăn lại mấy tiếng nấc. Đây không phải lần đầu em khóc trước mặt tôi, mỗi lần đều do tôi giỡn quá trớn. Mấy lúc ấy, nếu vui vẻ tôi sẽ chạy đến xoa lưng em rồi dỗ dành vài câu, còn nếu tâm trạng không tốt thì tôi sẽ mặc kệ.

Lần này thì tâm trạng của tôi đang rất không tốt. Không lí do, không gì hết.

Tôi đanh giọng dọa:

- Em không nín là đi bộ về nha. Lên xe nhanh!

Em lí nhí trong cuống họng mà tôi chẳng thể nghe rõ em nói gì. Bây giờ thì tôi bực thật. Em làm ra vẻ tội nghiệp như tôi thiếu nợ mấy đời tổ tông nhà em trong khi tôi mới là người cần phát tiết.

- Không về là anh mách với chú đấy! Anh bảo lần cuối, mau lên xe!

Em cúi mặt leo lên xe, chúng tôi không nói tiếng nào, tôi chỉ nghe tiếng nấc của em dọc chục cây số đường.

Tối đến tôi cặm cụi với đống đề luyện thi. Tôi muốn thoát nghèo, thoát cái cảnh phải đem chậu hứng nước mưa dột xuống từ mái nhà, thoát khỏi mấy ngày cuối tuần lom khom ngoài chợ mặc cả với mấy bà cô già. Tôi muốn có một căn nhà ba tầng, một chiếc ô tô sang chảnh và một cô vợ đảm đang hiền thục, một cô vợ với vóc dáng nhỏ nhắn và nước da trắng, để con cái sau này được cái gen tốt của má nó.

Tôi vạch ra kế hoạch cuộc đời mình. Tôi biết rồi cuộc đời của em và tôi sẽ tách nhau ra. Nhưng tôi không sợ và tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc một ngày nọ em bỗng dưng biến mất thì mình sẽ ra sao.

Ảnh: i.ytimg.com

Tôi và em không nói với nhau câu nào từ cái ngày em khóc òa lên. Mối quan hệ tốt đẹp trở nên nát bét. Tôi không thấy thằng lớp trưởng kiếm em nữa, chắc em đã nói rõ ràng với nó. Đôi lần bắt gặp tôi ở căn tin, em cười, tôi cũng cười, mặt bình thản.

Một hôm, tôi thấy mẹ em đến, em ngồi yên một góc nghe ba mẹ mình nói chuyện, gương mặt tối sầm. Em thường kể em nhớ mẹ lắm, nhưng em càng thương ba hơn.

Tôi không biết em cảm thấy thế nào với gương mặt u sầu đó, còn tôi thì khó chịu vô cùng khi thấy em cứ cố tỏ vẻ người lớn. Tôi nghĩ rồi, tôi với em đều có lỗi, đáng ra tôi nên giúp em gỡ cái thằng kia ra khỏi đời em, còn em nên bình tĩnh mắng tôi hay làm gì đó đại loại. Thế mà em lại khóc, khóc có thể làm trái đất ngừng quay, có thể làm cuộc đời bớt sầu hay làm tôi bớt thương em hay sao?

Tối đó khi tôi chở em về, tôi nắm lấy cổ tay em trước khi em đi vào nhà. Em không chịu quay lại nhìn tôi.

- Này, anh nói... bữa hổm, anh xin lỗi.

Em xoay người, đôi mắt tròn xoe.

- Làm sao mà nhìn anh? Ngày mai anh mua kẹo kéo cho, nên đừng có giận anh nữa.

Em cúi thấp đầu, giọng nhỏ dần.

- Em không có giận.

- Ờ, vậy huề nha.

Tôi toan dắt xe vào nhà thì em gọi.

- Anh! Chắc em về ở với mẹ.

Tôi đơ mấy giây, khó khăn nặn ra một nụ cười, nói:

- Thế hả? Lên thành phố sướng nha.

Tôi thực muốn đấm vỡ mồm mình, lại thốt ra được câu vô duyên như thế.

Còn em, như thể trông chờ vào một câu nói hơn vậy, mắt em mở to rồi chốc lát xụp xuống. Em lại nắm chặt mép áo, nói:

- Anh này... Sau này mình có gặp lại nữa không?

Cả cái buổi chiều dài lê thê sau câu nói đó, tôi đứng lặng nhìn em. Trông tôi như sinh vật lạ mới bước ra khỏi tàu mẹ, không biết mình nên phản ứng như thế nào, còn mặt đất dưới chân mỗi lúc lại nghiêng ngả.

Cuối cùng tôi không nói gì. Vì chẳng biết nói gì.

Tôi trở vào nhà, ngồi im như phỗng trên giường, tôi không có chút tâm trạng học bài hay làm bất cứ điều gì nữa. Tôi đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, rõ ràng chẳng có cái quái gì để ngắm ngoài bụi chuối non và đám rau mồng tơi. Cũng không có gì khiến lòng tôi nặng nề như vậy. Thế mà tôi cứ buồn, buồn rười rượi. Giá mà tôi biết em muốn tôi nói điều gì.

Hôm đó, một ngày bình thường.

Tôi đứng ngoài thềm nhìn em leo lên xe ba gác với đôi mắt ngập nước. Và em bốc hơi khỏi cuộc đời tôi như làn khói chiều.

Tôi cứ ngỡ sẽ chẳng có gì thay đổi với sự ra đi đột ngột của em. Tôi vẫn phải tiếp tục ôn tập để thi cử, vẫn phải đều đặn đem rau ra chợ bán. Họa chăng, tuổi mười tám của tôi trôi qua buồn quá. Chẳng ai chứng kiến cái sự trưởng thành méo mó này, người duy nhất chịu buồn chịu vui cùng tôi đi mất tiêu rồi.

Tôi nhìn qua nhà em, chỗ góc sân mà tôi và em hay nhặt đá vẽ ô ăn quan. Tôi đã nghèo bây giờ lại càng nghèo. Ai mà biết cái nghèo trong lòng lại khó chịu như vậy.

Mấy năm dài dằng dặc sau đó, tôi không một lần gặp lại em. Tôi không biết mẹ em đã mang em đi đến cái xó xỉnh nào trên mảnh đất này, để mặc tôi một mình gặm nhấm một nỗi buồn con con.

Ảnh: s1.img.yan.vn

- Rồi anh không còn gặp cô ấy nữa à?

Cậu ta đã đứng bên cạnh tôi từ lúc nào.

- Cậu nói xem?

- Anh vẽ bức tranh này mới đây thôi. Nhưng theo lời anh kể, chuyện đã mười mấy năm rồi.

- Muốn nghe tiếp không?

- Đương nhiên.

Tôi cười, hất cằm bảo cậu ta lại ngồi vào ghế.

Vừa lúc đó thì tôi nghe tiếng bước chân từ ngoài sân rồi tiếng kéo cổng ken két.

Về rồi sao, còn đang thắc mắc tại sao hôm nay về trễ vậy. Tôi nói vội với cậu ta ngồi chờ mình một chút rồi vội vàng chạy ra ngoài.

Em giơ hai bịch đồ lên cao rồi nhún vai nhìn tôi.

- Hôm nay có khách nên mua hơi lố tay anh à.

- Đưa cho anh.

- Coi chừng dập hết mớ rau đấy. Thôi anh trả lại em.

- Đây, đây. Thấy ghét hà.

Em cười nhỏ rồi nép sát vào vòng tay của tôi.

- Em này.

- Dạ?

Chúng tôi dừng lại ngay trước cửa nhà.

Chiều đang dần buông xuống. Và tôi thích không khí như thế này lắm dù nó phảng phất chút buồn, phảng phất chút dư vị của ngày cũ. Tôi nghĩ lại, rồi cúi đầu hôn nhẹ vào trán em.

- Thôi không có gì. Tối anh kể cho nghe.

 

 

 

Author: Khánh Hòa

News day