WTO bị sốc với cách diễn giải về tranh chấp thương mại “kiểu Mỹ"
Hoàng Nguyên 10/02/2017 04:30 PM
Hoa Kỳ đã gây ngạc nhiên tại một cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào thứ Sáu với cách diễn giải các quy tắc giải quyết tranh chấp mà một số người nói rằng đó là nỗ lực để thúc đẩy kế hoạch của Tổng thống Donald Trump nhằm cải cách thể chế toàn cầu này.

Quan điểm đó, được thể hiện bởi đại diện của Mỹ tại WTO, được coi là mở ra cánh cửa cho các quốc gia thành viên WTO ngăn chặn các phán quyết kháng cáo trong một số trường hợp, và điều đó có thể phá hủy hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại của WTO vốn được nhiều chuyên gia thương mại đánh giá cao.

Đại diện của Mỹ cho biết hai trong số các thẩm phán giải quyết một cuộc tranh chấp gần đây giữa Indonesia và Liên minh châu Âu đã nghỉ tại thời điểm phán quyết của họ được công bố. Ảnh: duhocmi.com

Theo các quy tắc của WTO, cơ quan phúc thẩm của WTO có 7 thành viên và mỗi vụ việc giải quyết kháng cáo tranh chấp thương mại sẽ do 3 trong số 7 người đó xét xử.

Vấn đề hiện nay là 2 trong số 7 thẩm phán đã nghỉ từ vài tháng nay và một thành viên khác sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 12, khiến cho cơ quan này sẽ chỉ còn lại 4 thành viên.

Trong khi đó, Mỹ đã ngăn cản việc tuyển dụng các thẩm phán phúc thẩm mới trong vài tháng qua, làm trầm trọng thêm nguy cơ rằng cơ quan phúc thẩm của WTO có thể sẽ không đạt hiệu quả trong hoạt động và gây áp lực lên các thành viên WTO khác phải chấp nhận kế hoạch cải cách của Mỹ.

Tại phiên họp hôm thứ Sáu, đại diện của Mỹ cho biết hai trong số các thẩm phán giải quyết một cuộc tranh chấp gần đây giữa Indonesia và Liên minh châu Âu đã nghỉ tại thời điểm phán quyết của họ được công bố, do đó phán quyết của họ sẽ chỉ chính thức có hiệu lực nếu có sự nhất trí thống nhất tại cuộc họp.

Mặc dù Mỹ đã không phản đối trong trường hợp này, trích dẫn “hoàn cảnh đặc thù và đặc biệt”, nhưng nói rằng bình thường nên có “sự đồng thuận tích cực” tại cuộc họp để thông qua một phán quyết với quá ít thẩm phán, theo một tuyên bố bằng văn bản của Mỹ cung cấp cho Reuters.

WTO bị sốc với cách diễn giải về tranh chấp thương mại “kiểu Mỹ”. Ảnh: thoibaonganhang.vn

“Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên có người nói rằng bạn cần sự đồng thuận khẳng định (positive consensus). Điều đó có nghĩa là bất kỳ thành viên nào cũng có thể cản trở toàn bộ sự việc”, một nhà ngoại giao thương mại có mặt tại cuộc họp nói.

Hệ thống đã bị tắc nghẽn đang phải đối phó với một số công việc nặng nề và nguy cơ sẽ không có đủ thẩm phán để ra phán quyết về các vụ khiếu kiện như tranh chấp kéo dài hạn giữa các nhà sản xuất máy bay Boeing và Airbus.

Đầu tuần này, Đại sứ Trung Quốc tại WTO Zhang Xiangchen cho biết, ông lo ngại rằng hệ thống giải quyết tranh chấp và các chức năng cơ bản của WTO có nguy cơ gặp khó bởi chủ nghĩa bảo hộ thương mại. “Thành thật mà nói, WTO đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất”, Zhang nói trong một cuộc thảo luận.

“Và một số thậm chí còn thách thức các quy tắc hiện tại trong cơ chế giải quyết tranh chấp. Dĩ nhiên bất kỳ cơ chế nào cũng cần phải theo kịp thời đại và được cải tiến liên tục. Nhưng nếu giá trị cốt lõi, các nguyên tắc cơ bản bị bỏ rơi, tổ chức sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về sự sống còn”.

Theo: Hoàng Nguyên/Thời Báo Ngân Hàng

Author: Hoàng Nguyên

News day