Tổng thống Mỹ hủy họp thượng đỉnh với Bắc Hàn: Thế giới phản ứng ra sao?
CTV Sam Sam (Lương Thu Trang) 05/25/2018 10:30 AM
Ngày 24/5, Tòa Bạch Ốc đã công bố một bức thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi tới nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un. Trong thư, Tổng thống Trump cho biết cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un sẽ không diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore và lý do ông Trump đưa ra quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh là "thái độ thù địch công khai và giận dữ ghê gớm" trong một số phát biểu của Bắc Hàn mới đây.

“Đáng tiếc là, do sự tức giận và thù địch rõ ràng thể hiện trong tuyên bố gần đây nhất của ngài, tôi cảm thấy tại thời điểm hiện tại, sẽ không thích hợp để có cuộc gặp gỡ đã được chuẩn bị từ lâu này”, ông Trump viết trong thư.

Từ Tòa Bạch Ốc, tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố vẫn để ngỏ cơ hội thực hiện cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Hàn vào một dịp khác thích hợp, nếu Bắc Hàn chọn cách tiếp cận xây dựng hơn. Tuy nhiên, từ nay cho tới khi cuộc gặp đó diễn ra, Mỹ vẫn tiếp tục áp dụng lệnh trừng phạt và cấm vận tối đa với Bắc Hàn.

Cuộc gặp lịch sử được mong đợi giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn sẽ không diễn ra. Ảnh: Reuters

Chỉ khoảng một giờ sau khi Tòa Bạch Ốc công bố bức “tâm thư”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc vì quyết định hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ. Phát biểu tại một sự kiện ở Đại học Geneva (Thụy Sĩ), ông Antonio Guterres cũng kêu gọi "các bên tiếp tục đối thoại để tìm ra một con đường dẫn tới phi hạt nhân hóa bán đảo Bắc Hàn một cách hòa bình và có thể kiểm chứng".

Theo hãng thông tấn Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in “rất lấy làm tiếc” khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều bị hủy bỏ. Ông chủ Nhà Xanh bày tỏ mong muốn cuộc gặp lịch sử này vẫn sẽ diễn ra. Trang Business Insider cho biết thêm, Tổng thống Moon vô cùng bất ngờ và đã gọi điện cho người đồng cấp Mỹ vào lúc nửa đêm (giờ Seoul) ngay sau quyết định của ông Trump.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24/5 cho biết, Nga coi việc hủy hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là điều đáng tiếc. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh thêm rằng, ông Kim Jong-un đã làm hết sức mình để thực hiện những cam kết đưa ra.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hy vọng quyết định hủy thượng đỉnh Mỹ-Triều chỉ là một “sự cố” trong việc thực hiện tiến trình hòa bình trên bán đảo Bắc Hàn.

Nữ Thủ tướng Anh Theresa May thông qua người phát ngôn cho biết nước Anh thất vọng vì quyết định này và nước Anh mong muốn các bên tiếp tục làm việc cùng nhau để đạt được một thoả thuận thực chất và không thể đảo ngược về việc phi hạt nhân hoá bán đảo Bắc Hàn.

Thủ tướng Đức, Angela Merkel, hiện đang có chuyến công du đến Trung Quốc, cũng đã nhanh chóng ra tuyên bố mong muốn Mỹ và Bắc Hàn tiếp tục đối thoại vì nước Đức đã nhận thấy “rất nhiều điều đáng hy vọng” trong thời gian gần đây trong vấn đề Bắc Hàn.

Singapore, quốc gia đã được chọn để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng lấy làm tiếc và hy vọng rằng các cuộc đối thoại cũng như nỗ lực tìm kiếm hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Bắc Hàn sẽ tiếp tục được duy trì.

Nhật Bản cho rằng việc Mỹ hủy bỏ cuộc gặp với Bắc Hàn là một điều đáng tiếc, song việc giải quyết vấn đề hạt nhân không chỉ phụ thuộc vào một cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un. Tokyo khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để có những biện pháp đối phó với Bắc Hàn.

Tổng thống Nam Hàn Moon Jae In bất ngờ với quyết định của người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters 

Còn về phía Bắc Hàn, hãng thông tấn KCNA dẫn thông cáo của Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Kim Kye-gwan ngày 25/5 nói rằng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hủy họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un "đi ngược lại với mong muốn của thế giới".

"Chúng tôi sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Mỹ và giải quyết mọi vấn đề vào bất cứ thời gian nào, theo bất cứ hình thức nào", ông Kim Kye-gwan cho biết và hy vọng hai bên có thể thu xếp cuộc họp thượng đỉnh vào một thời gian khác.

Quan chức Bắc Hàn cũng nói thêm: "Mục tiêu và quyết tâm của chúng tôi làm mọi thứ vì hòa bình và sự ổn định của bán đảo Bắc Hàn và nhân loại không hề thay đổi, và chúng tôi luôn sẵn sàng tạo cơ hội cho phía Mỹ một cách cởi mở".

Theo một số chuyên gia đánh giá, sự sụp đổ của cuộc gặp Thượng đỉnh dù đầy nuối tiếc nhưng cũng không phải quá bất ngờ. Rõ ràng là dù đều hướng tới việc phi hạt nhân, thế nhưng dường như khái niệm “phi hạt nhân” của Mỹ và Bắc Hàn lại khác nhau. Do đó, thay vì gặp mặt trực tiếp “ngay và luôn”, Mỹ đang muốn có một cuộc gặp cấp cao khác giữa hai nước nhằm tìm kiếm sự đảm bảo về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi ông Trump và ông Kim gặp gỡ nhau.

Hiện giờ, nước Mỹ của ông Trump dù có bị tổn hại về uy tín đôi chút nhưng vẫn đang “cầm dao đằng chuôi” và Washington không có lý do gì phải vội vàng trong việc đàm phán với Bình Nhưỡng. Nói một cách khác, sự sụp đổ của Thượng đỉnh Mỹ - Bắc Hàn vốn đã được định sẵn và Tổng thống Trump chỉ chính thức hóa việc này bằng bức thư gửi Chủ tịch Kim mà thôi.

Author: CTV Sam Sam (Lương Thu Trang)

News day