3 khác biệt nổi bật của thương mại điện tử Việt Nam
CTV Hoàng Phi (Tổng Hợp) 02/16/2018 10:30 AM
2017 là một năm quan trọng của ngành thương mại điện tử Đông Nam Á, với tổng giá trị giao dịch (GMV) lần đầu vượt qua 10 tỷ USD, vượt xa con số 5,5 tỷ USD vào năm 2015, theo báo cáo "Tiêu Điểm Internet năm 2017" của Google và Temasek.

Năm qua cũng là thời điểm khu vực đón khá nhiều "cá mập". Cụ thể, thị trường đã chứng kiến một bước ngoặt lớn khi Amazon quyết định đặt chân vào. Shopee tăng trưởng nhanh chóng như một nền tảng mua sắm di động đầu tiên. Lazada đạt kỷ lục với 250 triệu USD doanh thu với chiến dịch "Cách mạng mua sắm". Thấp thoáng sau các tên tuổi này là những "đại gia" từ Trung Quốc là Alibaba và Tencent.

Theo thống kê mới đây của iPrice, tổng hợp từ 1.000 doanh nghiệp thương mại điện tử khác nhau, Việt Nam đang tham gia cuộc chơi với phong độ tốt, nắm bắt hầu hết các xu thế của khu vực. Đồng thời, thị trường này cũng có những đặc điểm riêng khá nổi bật dưới đây.

Mua sắm qua di động tăng đột biến

Theo iPrice, tổng lượng truy cập mua sắm trực tuyến thông qua thiết bị di động tại Việt Nam tăng tưởng ấn tượng, ở mức 26% trong năm 2017.

Người dùng Internet mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm 2017. Ảnh: vnexpress.net

Mặc dù nhiều thống kê và báo cáo cũng cho thấy tăng trưởng người dùng Internet mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn thấp hơn các nước khu vực. Cụ thể, có 90% người dùng Internet tại Indonesia mua sắm trực tuyến thông qua thiết bị di động, cao nhất Đông Nam Á. Trong khi, con số này tại Việt Nam là 70%, thấp nhất Đông Nam Á.

Một điểm đáng lưu ý, hầu hết người dùng Internet sử dụng điện thoại thông minh để xem thông tin hàng hoá. Tuy nhiên, họ vẫn sử dụng laptop hoặc máy tính bàn để tiến hành các bước thanh toán trực tuyến.

COD vẫn là hình thức thanh toán chính

Tại Đông Nam Á, trung bình có 47% doanh nghiệp áp dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD). Trong khi đó, Việt Nam có đến hơn 80% doanh nghiệp hỗ trợ phương thức thanh toán COD, tương đương với Philippine. Ở Singapore và Malaysia, tỷ lệ này chỉ 20%.

Ngoài ra, phương thức thanh toán trả góp và giao dịch tại điểm bán của Việt Nam cao nhất so với các quốc gia Đông Nam Á, lần lượt chiếm tỷ lệ là 49% và 47%. Hình thức thanh toán trả góp dần trở nên phổ biến và có chiều hướng tăng dần tại Việt Nam với 47% tổng số doanh nghiệp, so với 42% tại Indonesia.

Hình thức thanh toán COD phổ biến nhất Việt Nam.
Ảnh: fightingkorea.ning.com

Hình thức thanh toán chuyển khoản ngân hàng cũng là một phương thức phổ biến khác tại Đông Nam Á, với 94%, 86% và 79% doanh nghiệp tại Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đang thực hiện.

Khả năng mua khi xem hàng qua mạng cao nhất khu vực

Một trong những dữ liệu quan trọng nhất với một doanh nghiệp thương mại điện tử chính là tỷ lệ chuyển đổi. Nói một cách đơn giản hơn, đó chính là số phần trăm của số lượt truy cập website có thể dẫn đến mua sắm thành công.

Tỷ lệ chuyển đổi tại Việt Nam là cao nhất Đông Nam Á.
Ảnh: viettinlaw.com

Năm qua, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về tỷ lệ chuyển đổi này. Các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam có tỷ lệ chuyển đổi lên đến 65%, cao nhất trong khu vực. Singapore sở hữu tỷ lệ chuyển đổi cao thứ hai, Indonesia bám sát ở vị trí thứ 3.

"Dữ liệu trên cho thấy rằng mức độ trưởng thành của thị trường không thật sự ảnh hưởng hoặc tương quan với tỷ lệ chuyển đổi của từng quốc gia", báo cáo của iPrice đánh giá.

Author: CTV Hoàng Phi (Tổng Hợp)

News day