Thế giới 7 ngày: Mosul được giải phóng, tấn công axit liên tiếp rúng động London
Thusy (tổng hợp) 07/17/2017 07:30 AM
Thế giới tuần qua đón nhận thông tin tích cực từ Mosul (Iraq), Syria nhưng còn đó nỗi lo ở Vùng Vịnh, căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ, và những mối lo về khủng bố chưa bao giờ hạ nhiệt...

Ngày 10/7, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi chính thức tuyên bố quân đội nước này đã giành chiến thắng trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Mosul, kết thúc chiến dịch hơn 8 tháng và chấm dứt 3 năm IS chiếm giữ thành phố này. 

Theo Thủ tướng al-Abadi nhận định, nhiệm vụ khó khăn trước mắt là ổn định, tái thiết Mosul và loại bỏ các nhóm phiến quân có quan hệ với IS. Thất bại của IS ở Mosul cũng làm dấy lên những quan ngại về khả năng tổ chức khủng bố này “vươn vòi bạch tuộc” sang khu vực Đông Nam Á, đặc biệt sau vụ đảo chính ở Philippine.

Ảnh: Reuters

Trong khi đó, tại một chiến trường nóng không kém, vòng đàm phán thứ 7 về hòa bình Syria vừa kết thúc tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ đã không tạo ra được bước đột phá. Trước đó, thông tin lệnh ngừng bắn  ở một số khu vực thuộc Tây Nam Syria chính thức có hiệu lực từ ngày 9/7 được kỳ vọng sẽ mang lại bầu không khí tích cực cho các vòng hoà đàm về Syria diễn ra ngày 10/7. Mặc dù vậy, đây cũng được coi là bước tiến mới cho chính trường Syria. Đặc biệt, lệnh ngừng bắn là một trong những sự đồng thuận hiếm hoi mà Nga và Mỹ đạt được trong cuộc xung đột Syria và được kỳ vọng sẽ được mở rộng ra nhiều khu vực khác. Đây có thể được coi là một diễn biến tích cực giúp thúc đẩy tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn 6 năm qua tại quốc gia này. Tây Nam Syria cũng đã tạm ổn định sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.

Tình hình Tây Nam Syria cải thiện đáng kể sau lệnh ngừng bắn. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, tranh cãi Nga – Mỹ về vấn đề Ukraine lên đến đỉnh điểm khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 11/7 cho biết, Moscow đang chuẩn bị các phương án trả đũa việc Mỹ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và tịch thu 2 khu phức hợp ngoại giao của nước này trong trường hợp phía Mỹ tiếp tục không có động thái gì để trả lại các cơ sở ngoại giao này cho Nga.

Trước đó, ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, nước này sẽ không nới lỏng các lệnh trừng phạt Nga chừng nào tình hình tại Ukraine và Syria không được giải quyết, trong đó có những bước đi nhằm giảm leo thang tình hình ở miền đông Ukraine cụ thể là trong vấn đề ngừng bắn.

Sóng gió chính trị giữa Nga và Mỹ trước vấn đề Ukraine. Ảnh: Sputnik

Bất chấp việc Mỹ và Qatar ngày 11/7 ký một thỏa thuận chống các hoạt động tài trợ khủng bố, cũng như hàng loạt hoạt động ngoại giao của các nước tham gia hoà đàm như Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ… tình hình khu vực Vùng Vịnh trong tuần qua tiếp tục có những diễn biến căng thẳng. Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho rằng cam kết của chính quyền Doha không đáng tin cậy, nên sẽ tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt chống Qatarcho đến khi Doha đảm bảo thực hiện một cách toàn diện các yêu cầu chính đáng liên quan đến chống khủng bố và thiết lập ổn định, an ninh trong khu vực.

Bất chấp nỗ lực của nhiều bên, tình hình căng thẳng khu vực Vùng Vịnh vẫn tiếp tục leo thang. Ảnh: U.S. State Department

Ngày 14/7, Pháp tổ chức Quốc khánh trong nỗi lo khủng bố sau hàng loạt vụ tấn công ở Paris và nhiều thành phố khác thời gian qua. Sự có mặt của Tổng thống và lính Mỹ cùng màn trình diễn mãn nhãn của không quân và đêm pháo hoa huyền ảo làm nên ấn tượng lễ Quốc khánh Pháp năm nay. 

Màn bắn pháo hoa ở tháp Eiffel là tâm điểm của đêm Quốc khánh Pháp. Ảnh: Reuters

Cũng trong ngày 14/7, Pháp tưởng niệm tròn 1 năm vụ tấn công khủng khiếp tại thành phố Nice khiến 86 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Cách đây vừa tròn một năm, lần đầu tiên ở Pháp, ngày Quốc khánh trở thành Quốc tang khi sự kiện đẫm máu đã diễn ra tại Nice thành phố du lịch nổi tiếng miền nam nước Pháp trên bờ Côte d'Azur đêm 14/7/2016, sau màn pháo hoa mừng Quốc khánh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Nice Christian Estrosi, Hoàng tử của Monaco và các cựu tổng thống Pháp Francois Hollande và Nicolas Sarkozy trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân. Ảnh: AFP

Nỗi lo khủng bố cũng ngập tràn các nơi khi 5 cảnh sát bị bắn chết gần một Kim tự tháp Ai Cập ở ngoại ô Cairo ngày 14/7. Sau đó vài giờ, hai phụ nữ Đức đã bị đâm chết tại ở một khu nghỉ dưỡng ven biển của Ai Cập. Ngoài ra, nghi phạm trong vụ tấn công bằng dao này còn khiến 4 du khách khác bị thương trước khi bị bắt.

Lực lượng chức năng Ai Cập có mặt tại hiện trường vụ đâm chết du khách nước ngoài. Ảnh: EPA

Còn tại Anh, vào ngày 14/7, cảnh sát nước này đã bắt giữ 2 thiếu niên bị tình nghi gây ra 5 vụ tấn công bằng acid trên khắp khu vực phía tây thủ đô London vào tối 13/7. Theo đó, hai kẻ tấn công đi xe máy áp sát một nam giới 32 tuổi ở đông London và tạt acid vào mặt người này, sau đó một trong hai tên leo lên xe máy của nạn nhân và lái đi. Hơn 20 phút sau đó, chúng lại xịt chất lỏng vào một nạn nhân khác, sau đó, chúng tiếp tục tấn công một nạn nhân tiếp theo. Trong vòng 15 phút sau đó, chúng lại đổ acid vào một người đàn ông khiến người này bị thương tích trên mặt nghiêm trọng. Vụ tấn công cuối cùng được báo cáo với cảnh sát lúc 11 giờ tối. Cảnh sát cho biết, các vụ tấn công có liên quan đến nhau. Vụ việc một lần nữa làm dấy lên lo ngại trong bối cảnh tấn công bằng acid đang có chiều hướng gia tăng trong vài năm trở lại đây tại Anh.

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ tấn công bằng acid. Ảnh: BBC
Author: Thusy (tổng hợp)

News day