Trần Thủ Độ - Anh hùng hay gian hùng?
Quang Minh 07/21/2017 11:00 AM
Có lẽ, Tào Tháo là nhân vật có nhiều tranh luận nhất về công và tội trong lịch sử. Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng có một nhân vật "gian hùng" không kém Tào Tháo.

Nhắc đến 175 năm tồn tại của vương triều nhà Trần, người ta sẽ nhớ đến những đóng góp lớn lao trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Đặc biệt, người có công nhất trong việc gây dựng và phát triển triều đại nhà Trần phải kể đến Thái sư Trần Thủ Độ (1194 – 1264). Tuy nhiên, ông cũng bị cho là kẻ nghịch tặc khi soán ngôi nhà Lý và lập lên nhà Trần.

Luận công và tội của Thủ Độ vẫn là chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu bàn luận nhất khi nhắc đến sự ra đời của nhà Trần. Ảnh: kontumquetoi.com

Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần 1194 tại hương Lưu Xá, phủ Long Hưng, lộ Sơn Nam Hạ (nay là thôn Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Thời vua Lý Cao Tông còn tại vị, ông cùng Trần Tự Khánh có công dẹp loạn Quách Bồng và đưa Thái tử Sảm lên ngôi (vua Lý Huệ Tông).

Sau khi Đại tướng quân Trần Tự Khánh qua đời, Trần Thủ Độ thực sự là người nắm quyền hành trong việc điều hành chính sự. Năm 1224, ông được phong làm Điện tiền Chỉ huy sứ. Các đời vua cuối thời Lý không lo quản lý đất nước, khiến tình hình kinh tế xã hội mất ổn định trầm trọng. Nhận thấy điều nguy hại của đất nước, Trần Thủ Độ đã dàn xếp cuộc “nhường ngôi” có một không hai trong lịch sử, là sự chuyển tiếp từ nhà Lý sang nhà Trần.

Trần Thủ Độ đã ép vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Chiêu Thánh công chúa (tức Lý Chiêu Hoàng). Rồi ông đưa Trần Cảnh, là con của Trần Thừa vào hầu hạ Lý Chiêu Hoàng rồi để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng, nhằm chuyển ngai vàng sang nhà Trần. Việc sắp xếp để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là một nước cờ khôn ngoan của Trần Thủ Độ, là một cuộc nhượng ngôi diễn ra trong êm đềm và không đổ máu. Năm 1225, Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế hiệu là Trần Thái Tông.

Ảnh: images.apester.com

Năm 1226, ông đưa vua Lý Huệ Tông vào chùa Chân Giáo, nói là để phụng sự nhưng thực chất là để giam lỏng ông. Một lần, Trần Thủ Độ thấy vua đang nhổ cỏ trong chùa bèn nói: “Nhổ cỏ phải nhổ cả rễ sâu.”. Vua đáp: “Điều ngươi nói ta hiểu rồi. Ta tụng kinh xong sẽ tự tử.”. Có một số nguồn tài liệu cho rằng, chính Thủ Độ là người ra tay sát hại vua Lý Huệ Tông, nhưng chính Đại Việt sử ký toàn thư cũng không khẳng định thông tin này là đúng sự thật.

Năm 1232, sau khi vua Lý Huệ Tông mất, Trần Thủ Độ cho người diệt trừ tông thất nhà Lý. Nhiều nhà sử gia coi đây là việc làm của một kẻ nghịch tặc, người ta cũng gán cho ông cái mác một kẻ “gian hùng”.

Nhưng ông luôn một lòng phụng sự để vương triều nhà Trần phát triển mạnh mẽ, theo ông nhà Lý đã đến thời suy vong, nhà Trần thay thế là một điều tất yếu. Không những vậy, Trần Thủ Độ còn là người nắm quyền trong những năm đầu của triều Trần, là một trong những người gây dựng nên vương triều Đông A.

Tháng 8/1226 nhà Trần đã gả Hoàng hậu triều Lý là Trần Thị Dung cho Thái sư Trần Thủ Độ.

Năm 1223, Hoàng thái tử Trần Trịnh – con của Lý hoàng hậu (Lý Chiêu Hoàng) và Thái Tông hoàng đế không may chết yểu, Lý hoàng hậu lại không sinh được người con nào nữa. Năm 1236, Thủ Độ ép Thái Tông lấy chị dâu mình là Thuận Thiên công chúa – vợ của Hoài vương Trần Liễu và cũng chính là chị ruột của Lý hoàng hậu. Việc này khiến Trần Liễu thù hận cất quân nổi loại và Thái Tông bỏ lên chùa. Tuy nhiên, trước sức ép của Trần Thủ Độ, Thái Tông quay trở lại kinh sư, còn Hoài vương Trần Liễu cũng chịu hàng phục và được phong làm An sinh vương ở Kinh Môn Hải Dương.

Khi lấy Thái Tông, công chúa Thuận Thiên đã có mang với Trần Liễu được ba tháng. Sau này sinh ra Trần Quốc Khang với thân phận rất đặc biệt.

Ngày 12/12/1257, Ngột Lươn Hợp Thai dẫn quân xâm phạm Bình Lệ Nguyên. Trần Thái Tông đích thân đốc chiến nhưng thế giặc quá mạnh khiến nhà vua phải lui quân về sông Thiên Mạc. Sau này, nhà vua hỏi Trần Thủ Độ về thế giặc, Thủ Độ trả lời:

- Đầu thần chưa rơi xuống, bệ hạ đừng lo gì khác.

Ngày 24/12/1257 Trần Thái Tông tiến đánh Đông Bộ Đầu, đánh bại quân Nguyên, khiến đội quân này phải rút chạy về Bắc

Năm 1264, Trần Thủ Độ qua đời, thọ 71 tuổi. Ông được truy tặng là Thượng phụ Thái sư Trung Vũ đại vương.

Lăng mộ của Thượng phụ Thái sư Trung Vũ đại vương Trần Thủ Độ. Ảnh: vannghetiengiang.vn

Trần Thủ Độ được coi là người có công đầu trong việc mở ra triều đại nhà Trần. Nếu xét công tội của Thủ Độ, ta có thể thấy công nhiều hơn tội. Triều Lý khi ấy đã đến lúc tàn, Thủ Độ đã “đạo diễn” một cuộc nhường ngôi êm đềm nhất trong lịch sử Việt Nam. Gian hùng như vậy thì đúng là chẳng kém gì Tào Tháo, tuy nhiên nhờ những việc làm của ông mà đất nước trở nên phồn thịnh, tạo lên lịch sử triều đại Đông A lừng lẫy.

Author: Quang Minh

News day