Tổng thống Trump lên kế hoạch hỗ trợ nông dân, chống lại Bắc Kinh
CTV Hoàng Phi (Tổng hợp) 04/12/2018 10:30 AM
Lên kế hoạch bảo vệ nông dân và các lợi ích của nền nông nghiệp Mỹ, Tổng thống Donald Trump có vẻ muốn tiến hành một cuộc chiến thương mại kéo dài với Bắc Kinh.

Trong Tuyên bố của Nhà Trắng vào sáng sớm 6/4 (giờ Hà Nội), ông Trump đã “hoan nghênh” phản ứng của Trung Quốc đối với tuyên bố của ông về mức thuế 25% mà Mỹ dự định đánh vào khoảng 50 tỷ USD hàng nhập khẩu, với cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Trước đó, Bắc Kinh đã công bố danh sách hơn 100 sản phẩm của Mỹ, với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế cao hơn, trong đó có đậu tương, xe ô tô và hóa phẩm để trả đũa. 

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Mỹ Trump cho rằng, Bắc Kinh "thay vì sửa chữa cách hành xử sai trái của mình, lại lựa chọn việc gây tổn hại đến nông dân và các nhà sản xuất của Mỹ" nên Mỹ cần phải tăng sức mạnh đòn thương mại vào Bắc Kinh.

Mỹ liên tục đưa ra những lời đe dọa tấn công thương mại Trung Quốc. Ảnh: ndh.vn

“Vì sự đáp trả không công bằng của Bắc Kinh, tôi đã đã chỉ thị cho Đại diện Thương mại Mỹ cân nhắc việc tăng gấp đôi, lên 100 tỷ USD - giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị mức áp thuế mới, xem xét các loại hàng hóa có thể sẽ phải chịu mức thuế bổ sung xem có phù hợp hay không”, ông Trump tuyên bố.

Trong một động thái khác, Tổng thống Mỹ Trump có vẻ như đang thực sự chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại kéo dài với Bắc Kinh. Ông cho biết, ông đã chỉ thị cho thư ký nông nghiệp lên kế hoạch hỗ trợ nông dân và bảo vệ lợi ích nông nghiệp của Mỹ để giảm thiểu thiệt hại từ cuộc trả đũa của Trung Quốc. Quyết định này của Tổng thống Trump được cho là đã phản ánh những áp lực chính trị mà ông đang phải đối mặt từ chính những nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa ở nhiều bang nông nghiệp.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue cũng vừa cho biết, ông đã nêu mối quan tâm của nông dân Mỹ tới Tổng thống. "Nông dân Mỹ là người yêu nước và muốn bảo vệ đất nước họ chống lại các hành vi thương mại bất công", ông Sonny nói. Ông này cũng nói rõ rằng, Tổng thống Trump đã cam kết sẽ bảo vệ nông dân Mỹ từ bất kỳ sự trả đũa nào. "Chúng tôi quyết bảo vệ nông dân của chúng tôi", Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ trích dẫn lời của Tổng thống.

Tổng thống Trump đã cam kết sẽ bảo vệ nông dân Mỹ từ bất kỳ sự trả đũa nào. Ảnh: baoquocte.vn

Như vậy, ông Sonny cũng như các trợ lý của ông Trump được đánh giá là đã khá thành công trong việc làm dịu các thị trường tài chính trong hai ngày qua, bằng cách lập luận rằng, việc Mỹ lần đầu tiên tuyên bố áp thuế đối với hơn 1.300 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc là để ngỏ ý định kích hoạt đàm phán.

Tuy nhiên, có vẻ tình hình không được như ý đồ của Washington. Bắc Kinh đã phản công mạnh hơn dự tính. Việc áp thuế lên đậu tương được cho là "đòn mạnh nhất" mà Trung Quốc đã sử dụng. Khi được áp dụng, mức thuế bổ sung này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến Washington và các nông dân Mỹ, khi mà giá trị xuất khẩu đậu tương từ Mỹ vào Trung Quốc đạt tới 14 tỷ USD mỗi năm. Trong khi nông dân trồng đậu tương Mỹ đã phải đối mặt với lợi nhuận rất thấp trước khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp trả đũa.

Nhà kinh tế Trung Quốc tại Danske Bank Markets - Allan von Mehren cho biết, ông Trump sẽ cảm thấy sức nóng ở quê nhà, khi những người nông dân trồng đậu tương tại Mỹ sẽ là những người bị thiệt hại nặng nhất. Họ cũng chính là những người đã ủng hộ Tổng thống Trump mạnh mẽ nhất trong cuộc bầu cử năm 2016.

Bình luận về vấn đề này, Nhà quản lý của Công ty tư vấn China Policy ở Bắc Kinh - Erland Ek cho rằng, Trung Quốc có thể đã sẵn sàng chấp nhận những tác động tiêu cực của việc áp thuế đậu nành nếu chúng có thể khiến ông Trump phải ngồi vào đàm phán. “Dù Bắc Kinh chắc chắn bị thiệt hại, nhưng họ cho rằng, cộng đồng đậu tương Mỹ sẽ lo ngại hơn và có thể gây áp lực với ông Trump”, chuyên gia này nhận định. Erland Ek cho biết, bằng việc đưa đậu nành vào cuộc chơi, Trung Quốc dường như đang báo hiệu rằng họ sẵn sàng chấp nhận chịu thiệt trong ngắn hạn để giành chiến thắng trong dài hạn.

Nông dân Mỹ chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Ảnh: cnn.com

Ngoài ra, theo Erland Ek, Trung Quốc cũng đã thay đổi chính sách trợ cấp để thúc đẩy sản xuất đậu nành trong nước, đẩy nhanh chiến lược dài hạn để làm giảm sự phụ thuộc vào đậu nành Mỹ.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, những động thái này của hai bên sẽ không chỉ ảnh hưởng đến người nông dân Mỹ, mà chính các nhà chế biến và tiêu thụ đậu nành Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu cuộc xung đột leo thang và Bắc Kinh tăng thuế đậu nành Mỹ lên 30%, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc có thể giảm tới 70%.

Author: CTV Hoàng Phi (Tổng hợp)

News day