"Sài Gòn – Phong vị báo Xuân xưa" - Hương vị tết xưa thật xưa
Khởi Nguyên (Tổng hợp) 01/29/2018 06:30 PM
Không hẳn là một sản phẩm báo chí, giai phẩm Xuân đã trở thành một nét văn hóa đặc biệt và cũng có thể nói là riêng biệt của ngày Tết riêng của ngày xưa.

Xuân Mậu Ngọ - 1918, tờ Nam Phong tạp chí nổi danh lúc bấy giờ khắp trong Nam ngoài Bắc đã cho ra mắt số đặc biệt với 126 trang nhân dịp mừng Xuân mới mà theo chủ bút Phạm Quỳnh: “Trước là để cùng quốc dân góp một phần vào cuộc vui chung, sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới”.

Ảnh: eva.vn

Kể từ cột mốc quan trọng này, báo Xuân hay giai phẩm Xuân đã bắt đầu cuộc hành trình suốt một thế kỷ của mình trong dòng chảy văn hóa Việt Nam nói chung cũng như của nền báo chí nói riêng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về.

Những giai phẩm Xuân, bên cạnh độ đặc sắc về nội dung bởi việc được đầu tư tâm sức hơn hẳn những số báo bình thường, nó còn mang những tâm tư, tình cảm hay đặc thù của đời sống nhân sinh qua từng giai đoạn nhất định. Đồng thời, sự chăm chút công phu về mặt mỹ thuật cũng là một trong những điều làm nên sự đặc biệt cho giai phẩm Xuân trong suốt 100 năm qua.

Bằng việc cất công sưu tầm, sắp xếp hình ảnh, tư liệu về những tờ báo Xuân từ xưa đến nay để biên soạn thành cuốn sách Sài Gòn – Phong vị báo Xuân xưa, nhà báo Phạm Công Luận đã mang đến cho công chúng cái nhìn đặc sắc về những tờ báo Xuân đã từng hiện diện trong đời sống tinh thần của người dân miền Nam nói chung và thị dân Sài Gòn nói riêng ngày trước.

Sách cũng giới thiệu một số họa sĩ vẽ bìa báo, biếm họa, minh họa, làm nên hình thức đẹp đẽ của báo xuân từng làm nên sự náo nức cho độc giả trên dưới nửa thế kỷ trước như Lê Trung, Lê Minh, Hưng Hội...   

Phần sau bài báo giới thiệu rất nhiều tranh, ảnh phong phú với hàng trăm bộ tranh và tranh biếm họa, tranh minh họa cho từng bài báo và những bìa báo đẹp được chọn trong 45 năm báo Xuân Sài Gòn.

Cuốn Sài Gòn – phong vị báo Xuân xưa cung cấp cho độc giả không chỉ tư liệu về một thể loại báo chí riêng biệt, trong đó có sự phát triển ở từng thể loại tranh biếm họa, minh họa... mà qua đó còn là trích lọc và khơi gợi được những cảm xúc ngày xuân sâu đậm, tâm thế thưởng thức cái Tết dân tộc của người Sài Gòn – Gia Định và ở các tỉnh phía Nam trong suốt một trăm năm qua, phản ánh qua từng bài viết, bức tranh.

Ảnh: vietnamnet.vn

Đặc biệt nhất, trong cuốn sách này, hơn 80 hình ảnh bìa báo Xuân xưa ra đời trong suốt nhiều thập niên được sưu tầm và đưa vào trong sách dường như đã tạo nên một cuộc “trình diễn” đầy hoài niệm trước mắt người đọc. Lần giở từng trang sách, ta như thấy lại sắc màu, không khí của những mùa xuân đã mãi mãi nằm sâu trong ký ức.

Đó là cái thuở mà khi thiên nhiên chuẩn bị bước vào cuộc chuyển mình ngoạn mục, thì cũng là khi con người sửa soạn cho những điều mới mẻ, tươi đẹp sắp đến bằng trọn vẹn tâm ý của mình. Và cái Tết cũng chưa vì sự xâm lấn của nếp sống hiện đại mà nhạt phai ý nghĩa vốn có.

Ảnh: news.zing.vn

Tuy nhiên, bởi 100 năm lịch sử của tờ báo Xuân là một hành trình dài với đầy sự biến đổi nên dẫu mang tâm huyết cũng như sự đầu tư về công sức lớn lao, Sài Gòn – Phong vị báo Xuân xưa vẫn có những hạn chế nhất định.

Nội dung của cuốn sách dường như chỉ dừng ở mức lược khảo chứ chưa thể mang đến cho người đọc một hình dung cụ thể, phong phú hơn về sự hình thành và phát triển của giai phẩm Xuân ở Sài Gòn. Đồng thời, việc thiếu vắng một sự quy chiếu rộng hơn với “gia tài thế kỷ” báo Xuân của Việt Nam cũng là một điều khiến cho việc khảo sát chưa làm nổi bật lên hết được sự đặc sắc riêng của những giai phẩm Xuân Sài Gòn.

Mặc dù vậy, đây vẫn xứng đáng được xem là một trong những cuốn sách đẹp và đặc sắc bậc nhất để khiến cho mùa xuân năm nay, mùa xuân đánh dấu tròn 100 năm báo Xuân song hành với cái Tết Việt Nam thêm phần ý nghĩa.

Theo Zing

Author: Khởi Nguyên (Tổng hợp)

News day