Rất nhiều người đã sốc vào cái đêm Ý bị Thụy Điển loại ở trận đấu vớt tranh vé đi World Cup. Nhiều người đã khóc. Báo chí Ý chạy những loạt bài dài về một thảm kịch xảy ra lần đầu tiên sau 60 năm, khi đội bóng nước họ, một cường quốc bóng đá với 4 lần vô địch thế giới, không thể dự một World Cup. 60 năm, nghĩa là từ năm 1958, khi Chiến tranh Lạnh đang bắt đầu lên cao trào, khi bóng đá thế giới vẫn còn ở dạng sơ khai của nó, chưa bị thương mại hóa quá mức và World Cup chưa “đông vui” như bây giờ. Những dư chấn của một thảm họa cũng không đến mức nặng nề như thời điểm 8 năm sau đó, khi Ý bị CHDCND Triều Tiên đánh bại, phải đi lòng vòng nhiều nơi trước khi về nước nhằm tránh búa rìu dư luận. Nhưng khi trở về nhà, họ vẫn hứng trọn cà chua và trứng thối của người hâm mộ.
60 năm sau, nỗi đau đớn của các fan được thể hiện trên các mạng xã hội nhiều hơn là việc ai đó đợi các cầu thủ triệu phú thất trận xuất hiện ở đâu đó rồi ném cà chua và trứng thối vào họ. Thế kỷ thay đổi, cách thể hiện đau đớn và bức xúc cũng thế, nhưng nỗi đau nào cũng giống nhau. Đối với tôi, một cổ động viên trung thành của bóng đá Italia nói chung và đội tuyển Ý nói riêng, nỗi đau cũng lớn như mọi người.
Sau những đêm hè rực lửa và diệu kỳ trên đất Đức ở World Cup 2006, khi vào một tối tháng 7 mát rượi ở Berlin, với chiếc Cúp vàng mà Cannavaro và các đồng đội giơ cao, là rất nhiều những nỗi thất vọng, thống khổ, bức xúc, hờn giận, cay đắng của hai World Cup gần nhất ở Nam Phi năm 2010 và Brazil năm 2014. Đã có rất nhiều kỳ vọng trước những giải đấu ấy. Đấy là niềm tin tưởng, rằng đội ngũ đã đem đến vinh quang cho nước Ý sẽ lại chiến thắng trên đất Châu Phi. Đấy là sự chờ đợi rằng, sau cuộc hồi sinh ở EURO 2012, sẽ là một Ý bùng nổ ở World Cup 2014.
Nhưng niềm tin ấy đã bị phản bội. Ở World Cup Nam Phi và Brazil, Ý thậm chí bị loại từ vòng bảng một cách bẽ bàng, đẩy các tifosi vào triền miên thất vọng. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên buổi chiều một ngày tháng 6 ở Nam Phi, khi tôi nghe tin Ý bị loại ở trận đấu với Slovakia. Đấy là một hôm tôi đang di chuyển trên đường, giữa hai địa điểm để làm phóng sự cho tờ báo của tôi và tất cả những gì tôi biết được về trận đấu đang diễn ra lúc ấy là qua radio. Tay bình luận viên, chắc là một fan cuồng của đội Ý, dường như đang khóc khi trận đấu bước vào những giây cuối.
Con đường phía trước tôi đi mịt mù khói từ những bụi cây ven đường bén lửa càng làm cho không khí trở nên ngột ngạt và buồn thảm. Đấy là một World Cup nhục nhã, vì Ý, đương kim vô địch thế giới, đã trở về trong vô vàn những lời chỉ trích của người hâm mộ. Bốn năm sau, một lần nữa tôi lại ngậm ngùi và đau đớn chứng kiến đội bóng Thiên Thanh bị loại trên đất Brazil. Những hy vọng vào một cuộc hồi sinh đã có từ EURO 2012 đã vỡ đổ tan tành cũng ở vòng bảng. Hai World Cup liền nhau là hai lần bị loại chỉ sau ba trận, và đến World Cup tiếp theo nữa, họ ngồi nhà xem giải đấu qua tivi.
Thực ra, những ai đã yêu màu áo xanh của đội tuyển Ý đều hiểu những cảm giác bẽ bàng và ở tột cùng của thất vọng là thế nào.
Họ đã chìm trong rất nhiều nỗi đau khi Ý thua trong trận chung kết World Cup 1994, với hình ảnh tiêu biểu là mái đầu cúi gục của Roberto Baggio sau quả penalty vọt xà, là những giọt nước mắt đã rơi xuống khi Ý thua Pháp bởi bàn thắng vàng ở chung kết EURO 2000, là những nỗi tủi hổ vì bị loại ở World Cup 2002 và EURO 2004. Đêm chung kết chiến thắng ở Berlin 2006 giống như một cơn mưa rào đổ xuống sa mạc khô cằn của biết bao thất bại, để rồi sau đó, là rất nhiều những thất bại mới, cho đến World Cup này.
Nhiều tifosi bảo, World Cup này, họ sẽ không xem nữa. Đội Ý với họ giống như lẽ sống, là niềm vui, niềm yêu thương, thậm chí là nỗi đau cùng cực của họ. Không có Ý, với họ, là không World Cup. Nhưng với tôi, đi cùng với nỗi buồn, sự tức giận và tiếc nuối vào cái đêm chứng kiến đội Thiên Thanh bị Thụy Điển loại, là một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Thà rằng họ ở nhà và làm lại từ đầu, như đội tuyển Đức đã từng cải tổ triệt để sau thảm bại ở EURO 2004, còn hơn là lê lết đến Nga với đội hình yếu kém và già nua, để rồi hoàn tất cú hattrick bị loại từ vòng bảng. Thay đổi đi để hồi sinh, và rồi Ý sẽ trở lại vào một ngày gần nhất. Các tifosi có thể đợi.
Thực ra, không có Ý trên đất Nga, trái đất vẫn quay, trái bóng vẫn lăn, World Cup vẫn rực rỡ, và chúng ta không hề thiếu những niềm vui…
Bạn đang đọc báo người Việt tại Mỹ - Vinacircle. Mọi ý kiến đóng góp về nội dung xin gửi về địa chỉ email: content@vinacircle.com. Xin cảm ơn!
Leicester, Real, Barca và những “FC phản thầy” đình đám…
Ký ức SEA Games: Nỗi nhớ Lê Huỳnh Đức cứ…
Mùa hè của Real, mùa hè mang nỗi nhớ Ronaldo
Ở Chelsea có những sự lựa chọn khó khăn
Derby Bắc Luân Đôn: Lịch sử thâm thù và khúc…
Góc chiến thuật: Thế nào là một Regista?
World Cup 2018: Nụ cười châu Âu
Có một đế chế sắp suy tàn?
Gareth Bale và câu chuyện của người thừa kế: Bao…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX