Tương lai nào cho NAFTA?
Vũ Hạo 08/25/2017 04:30 PM
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã đặt các cuộc đàm phán về Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vào tình thế khó khăn sau các nhận định trong buổi tối ngày thứ Ba, CNNMoney cho hay.

Đề cập đến thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ, Canada và Mexico, ông Trump cho biết: “Bản thân tôi không nghĩ chúng ta có thể tiến tới thỏa thuận, vì chúng ta đã bị lợi dụng quá nhiều. Tôi nghĩ chúng ta rồi cũng sẽ chấm dứt NAFTA tại một thời điểm nào đó trong tương lai”.

Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer đã hoàn tất vòng đàm phán đầu tiên với các nhà lãnh đạo từ Canada và Mexico trong ngày Chủ Nhật (20/08). Được biết, vòng 2 sẽ bắt đầu vào ngày 01/09/2017 ở Mexico City.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã đặt các cuộc đàm phán về Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vào tình thế khó khăn. Ảnh: ndh.com.vn 

Ông Lighthizer đã nhấn mạnh lại trong ngày thứ Tư rằng việc rút khỏi NAFTA vẫn là lựa chọn có nhiều khả năng xảy ra.

“Tổng thống Donald Trump đã nói rõ từ lúc đầu rằng nếu cuộc đàm phán về NAFTA không thành công thì ông sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này”, ông Lighthizer cho biết trong một báo cáo, đồng thời nói thêm ông đang xem xét “một số thay đổi to lớn” về NAFTA để sửa những “lỗi cơ bản” của thỏa thuận.

Ông Trump thường xuyên chỉ trích NAFTA vì cho rằng thỏa thuận này đã làm Mỹ mất hàng triệu việc làm và khiến vô số nhà máy ở nước này phải đóng cửa.

Các chuyên gia thương mại cho biết các nhận định cứng rắn của ông Trump có thể là một mánh khóe để khiến Mexico và Canada thay đổi thỏa thuận theo ý của ông. Xét cho cùng, một thỏa thuận NAFTA mới còn tốt hơn là không có NAFTA.

Tim Keeler, cựu nhân viên cấp cao tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) dưới thời Tổng thống Bush, cho biết: “Họ cần phải khiến các bên khác tin rằng hai lựa chọn hiện nay là thay đổi NAFTA hoặc chấm dứt NAFTA”.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đe dọa rời khỏi NAFTA. Trong tháng 4/2017, ông đã dự định rút Mỹ khỏi NAFTA, nhưng Tổng thống Mexico, Enrique Peña Nieto và Thủ tướng Canada, Justin Trudeau đã thuyết phục ông trở lại bàn đàm phán. Các quan chức thuộc Nhà Trắng cũng khuyến khích ông Trump tái đàm phán về NAFTA.

Tất cả nhận định cứng rắn có thể là một nỗ lực của ông Trump để nâng sức ảnh hưởng của ông Lighthizer tại bàn đàm phán về NAFTA. Ông sẽ không phải truyền tải quan điểm của ông Trump đến với các bên tham gia: Họ có thể... tìm trên Google.

Mỹ đã dự định đề xuất loại bỏ một yếu tố then chốt (mặc dù gây tranh cãi) là bảo vệ khoản đầu tư nước ngoài của các công ty. Bên cạnh đó, Mỹ cũng muốn thay đổi thêm một điều khoản, qua đó buộc các công ty sản xuất nhiều hơn ở nước này.

Hiện nay những điều trên cho thấy một khoản chênh lệch đáng kể trong quan điểm của các bên tham gia.

Gary Hufbauer, Chuyên gia hàng đầu về NAFTA tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), cho biết: “Việc chấm dứt thỏa thuận NAFTA trông có vẻ khả thi, trừ khi Mexico và Canada nhượng bộ đối với một số yêu cầu của ông Trump trong các cuộc đàm phán (diễn ra trong 4 tháng tới)”.

Adam Austen, Phát ngôn viên của Chính phủ Canada, nhấn mạnh đến mối quan hệ kinh tế vững mạnh giữa 2 quốc gia: 9 triệu việc làm Mỹ phụ thuộc vào hoạt động thương mại và đầu tư với Canada.

Tương lai nào cho NAFTA?
Ảnh: clipartpanda.com

Ông Austen cho biết: “Các cuộc đàm phán thương mại thường có những lúc tranh luận nảy lửa. Các ưu tiên của chúng tôi vẫn giữ nguyên và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cật lực để hiện đại hóa NAFTA”.

Tất cả các bên sẽ phải làm việc nhanh chóng trong vài tháng tới. Các thỏa thuận thương mại thường mất nhiều năm để thương lượng. Tuy nhiên, các nhà thương lượng về NAFTA lại chỉ có vài tháng để hoàn tất thỏa thuận mới.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mexico vào tháng 7/2018 cũng tạo ra một thời hạn khó khăn đối với quá trình đàm phán NAFTA. Ứng cử viên hàng đầu cho cuộc bầu cử này là Andres Manuel Lopez Obrador đã cam kết sẽ tỏ ra cứng rắn với Mỹ về thương mại.

Các quan chức Mexico dường như không bị ảnh hưởng bởi lời đe dọa rút khỏi NAFTA của Donald Trump.

Trong buổi tối hôm thứ Ba, Bộ trưởng Ngoại giao của Mexico, Luis Videgaray, cho biết trên mạng xã hội Twitter rằng: “Chẳng có gì ngạc nhiên: Chúng ta đang trong quá trình đàm phán và Mexico vẫn sẽ ở trong bàn đàm phán với tâm thái bình tĩnh, bền chí và đặt lợi ích quốc gia đặt lên hàng đầu”.

Theo: Vũ Hạo/Vietstock

Author: Vũ Hạo

News day