Tiếng guitar đầu ngõ
CTV Thảo Nguyên 06/17/2018 07:00 PM
Đêm hôm đó tôi lại ngồi ở gờ đất giờ đã không còn cỏ và hoa dại trắng, ngồi đến tận sáng, đàn những bản đàn vu vơ mà ngày xưa học lỏm được từ ông nội, những bản đàn vỡ nát, âm u như bầu trời đêm không trăng không sao và đang nứt toác ra trước mắt tôi kia.

Tôi yêu guitar như thể sự sống của mình.

Mẹ bảo, nếu sau này tôi có thể trở thành nghệ sĩ guitar nổi tiếng, mẹ sẵn sàng cho tôi theo học guitar. Nhưng vì mẹ nhận thấy tôi chẳng có cái cơ may nào đạt được điều ấy, nên mẹ không cho tôi đi học khóa học đàn tử tế nào. Mẹ cấm tiệt tôi đàn. Tôi còn phải dành thời gian học làm nông, sau này thừa kế cơ ngơi của bố mẹ. Mà nói thật chứ mấy mẫu ruộng và mấy chuồng lợn nhà tôi cũng không nên gọi là cơ ngơi, như thế thì to tát quá.

Những buổi sớm tinh mơ, khi mặt trời còn chưa lên và những người đi làm đồng còn chưa ngủ dậy, tôi vác cây đàn guitar cũ kĩ từ thời còn đi lính của ông nội ra đầu ngõ, chỗ gờ đất đầy cỏ và hoa dại trắng. Tôi ngồi duỗi thẳng chân ra đó thật thoải mái và đàn vài điệu vu vơ tôi học lỏm được mấy hôm ông mất ngủ đàn chơi. Tôi đàn lén thôi, vì mẹ cấm. Ông tôi mất khi tôi mười bốn tuổi, cây đàn từ đó hoàn toàn thuộc “chủ quyền” của tôi. Dạo ấy tôi suýt bỏ đàn vì nhớ ông quá. Nhưng rồi vì anh thầy giáo làng, tôi vẫn đàn lại.

Trời tờ mờ tối. Tiếng đàn guitar của tôi nghe ngu ngơ vụng về như tiếng trẻ lên ba bập bẹ tập nói. Ấy thế mà vẫn có người nghe, và thích.

Ảnh: Pinterest

Sáng nào mò ra gờ đất đầu ngõ, tôi cũng thấy anh đang ngồi ở đó rồi. Anh làm nghề gõ đầu trẻ ở trường làng, cái nghề mà theo tôi và cha là chán chết đi được, lại vất vả, lương cũng không được bao nhiêu. Anh được cái dễ thương. Những người tiếp xúc nhiều với trẻ con thường dễ thương như thế chăng? Đôi mắt anh hơi híp, lúc nào cũng nheo nheo. Anh hiếm khi cười nhưng đã cười thì chao ôi là tỏa nắng. Anh là người duy nhất thưởng thức tiếng đàn của tôi. Anh bảo: em đàn nghe ngô nghê như những học trò của anh tập hát - tiếng đàn giản dị, mộc mạc mang cái hồn của người nhà quê, trong sáng như tâm hồn con trẻ và có gì đó nhiệt thành, đầy sức sống. Được khen, tôi cũng hơi ngại. Tôi có thinh thích anh. Nhưng chỉ thế thôi. Tôi lúc đó mới mười mấy tuổi. Anh hai mươi hai. Phải đến khi sắp hết tuổi mười tám, tôi mới biết tôi thích anh nhiều lắm.

Mẹ không biết gì về việc tôi lén đàn. Nhưng mẹ biết về anh, vì những buổi chiều dạy học về, đi qua nhà tôi, anh vẫn hay cúi chào mẹ và hỏi tôi vài câu vu vơ. Mẹ trêu tôi suốt. Mẹ bảo nhìn tôi với "thằng cu thầy giáo xóm mình" đẹp đôi. Nhưng mẹ cũng nói không nên lấy thầy giáo, lương gõ đầu trẻ không đủ nuôi hai vợ chồng với ba đứa con - mẹ tôi thích số ba, nên nhất định bắt tôi sau này phải sinh bằng được ba đứa. Mẹ nhắm một anh làm bí thư tỉnh ủy nhà ở xóm bên, trẻ măng, chưa vợ, bảo nghe đâu làm cán bộ là khấm khá lắm. Tôi chẳng biết làm cán bộ có khấm khá hay không, chỉ biết chắc chắn rằng mình sẽ không nghe theo mẹ. Vì tôi gặp anh bí thư ấy rồi. Nhiệt tình thái quá, hơi vồ vập, cũng dễ thương đấy nhưng không phải kiểu tôi thích. Kiểu tôi thích là kiểu thư sinh như anh thầy giáo mà mẹ chê lương ít kia.

Tiếng guitar vẫn vang lên mỗi sớm. Tôi ôm ấp trong những điệu nhạc ngô nghê ấy bao nhiêu mộng mơ của tuổi thanh xuân. Tôi gửi vào đó bao nhiêu tình cảm đầu đời thời còn con gái. Anh chàng thầy giáo trẻ chẳng biết gì, ngày ngày vẫn nghe tôi đàn, ngày ngày mỉm cười với tôi, nụ cười như tỏa nắng, như reo vui một tiếng đàn guitar...

Tiếng ghi ta vẫn vang lên, giản dị và trong sáng, mộc mạc và nhiệt thành.

Sớm tinh mơ, làng quê nhỏ lặng yên đến lạ.

...

Có một ngày người ta nhận thấy tiếng guitar không còn vang lên vào mỗi buổi sớm mai ở làng quê nọ nữa.

Thực ra “người ta” ở đây chẳng phải ai đâu - chỉ là anh chàng thầy giáo trẻ của làng tôi thôi, vì ngoài anh ra còn ai nghe tôi đàn nữa. Cô bé tóc tết bím hay ngồi ở đầu ngõ đàn guitar vào sáng sớm dạo này không còn đến đây nữa. Tôi đã chán việc đàn guitar. Hoặc giả là tôi chưa chán, nhưng đã không thể đàn được nữa.

Mẹ vừa bỏ nhà lên thành phố. Có một ông nào giàu lắm, nghe đâu là nghệ sĩ guitar, bốn mươi rồi và góa vợ, hồi tháng trước qua xóm nhỏ này thăm họ hàng xa, tình cờ gặp mẹ. Ông ta thích mẹ thì phải, ngỏ lời mời bà về thành phố làm vợ ông. Mẹ trước giờ vẫn luôn ước ao giàu sang - nói thẳng ra thì là thế, vì mẹ muốn tôi cưới anh bí thư tỉnh ủy ở xóm bên thay vì anh thầy giáo nghèo xóm mình mà - cho nên bà bỏ nhà theo ông kia gần như ngay lập tức. Hôm đó tôi nhìn thấy ông già kia và mẹ đứng ở cây đa gần nhà. Nhìn những gì hiển hiện trên khuôn mặt mẹ, trong đầu tôi bỗng lóe lên một cái gì đó - một mảnh vụn của kí ức...

Chắc hẳn cha đau khổ lắm. Tôi nhìn cha, thấy xót xa trong lòng.

Dạo này, trong những cơn mê đứt đoạn, tôi bỗng thấy lại hồi tôi còn năm tuổi. Kỉ niệm từ hơn mười năm trước rồi nên mờ nhòa lắm. Nhưng tôi nhớ, hồi đó bác tôi có kể tôi nghe rằng mẹ cũng từng muốn học guitar. Mẹ cũng từng yêu guitar như tôi bây giờ vậy và thậm chí mẹ còn muốn đứa con của mẹ sau này phải trở thành nghệ sĩ guitar có tiếng. Mẹ bảo con mẹ sẽ thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ của cha.

Không biết câu chuyện ấy là thật hay chỉ là chuyện tôi tưởng tượng ra thôi… Nhưng cha tôi đâu có phải nghệ sĩ guitar.

Dạo này, tôi thường xuyên mơ về mẹ. Từ ngày mẹ bỏ nhà theo ông già ấy, căn nhà tôi trống trải hẳn. Tôi hay lặng lẽ đứng ở cửa gian buồng ngủ của mẹ, lơ đễnh nhìn ra ngoài cửa sổ. Mảnh vườn nhỏ trồng rau cải xanh tươi hệt như hồi mẹ còn ở đây.

Dạo này, cha như thể người mất hồn. Đôi mắt cha ráo hoảnh không một chút cảm xúc. Hôm nào cha cũng ngồi bất động ở cửa nhà, nhìn ra vườn, giống như tôi vậy. Mảnh vườn đầy nắng ấy là nơi hình bóng mẹ in lại đậm nét, tươi tắn nhất. Chúng tôi cứ dán mắt vào đó như thể nếu làm thế thì mẹ sẽ trở về.

Vài tháng sau khi mẹ đi, chúng tôi nghe tin mẹ chết trong một tai nạn khủng khiếp ở thành phố. Chết cùng với ông già nhà giàu đó. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy cha khóc. Tôi, trái lại, không khóc chút nào trước mặt ông. Tôi để dành nước mắt của mình cho những đêm thật khuya, những khi tôi mơ lại ngày bé thơ có vòng tay mẹ ấm áp vỗ về và giọng nói dịu dàng kể cho tôi nghe những chuyện cổ tích thần tiên.

Rồi thì cha bắt đầu trở nên thất thường. Cha hay nhầm tôi với mẹ. Thỉnh thoảng đôi mắt cha long lanh đọng nước nhìn vào tôi chăm chăm. Những lúc ấy ông lẩm bẩm gọi tên mẹ. Ông run run bảo: "À, ra là bà vẫn ở đây sao… ra là bà chưa đi đâu cả…".

Tôi không biết phải làm thế nào. Tôi làm đủ mọi cách nhưng cha không chịu đi bệnh viện tâm thần. Ông bảo ông không bị sao. Tôi nhờ hàng xóm giúp, nhưng những khi có mặt hàng xóm cha lại trở về làm người cha ngày trước của tôi. Cha chỉ nhầm tôi là mẹ khi tôi còn lại một mình, lụi cụi bắt sâu ngoài mảnh vườn đầy nắng hoặc nấu cơm dưới bếp.

Thỉnh thoảng tôi bỗng nhớ đến cây đàn guitar của ông. Tôi ôm đàn ngồi bên bệ cửa, nhưng không gảy nổi tiếng nào. Tay tôi cứ cứng đơ.

Những ngày ấy, tôi không thể đàn nổi có lẽ vì chuyện mà người bác đã nói cho tôi biết cứ canh cánh mãi trong lòng mình.

Thật thần kì là tôi lại nhớ lại được chuyện đó sau khi mẹ mất, dù chuyện đó bác nói cho tôi từ khi năm tuổi. Chắc bác nghĩ một đứa trẻ con sẽ không hiểu được những thứ phức tạp như vậy, sau này nó sẽ quên chúng đi, nên bác mới kể tôi nghe như thể một cách để trút nỗi bức bối trong lòng. Và quả thật là tôi đã quên - cho đến khi nhìn thấy mẹ đứng cùng với ông già kia ở cây đa gần nhà. Tôi nhìn thấy nỗi thương yêu, sự tủi hờn, cay đắng và biết bao nhiêu cảm xúc khác trong mắt mẹ, những thứ tôi chưa từng thấy trong quãng thời gian mẹ ở với cha. Mọi thứ bắt đầu rõ rệt hơn trong cái đầu ngô nghê của tôi. Và đến khi tôi nhìn thấy cha khóc gọi tên mẹ, thấy ánh mắt cha chiếu vào tôi đăm đăm thương nhớ, tôi đã nhớ lại hoàn toàn...

Tôi nhớ lại, hồi đó bác bảo rằng: "Con gái à, con có biết mẹ con đã sinh ra con như thế nào không?". Bác nói mẹ tôi cũng từng thích guitar. Mối tình đầu của mẹ là một tay guitar siêu việt. Cũng ở đầu ngõ kia, nơi gờ đất đầy cỏ và hoa dại, những ngày ấy, mẹ ngồi nghe chàng trai đó đàn những bản thật du dương. Mẹ say mê tiếng đàn ấy. Hai người tưởng chừng đã đến với nhau. Họ sống cùng nhau như vợ chồng, dù chưa cưới xin gì cả. Nhưng rồi họ nhận ra rằng cuộc sống của họ ngày càng khó khăn. Nghề nông không đủ nuôi sống họ, nói gì đến con cái. Chàng trai làm việc quần quật, không còn thời gian say sưa với guitar nữa…

Ảnh: Pinterest

Một ngày nọ chàng trai ấy bỏ mẹ đi theo một cô tiểu thư nhà giàu. Chàng trai ấy bảo: "Chỉ có cách đó, anh mới có thời gian và sức lực để theo đuổi giấc mơ của cuộc đời anh - đó là trở thành một nghệ sĩ guitar nổi tiếng, được đàn guitar cả đời, đàn đến khi nào kiệt sức thì thôi, thả hồn mình mãi mãi vào âm nhạc". Chàng trai ấy muốn ở bên cạnh cây đàn hơn là ở bên cạnh mẹ và sống cuộc sống khốn khổ.

Ngày xưa tôi vẫn thường thắc mắc tại sao mình mê guitar đến thế và tại sao mẹ lại ghét việc tôi đàn guitar. Cha tôi cũng thích guitar, nhưng không say đến mức hôm nào cũng đàn như tôi - hiếm lắm, một tháng chỉ một hai lần thấy cha đàn. Chỉ có người cha ruột của tôi là mê guitar đến mụ mị. Tôi thừa hưởng cái gen nghệ sĩ từ ông ấy.

Khi mối tình đầu rời bỏ mẹ, mẹ đang mang thai đứa con của ông.

Rồi thì mẹ kết hôn với người cha hiện tại của tôi - một anh công nhân ở nhà máy đường cũ, lúc nhà máy bị phá đi để xây nhà cao tầng thì trở về làm nông.

Chuyện là như thế. Gần hai chục năm sau, khi tôi đã lớn, cha ruột của tôi lại trở về. Ông mang mẹ đi khỏi cha con tôi, để lại tôi và cha, người cha đã cưu mang tôi bao nhiêu năm nay, ngơ ngẩn với nỗi buồn.

Có một ngày cha hét lên như phải bỏng. Ông nhìn tôi bằng con mắt đau đớn, căm giận khôn nguôi. Bác kể rằng ông đã yêu thầm mẹ từ hồi mẹ còn rất nhỏ - khi đó ông đi làm ở trên tỉnh. Một lần được nghỉ, trở về thăm quê, ông ngạc nhiên nhận ra cô bé hàng xóm ngày nào giờ đã trở thành thiếu nữ. Ông đem tình yêu thầm lặng ấy đi theo mình suốt bao nhiêu năm tháng. Thế rồi thương nhớ khôn nguôi, canh cánh trong lòng nỗi lo cô gái nhỏ ấy biết đâu đã theo chồng, cha tôi bỏ việc, trở về quê xin làm trong nhà máy đường… Và ông đã rất mừng rỡ khi biết bà còn cô đơn. Ông cầu hôn bà gần như ngay lập tức. Ngày thành hôn, ông ngỡ ngàng khi biết bà không còn trong trắng. Sáu tháng sau, ông đau đớn phát hiện rằng mình không phải cha của đứa con mà người phụ nữ mình yêu đã sinh ra.

Hôm đó ông gào thét tên mẹ tôi dữ dội. Đó là ngày hội làng, mọi người đã ra đình hết, chỉ còn mình tôi và cha không đi nên không ai nghe thấy cha gào thét cả. Cha gọi mẹ, cha chửi rủa cô thiếu nữ trong trắng ngày nào, đóa hoa rừng xinh đẹp mà cha đã nâng niu trong trái tim suốt quãng đời thanh niên… Cha cứ nhìn thẳng vào tôi mà gọi mẹ. Ngày xưa, cha vẫn thường khen tôi giống mẹ quá… Thế rồi cha mắng mỏ mẹ lại một lần nữa bỏ cha đi, vào đúng cái lúc ông nghĩ rằng mình đã có thể bỏ qua những nỗi đau xưa cũ mà sống hạnh phúc nốt tuổi già với người phụ nữ mình yêu. Cha hét lên không ngừng: "Bà không thể đi như thế được! Bà không thể rời bỏ cuộc đời này cùng với thằng khốn nạn ấy, để lại tôi ở đây cô đơn được...".

Và rồi cha lao vào tôi… Tôi ngã sóng xoài ra giữa nhà. Tấm thân to lớn, chắc nịch của cha đổ ập lên người tôi, không cách nào tôi đẩy cha ra được. Ông nghiến răng ken két mà rít tên mẹ tôi, trút lên thân thể tôi tất cả những nỗi đau của cuộc đời ông.

Còn tôi, mắt ráo hoảnh, tôi nằm im lìm, nghiêng đầu nhìn ra mảnh vườn đầy nắng. Hình như bóng mẹ đang chờn vờn đâu đây. Và hình như có chênh vênh bên đầu ngõ, văng vẳng một tiếng đàn.

...

Một đêm khuya tôi vác đàn ra gờ đất quen thuộc. Tình cờ thế nào tôi lại gặp anh. Tôi đàn cho anh nghe. Anh có vẻ mừng khi gặp lại tôi sau từng ấy thời gian. Rồi thì anh cũng nhận ra sự thay đổi của tôi. Anh bảo tiếng đàn tôi hôm nay âm u và vỡ nát. Tôi hơi mỉm cười, thủ thỉ bảo anh đúng là dân nhà giáo, nói chuyện văn hoa quá. Hình như lần đầu tiên sau khi mẹ đi, tôi mới thấy có chút thoải mái trong lòng.

Đêm hôm đó ở gờ đất đầy cỏ và hoa dại, tôi cùng anh làm những gì tôi chẳng nhớ nữa. Tôi chỉ nhớ anh đã để rơi một giọt nước mắt duy nhất khi biết rằng tôi đã không còn trong trắng. Ánh mắt anh chiếu thẳng vào thân thể tôi thất vọng. Tôi ngồi dậy, mặc kệ anh bước đi, cũng không thèm gọi lại hay thanh minh gì cả.

Gần hai tháng sau đó tôi phát hiện ra tôi có thai. Dĩ nhiên tôi biết rõ tôi đang mang trong mình giọt máu của ai, nhưng sau đêm ấy anh đã bỏ đi thành phố không quay về nữa. Anh đi có lẽ để tìm quên hình ảnh người con gái với cây đàn guitar mà anh đã nâng niu trong lòng những năm tháng thanh niên. Có lẽ tâm trạng anh lúc đó cũng giống như tâm trạng cha ngày nào…

Rồi thì hàng xóm cũng phát hiện ra cha có vấn đề về thần kinh, họ ngỏ ý giúp tôi đưa cha đi bệnh viện. Nhưng một mình tôi lo chuyện sinh hoạt cho hai cha con còn chẳng đủ, lấy đâu ra tiền để trả viện phí cho cha. Họ hàng và bà con xóm giềng cũng đều dân làm nông cả, không ai đủ giàu có mà giúp đỡ chúng tôi. Tôi không cáng đáng nổi mấy mẫu ruộng và chuồng lợn của nhà, cũng không có tiền thuê người làm, nên phải bán bớt đi hai mẫu.

Thế rồi anh bí thư tỉnh ủy cầu hôn tôi. Tôi gật đầu ngay, vì nếu không kiếm một tấm chồng, đến khi cái thai trong bụng to lên, không làm ruộng nổi nữa, ai sẽ nuôi cha? Chúng tôi thành hôn nhanh chóng.

Ngày cưới, tôi mặc bộ váy tây trắng muốt, trùm khăn voan trên đầu xuất hiện trước mặt cha. Trông cha rưng rưng. Tôi những tưởng cha sẽ nhầm tôi là mẹ như thường ngày. Nhưng không… Cha khóc và gọi tên tôi. Cha cụp mắt nói: "Ngày trước, hồi cưới tao, mẹ mày cũng xinh như mày hôm nay vậy… Mẹ mày không mặc váy trắng, mà mặc áo dài đỏ truyền thống, rực rỡ lắm, đẹp lắm". Tôi nửa cười nửa khóc. Có lẽ chỉ có giây phút thành hôn ấy, cha mới cảm thấy mẹ thực sự thuộc về cha. Cũng như chỉ có khi ngồi bên gờ đất đầu ngõ đàn những tiếng đàn khờ dại, tôi mới thực sự là của anh. Giờ đây, cả thể xác tôi, tâm hồn tôi, đều đã lạc khỏi anh mất rồi. Chúng lạc vào một miền nào đó xa xôi, thăm thẳm và vô tận - đến nỗi chính tôi cũng chẳng thể tìm thấy chúng nữa...

Khi anh chàng bí thư tỉnh ủy phát hiện ra đứa con trong bụng tôi thì mọi sự đã quá muộn. Tôi định bụng cầu xin anh ấy dù có căm giận cũng hãy cố gắng cưu mang cha tôi một chút trong thời gian tôi không làm việc được, để tôi sinh đứa con ra xong rồi muốn làm gì tôi cũng thuận theo. Vậy mà thật ngạc nhiên, anh ấy không nói gì cả, cũng không có ý định ghét bỏ hay li hôn với tôi. Anh yêu thương tôi lạ. Ngay từ đầu, tôi đã thừa biết anh cưới tôi chỉ vì lòng thương hại, nhưng nhân từ đến thế thì tôi không ngờ. Sự nhiệt tình, tốt bụng thái quá mà trước đó tôi vẫn không ưa, giờ tôi lại thấy yêu quý vô cùng…

Ở đời, có những chuyện ta chẳng bao giờ ngờ được nó sẽ xảy ra.

Ảnh: Pinterest

Con tôi dần lớn lên, xinh đẹp và khỏe mạnh. Dạo gần đây tôi quay lại với cây đàn guitar đã làm bạn với tôi suốt thời con gái. Chồng tôi mê tiếng đàn của tôi hệt như anh thầy giáo trẻ ngày nào, dù tôi thừa biết tiếng đàn ấy vụng về và như chàng trai xưa đã từng nói - âm u, vỡ nát. Vẫn gờ đất cũ, mỗi sớm, tôi lại ôm đàn ra đó ngồi… Gờ đất ấy giờ trụi khô, không cỏ, cũng không còn hương hoa dại và mùi đất quyện với mùi sương sớm ẩm ướt. Tôi chỉ thấy còn đọng lại cái vị cháy khét của một trận hỏa hoạn, cũng không nhớ của nhà nào, đã lan đến đây.

Một ngày người thầy giáo ngày xưa trở lại xóm nhỏ của chúng tôi. Anh tìm đến tôi và nói rằng dù anh thất vọng, nhưng suốt bao nhiêu năm, anh vẫn chưa một lần quên được hình ảnh tôi và tiếng đàn ngô nghê như tiếng hát của trẻ con. Vậy nên anh đành nín nhịn mà tha thứ cho tôi. Anh bảo giờ anh đã giàu lên, có thể che chở cho tôi chứ không còn nghèo như hồi xưa làm nghề gõ đầu trẻ ở trường làng nữa. Anh bảo tôi hãy bỏ tất cả mà theo anh.

Tôi nhìn anh, nước mắt lưng tròng. Tôi vẫn còn yêu chàng trai trước mặt sau từng ấy năm trời, yêu nhiều lắm, như thể chưa bao giờ suy giảm. Tôi đã định bỏ đi cùng với anh. Bỏ đi! Và rồi tôi sẽ sống một cuộc đời hạnh phúc, ngày ngày thức dậy bên cạnh người đã xuất hiện trong giấc mơ của mình suốt bao nhiêu năm nay… Tôi sẽ cười vui vẻ đến già. Chúng tôi sẽ ở với nhau đến đầu bạc răng long - đến khi nào ngón tay tôi không còn đặt nổi lên những dây đàn nữa...

Nhưng con tôi! Rồi biết đâu cuộc đời nó lại rơi vào bi kịch của cuộc đời mẹ nó ngày trước. Và chồng tôi! Tôi nghĩ lại câu chuyện của cha và mẹ ngày xưa, cắn môi đến bật máu. Nước mắt tôi trào ra ào ạt như suối chảy. Trốn tránh đôi mắt cháy bỏng của anh, tôi liếc xuống gờ đất trụi khô, cháy khét. Tôi lúng búng từ chối anh.

Đêm hôm đó tôi lại ngồi ở gờ đất giờ đã không còn cỏ và hoa dại trắng, ngồi đến tận sáng, đàn những bản đàn vu vơ mà ngày xưa học lỏm được từ ông nội, những bản đàn vỡ nát, âm u như bầu trời đêm không trăng không sao và đang nứt toác ra trước mắt tôi kia. Tôi ngân nga những câu hát mà mẹ đã hát ru tôi hồi còn bé thơ, ngân nga mãi đến khi mắt mờ đi và lồng ngực không còn cảm thấy tức nghẹn nữa.

Author: CTV Thảo Nguyên

News day