Vinasun yêu cầu phía Grab bồi thường 41 tỷ đồng, Grab không đồng ý và yêu cầu đình chỉ vụ kiện
Thùy Dương 02/07/2018 08:00 AM
Sáng ngày 6/2/2018, Tòa Án Nhân dân TP. HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun và bị đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab Taxi Việt Nam.
Có rất đông tài xế Vinasun tập trung tại tòa để theo dõi vụ kiện. Ảnh: soha.vn

Liên quan đến vụ việc, theo thông tin ban đầu vào ngày 15/11/2017, dựa trên đơn khởi kiện (có bổ sung, thay đổi) của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - Vinasun cho rằng Grab Việt Nam đã lợi dụng Quyết định số 24 của Bộ Giao thông vận tải về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật và gây náo loạn trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi.

Đại diện Vinansun và Đại diện Grab đối đáp tại phiên tòa xét xử. Ảnh: thanhnien.vn

Theo ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun cho rằng việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab Taxi Việt Nam thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đã gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun. Vì vậy, doanh nghiệp này quyết định khởi kiện và yêu cầu phía Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng.

Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Vinasun cho thấy hơn 8.000 người lao động của Vinasun phải nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi. Đại diện Vinasun dẫn chứng thêm: "Báo cáo dự án nghiên cứu những thiệt hại của Vinasun từ chương trình khuyến mãi của Uber Việt Nam và GrabTaxi" do Công ty Nghiên cứu thị trường - Quảng cáo NBQ thực hiện xác định tỷ lệ thiệt hại mà GrabTaxi gây ra cho Vinasun từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2017 là 52,52%.

Đại diện Công ty Ánh Dương còn cho rằng Grab Taxi thời gian qua đã có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh như khuyến mãi tràn lan không theo đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng và thiệt hại cho Hãng taxi truyền thống như Vinasun.

Đối đáp về đơn kiện trên từ Vinasun, ông Mã Bửu Thịnh, Đại diện ủy quyền của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab cho biết Grab được thành lập vào năm 2012 tại Malaysia. Đến năm 2014, Grab Taxi Việt Nam được hoạt động. Đơn vị này cũng khẳng định hình thức kinh doanh của Grab chỉ cung ứng phần mềm kết nối giữa lái xe và khách hàng.

Theo Bộ Tài chính cho biết trong vòng 3 năm từ 2014 đến 2016, Grab Taxi đã lỗ 938,2 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ chủ yếu là do chi phí tiếp thị, quảng cáo của GrabTaxi trong 3 năm chiếm tỷ trọng lớn. Ông Thịnh cho biết thêm GrabTaxi có ngành nghề kinh doanh là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính, xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan đến đăng ký kinh doanh phần mềm theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải và việc Grab Taxi cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải là đúng pháp luật.

Ông Thịnh chia sẻ thêm “Chúng tôi đưa ứng dụng dịch vụ công nghệ thông tin này vào Việt Nam đã tạo điều kiện cho khách hàng đi lại dễ dàng, tạo cạnh tranh lành mạnh với các Hãng taxi truyền thống. Vinasun, giả sử có giảm sút về doanh thu hoặc lợi nhuận thì nên tập trung nghiên cứu, đổi mới cách thức kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ, quản lý doanh nghiệp... Việc đổ lỗi với lý do khách quan, có các thông tin sai lệch, bôi xấu các đơn vị khác, về bản chất là không hợp lý trong cơ chế thị trường và sự phát triển của nền kinh tế hiện đại, hướng đến công nghiệp 4.0”.

Phiên tòa xét xử sẽ được tiếp tục và chiều ngày 7/2/2018.

Author: Thùy Dương

News day