Tại sao du học sinh dễ "đứt gánh giữa đường"?
Mỹ Hằng (tổng hợp) 01/23/2018 06:30 PM
Những ngày qua, vấn đề nóng nhất trong cộng đồng du học sinh Việt là nhiều sinh viên đang học tập và sinh sống tại Hàn Quốc và Nhật Bản đang kêu khó kêu khổ. Lý do gì đã khiến sinh viên vượt quá sức chịu đựng mà than lên thành lời như vậy?

Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia có số lượng du học sinh đông đảo, theo thống kê của Bộ giáo dục đào tạo, hiện có hơn 38000 du học sinh đang học tập tại Nhật Bản. Đây là là nước có số du học sinh Việt Nam học tập nhiều nhất trên thế giới. Có nhiều sự lựa chọn nhưng đa phần sinh viên vẫn chọn Hàn Quốc và Nhật Bản. Vậy lý do sinh viên than khó than khổ trên mạng xã hội có thật sự bắt nguồn từ hai đất nước này hay từ chính bản thân các bạn?

Ảnh: duhoc.viet-sse.vn

Đi du học theo phong trào

Với kiểu du học theo phong trào, có những trường hợp các bạn đi ra Đại sứ quán phỏng vấn visa, khi được hỏi em sẽ sang học trường nào thì lắc đầu bảo em không biết, em quên rồi vì công ty em lo từ a đến z.

Chính sự kém hiểu biết, lại được các công ty tư vấn du học về tận nhà vẽ ra một cuộc sống toàn màu hồng bên này, có thể kiếm được hàng trăm triệu gửi về cho bố mẹ ở quê nên nhiều người sang Hàn vì tâm lý "người ta làm được mình cũng làm được".

Một du học sinh cho biết: "Vì ở nhà chưa hình dung ra cuộc sống bên này, cứ nghĩ mọi thứ toàn màu hồng thôi. Ai cũng đi theo phong trào, thấy bạn bè đi sang kiếm được nhiều tiền gửi về cũng vay mượn ngân hàng mấy trăm triệu để kiếm 1 suất đi thông qua các công ty tư vấn du học."

Ảnh: indec.vn

Đi du học để kiếm tiền

Nhiều gia đình cũng áp đặt cho con cái họ phải sang Hàn du học vì có thể kiếm được nhiều tiền phụ giúp được gia đình dẫn đến áp lực lớn khiến nhiều du học sinh làm thêm mải mê, bỏ bê việc học. Nhiều du học sinh du học theo yêu cầu của gia đình, để trả số nợ lớn vay ngân hàng làm thủ tục du học, các bạn lao đầu vào làm thêm. Nhiều bố mẹ mong muốn cho con cái qua để đổi đời, phụ giúp gia đình. Điều này tạo áp lực rất lớn lên vai các bạn.

Du học sinh V.N.N chia sẻ: "Bản thân mình vừa học vừa làm đây, không dư ra được nhiều tiền. Mục tiêu chính là sang để kiếm tiền nhưng sang đến nơi rồi mới biết là cuộc sống bên Hàn muốn để gửi tiền về cũng phải chật vật tiết kiệm mới có vài đồng gửi về cho gia đình."

Ảnh: Kenh14.vn

Bạn trẻ M.N. khá gay gắt: "Nhiều bạn không nắm rõ thông tin, ở quê gia đình toàn nghe kể đứa này đứa nọ sang làm tháng gửi về vài chục, vài trăm; nhiều bạn vì chạy theo thần tượng chạy theo sở thích; nhiều bạn quan niệm còn trẻ cứ sai đi vì cuộc đời cho phép nên bỏ tiền ra mua sai lầm, mua những bài học đắt giá"

Du học sinh N.T.B. tâm sự: "Gia đình mình không mấy khá giả, học hết cấp 3 mình được tư vấn qua Nhật vừa học vừa làm, trước khi đi bố mẹ cũng vay mượn nhiều nên trong đầu mình lúc nào cũng đau đáu chuyện phải làm thêm sao kiếm được nhiều tiền nhất. Nhật Bản quy định khá chặt chẽ về số giờ làm thêm cho sinh viên, trong một tuần bọn mình chỉ được làm không quá 28 tiếng."

"Mỗi lần gọi về nhà mình đều bảo cuộc sống bên này rất ổn cho bố mẹ yên tâm. Nói chuyện xong mình lại ngồi sụt sịt khóc một mình." Một nữ du học sinh mới qua Nhật được 3 tháng chia sẻ.

Cuộc sống du học về cơ bản là không dễ dàng, nếu xác định du học để có một tấm bằng tốt, để tích lũy những kiến thức mới sau này ra trường kiếm được một công việc tốt, các bạn du học sinh nên tập trung tối đa cho việc học, xác định rõ ràng tâm lý và tư tưởng với gia đình trước khi đi du học để tránh việc "đứt gánh giữa đường" vì bất kì lý do gì.

Author: Mỹ Hằng (tổng hợp)

News day