Vụ Paradise Papers: Châu Âu xúc tiến lập danh sách đen “thiên đường thuế”
Diệp Vũ 11/08/2017 04:30 PM
Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/11 sẽ đẩy nhanh cuộc thảo luận về kế hoạch lập một danh sách đen các "thiên đường thuế". Quyết định này được đưa ra sau khi kho tài liệu rò rỉ mang tên Paradise Papers hé lộ những khoản đầu tư bí mật ở nước ngoài của các cá nhân và tổ chức giàu có khắp thế giới.

Hãng tin Reuters cho biết, chủ đề "thiên đường thuế" đã được đưa vào cuộc gặp tháng 11 của các bộ trưởng bộ tài chính EU sau khi Tổ chức Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) bắt đầu đưa ra kết quả điều tra về kho tài liệu Paradise Papers. Hồ sơ này gồm 13,4 triệu tài liệu rò rỉ từ Appleby, một công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính đặt trụ sở tại Bermuda - một trong những "thiên đường thuế" hàng đầu thế giới.

Phát biểu trước báo giới ngày 6/11, ông Valdis Dombrovskis, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), nói rằng Paradise Papers "đặt ra yêu cầu mới đối với châu Âu trong cuộc chiến chống trốn thuế".

Vụ Paradise Papers rò rỉ gồm 13,4 triệu tài liệu, chủ yếu từ một công ty tài chính có tên Appleby đặt ở "thiên đường thuế" Bermuda. Ảnh: indianexpress.com

Nhiều tháng qua, EU đã vạch kế hoạch nhằm đạt thỏa thuận về một danh sách đen "thiên đường thuế" trước cuối năm nay. Những tiết lộ từ Paradise Papers khiến EU càng thêm động lực để đẩy mạnh cuộc thảo luận này, nhưng các quan chức cho rằng sẽ chưa có thỏa thuận đạt được trong ngày thứ Ba.

Trong những năm gần đây, nhất là sau vụ rò rỉ tài liệu mang tên Panama Papers vào năm ngoái, EU đã bàn nhiều về các biện pháp chống trốn thuế. Trong số các biện pháp được tính đến là lập một bản danh sách đen chung của EU các "thiên đường thuế" nhằm ngăn các công ty chuyển lợi nhuận được tạo ra ở EU tới các nước không đánh thuế hoặc có mức thuế thấp.

Hiện nay, mỗi nước thành viên EU đều có danh sách "thiên đường thuế" riêng, và tiêu chuẩn xác định "thiên đường thuế" của mỗi nước cũng khác nhau. Bởi vậy, một danh sách chung được cho là sẽ hiệu quả hơn, và những quốc gia bị liệt vào danh sách có thể bị EU trừng phạt nếu không chịu hợp tác.

Hiện chưa rõ EU sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt như thế nào, nhưng việc một quốc gia bị liệt vào một danh sách đen như vậy cũng có thể đủ để khiến các tổ chức và cá nhân ngại chuyển tài sản tới đó.

Thành phố Panama City của Panama, một "thiên đường thuế" trên thế giới. Ảnh: Reuters

Năm ngoái, EC đã xác định 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có khả năng cao là "thiên đường thuế". Tuy nhiên, một số quốc gia EU tỏ ra hoài nghi về danh sách này, một phần bởi chính họ cũng đang bị "soi" vì cạnh tranh bằng mức thuế bất bình đẳng.

Một số nước nhỏ hơn trong EU như Luxembourg, Malta và Ireland đã thu hút các công ty nước ngoài bằng cách đưa ra thuế suất thấp. Một vài nước trong số này đã bị trừng phạt vì thỏa thuận giảm mạnh thuế cho các công ty đa quốc gia.

Để vượt qua sự phản đối của các thành viên như vậy, bản danh sách đen về "thiên đường thuế" mà EU mong muốn có được sẽ cần phải chỉ bao gồm các nước ngoài EU.

Theo: Diệp Vũ/Vneconomy

Author: Diệp Vũ

News day