Tục ăn trầu – một nét đẹp văn hóa Việt
Hà Thảo 12/06/2016 07:58 PM
Với người Việt Nam, ăn trầu không đơn thuần chỉ là một thói quen, một tập tục mà còn là một nét đẹp của giá trị văn hóa, của triết lý và giao tiếp Việt Nam truyền thống...

Tương truyền, phong tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liền với một câu chuyện cổ tích nổi tiếng: Chuyện Trầu Cau.

Người Việt ta hay có câu "Miếng trầu là đầu câu chuyện".
Ảnh: 1.bp.blogspot.com

Thông thường miếng trầu bao gồm lá trầu xanh têm sẵn, trong quệt chút vôi trắng, kèm theo một miếng cau vàng. Tuy theo sở thích, người ta còn có thể kết hợp trầu cau với vỏ chay, vỏ quế và thuốc lào. GS.Trần Ngọc Thêm từng nói, tục ăn trầu cau tiềm ẩn một triết lý về sự tổng hợp của nhiều chất khác nhau: Cây cau vươn cao là biểu tượng của trời (dương), vôi biểu tượng của đất (âm), dây trầu mọc lên từ đất, quấn quýt lấy thân cau, biểu tượng cho vai trò trung gian hoà hợp. Trầu cau nhai làm một, miếng trầu có cái tươi ngọt từ hạt cau, cái cay của lá trầu, cái nồng nàn của vôi, cái bùi của rễ... tất cả tạo nên một chất kích thích, làm cho thơm mồm, đỏ môi và khuôn mặt người ăn bừng bừng như say rượu.

Tục ăn trầu cau tiềm ẩn một triết lý về sự tổng hợp của nhiều chất khác nhau.
Ảnh: songtre.tv

Liên quan đến tục ăn trầu là bộ dụng cụ khá phong phú. Tuy nhiên, vật dụng được coi trọng nhất là chiếc bình vôi. Số còn lại gồm ống nhổ, cối giã trầu, chìa ngoáy, xà tích, chìa vôi, cơi, khay, hộp, khăn, túi, âu đựng trầu… hầu như có niên đại từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho đến ngày nay.

Cách têm trầu cũng nói lên được tính cách của người têm.
Ảnh: marry.vn

Nghệ thuật têm trầu cũng lắm công phu. Lá trầu được têm cách điệu với nhiều kiểu khác nhau như têm theo kiểu cánh phượng, cánh kiến, cánh quế, mũi mác.... Thông qua cách têm trầu, những người tinh ý có thể đánh giá được tính cách của người têm. Một miếng trầu têm vụng là người không khéo tay, miếng trầu quệt nhiều vôi là người hoang phí không biết lo xa, nhìn vào số lượng vôi quệt trên lá trầu, người ta có thể đánh giá được người têm có tính cách giản dị hay cầu kỳ, thú vị hay nhạt nhẽo.

Có nhiều kiểu têm trầu khác nhau.
Ảnh: tongphuochiep.com

Ăn trầu có nhai mà không nuốt, nó không thuộc loại ăn, không thuộc loại uống, cũng không thuộc loại hút, nó thể hiện một sự linh hoạt hiếm thấy trong ẩm thực và đặc biệt hơn, trầu cau đã trở thành một biểu tượng văn hóa, chuyển tải nhiều thông điệp của đời sống tâm linh.

Trầu được dùng mời khách đến chơi nhà, làm quen với nhau nơi hội hè.
Ảnh: khoemoivui.com

Trong văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, hòa hợp âm - dương là một hướng tới của sự phát triển bền vững. Vì lẽ đó, như một yêu cầu của phong thủy, ở không gian hoàn thiện của một ngôi nhà tại các làng quê Việt Nam, phía trước sân nhà bao giờ cũng là hàng cau và giàn trầu (trước cau, sau chuối). Trầu cau đứng đó mang bao ý nghĩa tâm linh, minh chứng cho một gia đình viên mãn và vững bền. Đồng thời, miếng trầu xuất hiện trong đám cưới của người Việt mang ý nghĩa đề cao tình vợ chồng thủy chung son sắt, tình annh em hòa thuận gắn bó.

Trong đời sống hàng ngày, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, biểu hiện mối giao cảm tâm tình của con người. Trầu được dùng mời khách đến chơi nhà, làm quen với nhau nơi hội hè, đình đám:

"Gặp nhau ăn một miếng trầu

Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào"

Hay:

"Tiện đây ăn một miếng trầu

Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là?

Xưa kia ai biết ai đâu

Chỉ vì điếu thuốc, miếng trầu nên quen"

Với các nam thanh nữ tú xưa thì miếng là cội nguồn để bắt đầu tình yêu, bắt đầu câu hát mời trầu, để vào với hội làng. hội nước. Bên cạnh những "vôi nồng", "miếng trầu cánh phượng", "cau bổ bốn bổ ba", là những "trầu giải yếm giải khăn", "trầu loan, trầu phượng, trầu tôi trầu mình" là những "trầu tính trầu tình", "trầu nhân, trầu ngãi"... để rồi thành "trầu mình lấy ta", "trầu nên vợ nên chồng".

Trầu không thể thiếu trong lễ hỏi, cưới.
Ảnh: marry.vn

Ngoài việc phục vụ tục ăn trầu của người Việt, trầu cau còn là lễ vật không thể thiếu trong các lễ lạc, giỗ, chạp. Dân gian có câu "Sửa cơi trầu, đĩa hoa dâng cụ" để tưởng nhớ tổ tiên, để ghi nhớ công ơn nuôi nấng sinh thành của bậc tiền nhân.

Bất kỳ giỗ, chạp lớn hay nhỏ cũng phải có đĩa trầu cau đặt trên bàn thờ cúng tổ tiên, ông bà. Trong ngày Tết luôn luôn có đĩa trầu cau trên các bàn thờ để cầu tài lộc cho năm mới. Ngoài ra trầu cau còn để tiếp khách đến chúc Xuân đầu năm. Ở nhiều địa phương vào sáng Mồng Một Tết có bà già gánh trầu cau đi bán, khi nghe tiếng rao “Ai mua lộc đầu năm đây!” thì nhà nhà đều nhanh chân chạy ra chọn mua, không trả giá mà tùy lòng hảo tâm của mỗi người.

Ăn trầu  là một nét văn hóa truyền thống độc đáo, một “mỹ tục” của người Việt. Tuy nhiên, ngày nay, nét văn hóa đậm chất quê này đang có xu hướng mai một. Nguyên nhân là do  số người biết ăn trầu ngày một ít dần, trong khi những lợi ích của việc ăn trầu không còn phù hợp với tình hình thực tế. Sự mai một ấy tuân theo quy luật phát triển của xã hội nhưng tục ăn trầu vẫn sẽ là một phong tục đẹp tồn tại trong tâm thức người Việt hôm nay và mãi về sau.

Author: Hà Thảo

News day