Nhiều đế chế bán lẻ của Mỹ lâm nguy
Kim Tiến 05/18/2017 10:30 AM
Cách đây vài năm, người Mỹ chẳng bao giờ nghĩ đến viễn cảnh những đế chế bán lẻ như Macy's, JCPenney, Sears lại có ngày lao đao. Nhưng thực tế đã chứng minh nếu không thích nghi được với thị trường, bạn sẽ bị đào thải.

Sự sụt giảm của ngành bán lẻ toàn cầu hoàn toàn có thể nhìn ra dễ dàng. Theo báo cáo về các hãng bán lẻ hàng đầu nước Mỹ, cổ phiếu của Macy's (M) và Kohl's (KSS) đều xuống gần 20% trong năm nay, trong khi mã chứng khoán JCPenney (JCP) đã giảm tới hơn 30%.

Người tiêu dùng Mỹ không còn mặn mà với mua sắm truyền thống. Ảnh: cloudfront.net

Theo S&P Global, số hãng bán lẻ phá sản tại Mỹ trong 3 tháng qua còn nhiều hơn cả năm 2016, nguyên nhân chủ yếu từ sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử. 

Các hãng bán lẻ truyền thống tại Mỹ thực sự đang gặp khó khăn, Macy's và JCPenney phải đóng cửa nhiều cửa hàng trong khi Sears (SHLD) may mắn vẫn còn sở hữu Kmart. 

Sự lao dốc của ngành bán lẻ truyền thống đã từng được cảnh báo.
Ảnh: cnn.com

Amazon là một trong những đối thủ khiến các hãng truyền thống đau đầu. Thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến bùng nổ quá nhanh và đang dần đạt đến đoạn chín, ngày nay người tiêu dùng có thể mua mọi thứ online từ thực phẩm đến quần áo với mức giá thậm chí rẻ hơn cách mua truyền thống rất nhiều.

Walmart cũng là một vấn đề khiến các nhà bán lẻ gặp khó khăn. Ngoài việc sở hữu chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới, hãng còn tham vọng lấn sân sang thương mại điện tử với nền tảng Jet.com và một số trang lưu trữ trực tuyến khác. Đáng chú ý là Wall Street cũng hoan nghênh và ủng hộ Walmart, Amazon nhiệt tình, cụ thể cổ phiếu của Walmart đã tăng hơn 10% trong năm nay trong khi cổ phiếu của Amazon tăng hơn 25%.

Cổ phiếu của Macy's (M) và Kohl's (KSS) đều giảm.
Ảnh: cnn.com

Giám đốc tài chính Karen Hoguet của Macy's cho biết: "Chúng tôi đã không thể thích ứng kịp với những thay đổi trong ngành công nghiệp mua sắm và đáng buồn là những thay đổi này có tác động tiêu cực đến việc kinh doanh hơn chúng tôi nghĩ".

Rất nhiều hãng bán lẻ chọn cách cắt giảm triệt để nhân công để bù lại những khoản lỗ trước đó. Thống kê từ chính phủ liên bang cho hay các hãng này đã cắt giảm hơn 30.000 công ăn việc làm trong tháng 3/2017 và khoảng 90.000 người lao động đã mất việc làm từ cuối năm 2016. 

Author: Kim Tiến

News day