Bạo lực học đường - Nỗi ám ảnh không biết kể cùng ai
Đông Thảo 04/27/2017 12:30 PM
Nhìn chung, giới học sinh chính là xã hội thực thu nhỏ. Có kẻ mạnh nắm quyền và người dân thường yếu ớt không chốn dung thân. Vì vậy toàn thể xã hội không thể xem thường các hiện tượng này, bậc cha mẹ không được để suy nghĩ “Trẻ con mà, tụi nó có biết được gì đâu mà lo!” chi phối cách nhìn nhận của mình.

Trong khoảng hai tháng trở lại, một bộ phim truyền hình do Mỹ sản xuất với tên gọi “13 reasons why” (“13 lý do tại sao”) đang gây sóng gió với chủ đề không mấy xa lạ: Bạo lực học đường. Ngoài dàn diễn viên trẻ thực lực, bộ phim thành công nhờ vào kịch bản chân thật, miêu tả có chiều sâu mười ba câu chuyện của cô học sinh Anna Baker, người bị chính bạn bè và thầy cô đẩy vào bước đường tự tử. Cái chết là do cô bạn ấy lựa chọn, nhưng lý do là vì đâu?

Tuổi dậy thì và những rắc rối xoay quanh

Trong giai đoạn dậy thì với những biến đổi trong cơ thể lẫn nhận thức, các học sinh thường xuyên mang trong mình những nỗi cô độc đôi khi chẳng vì gì cả. Có lúc chỉ vì một cuộc tranh cãi nho nhỏ với bạn thân, hay lời nhắc nhở nhẹ của cha mẹ thầy cô mà các bạn bỗng dưng cảm thấy mình đang "một mình chống lại cả thế giới". Các bạn trở nên nhạy cảm hơn, lúc nào cũng ôm vào người gánh nặng tâm lý rằng không ai quan tâm đến mình, mình chỉ có một mình, dần dà hình thành thái độ sống bất cần, khép kín.

Đáng sợ ở chỗ, chính độ tuổi này lại có những suy nghĩ phức tạp nhất, khó nắm bắt được nhất. Chính vì cho rằng không ai có thể hiểu mình mà khi có biến cố gì gây tổn thương các bạn có xu hướng giấu kín, trốn tránh và không dám chia sẻ, không tin tưởng ai có thể cảm thông hay giúp đỡ mình, kể cả cha mẹ. Vô vàn cách để tự mình giải quyết vấn đề cá nhân, những bạn trẻ đủ khôn ngoan sẽ tránh xa rắc rối, còn không…vô vàn các hậu quả theo sau sẽ khiến các bạn hối hận đến tận cuối đời.

Các bạn có xu hướng giấu kín, trốn tránh chứ không dám chia sẻ, không tin tưởng ai.
Ảnh: Xavier Sotomayor

Bản tính ích kỉ hình thành từ kỳ vọng thái quá của cha mẹ

Làm cha làm mẹ ai cũng mong con mình có được tương lai tốt đẹp, việc họ đặt nhiều kỳ vọng vào các bạn cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ lại quá ảo tưởng, quá quan trọng việc học hành, thành tích của con và sĩ diện của mình mà vô tình tạo gánh nặng cho con cái. Họ dùng áp lực, dùng vật chất và mọi lời khen có cánh để thúc đẩy ý chí của các bạn trẻ.

Ở lứa tuổi chưa biết mình muốn gì, chưa định hình được nhân cách rõ ràng, những suy nghĩ lệch lạc rất dễ hình thành với khát khao làm hài lòng cha mẹ. Điển hình là khi phải cạnh tranh với bạn cùng lớp, các bạn thay vì cố gắng bằng chính sức lực của mình để vươn lên lại dùng cách hạ bạn mình xuống. Gian lận trong thi cử, dọa nạt bạn bè gây chấn động tâm lý khiến thành tích của bạn mình giảm xuống, dùng tiền mua chuộc,… và vô số cách để có được thành tích tốt mà không phải bỏ sức quá nhiều, đồng thời dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại cho "nạn nhân" của các "đại bàng". Đặc biệt khi có kết quả tốt nhờ các chiêu trò đó các bạn ấy lại nhận được lời khen, quà thưởng “kếch xù”, một cách để gián tiếp khuyến khích các bạn tiếp tục dùng những cách thức không hay trên.

Còn có một số tình huống khác chính cha mẹ là thầy cô giáo đã lợi dụng mối quan hệ của mình để bợ đỡ cho con cái, trong khi kết quả thực chất của các bạn lại cho thấy mình không xứng đáng với điểm số in chính thức trên sổ điểm. Ngược lại, các học sinh bỏ công sức ra học hành đàng hoàng lại vì một con điểm nào đó mà mất đi phần thưởng tương xứng. Xin được khẳng định luôn rằng đây cũng là một kiểu bạo lực tinh thần, sự bất công, oan uổng không cách nào giải thích được mà không để lộ ra những điều xấu xí khác, cũng như không có chứng cứ xác thực.

Sự bất công, oan uổng không cách nào giải thích được mà không để lộ ra những điều xấu xí khác.
Ảnh: Toa Heftiba

Các công kích từ bệnh thành tích và sự vô tâm của thầy cô

Nhiệm vụ chính của thầy cô thời đại bây giờ không chỉ là truyền dạy kiến thức, mà còn làm cha, làm mẹ kiêm thủ quỹ kiêm bảo mẫu cho một lớp hơn ba mươi trẻ. Và nếu thành tích thi đua không tốt mức lương ít ỏi của họ rất dễ bị ảnh hưởng. Từ đó, một loạt các lý do được đưa ra trong việc “đì” học sinh có thành tích chưa tốt hay thiên vị giữa học sinh với nhau được đưa ra. Tình trạng này không thể dùng câu “thương cho roi cho vọt” để giải thích được, vì đây là một kiểu bạo lực tinh thần. Một lần nữa phải nhấn mạnh, tuổi vị thành niên cần phải được đối xử một cách tinh tế, không phải cứ đe dọa công kích là tự khắc những bạn trẻ sẽ cư xử đúng đắn.

Không thể nói rằng chỉ có thầy cô giáo là phải chịu trách nhiệm trong việc này, nhưng nếu đặt trường hợp con cái họ cũng bị đối xử như vậy ở lớp thì họ sẽ cảm thấy ra sao? Họ có còn muốn lắng nghe những lý do mà chính họ cũng từng sử dụng để biện hộ cho mình?

Con cái họ cũng bị đối xử như vậy ở lớp thì họ sẽ cảm thấy ra sao?
Ảnh: Ben White

Nỗi sợ hãi đối với việc trở nên vô hình

Mỗi người là một cái tôi, một sự tồn tại khác biệt và độc lập. Chính vì vậy dù ít dù nhiều thì mỗi người sở hữu điều đặc biệt khiến họ trở nên nổi bật. Cái chính là họ có biết cách để điểm đặc biệt gây được chú ý hay không. Và một cách để làm điều đó đối với học sinh đó chính là trở thành "đại bàng", "phượng hoàng" trong chính thế giới học đường nho nhỏ của mình.

Tạo thành một nhóm rồi tự đặt mình vào vị trí "cai trị", nhóm "thượng lưu" này có thể thao túng dễ dàng các "hạ lưu" bằng bạo lực, bằng tiền, bằng lời nói, thậm chí chỉ bằng ánh mắt. Ai nấy nhìn vào cũng thấy thành viên của băng nhóm này vô cùng hài lòng khi người khác sợ hãi mình. Họ cảm thấy mình đang nắm trong tay quyền lực, quan trọng hơn hết là các bạn khác đều trông thấy được ánh "hào quang" tỏa ra chỉ từ một cái hất tóc hay một cái búng tay của mình.

Nhưng thực chất khi ở trên đỉnh cao như vậy các bạn cũng trở nên cô độc mà chính các bạn cũng không biết. Hơn hết các bạn biết rằng nếu không cẩn thận thì quyền kiểm soát của mình rất dễ bị chuyển qua người khác mạnh hơn, hung hăng hơn. Sự thật này buộc các bạn phải mạnh tay hơn, phải tàn nhẫn hơn, phải tạo được nhiều kinh hoàng hơn để thị uy. Từ "luật rừng" từ đó cũng được đưa vào sử dụng trong học đường, nơi hóa ra cũng là một khu rừng có thú săn và con mồi.

Các bạn cũng trở nên cô độc mà chính các bạn cũng không biết.
Ảnh: Mitchell Hollander

Nhìn chung, giới học sinh chính là xã hội thực thu nhỏ lại, có kẻ mạnh nắm quyền và người dân thường yếu ớt không chốn dung thân. Vì vậy toàn thể xã hội không thể xem thường các hiện tượng này, bậc cha mẹ không được để suy nghĩ “Trẻ con mà, tụi nó có biết được gì đâu mà lo!” chi phối cách nhìn nhận của mình.

Tình trạng này không thể ngày một ngày hai mà được giải quyết triệt để. Khoan đổ trách nhiệm cho nhà trường mà trước hết trong gia đình cha mẹ nhất định phải dành thời gian quan sát xem con mình khi ở nhà, động viên và tạo thói quen cho các bạn trẻ chia sẻ các câu chuyện đời thường ở trường, thân thiết hơn là nỗi lòng, suy nghĩ sâu xa hơn của các con; từ những điều nhỏ nhặt như thái độ giao tiếp trong cuộc sống mà mau chóng nhận ra các giấu hiệu bị bạo lực hay thực hiện hành vi bạo lực ở trẻ để ngăn ngừa sớm. Hãy bắt đầu với những tác động nền của gia đình để nuôi dưỡng hi vọng cải thiện từng bước nhỏ vấn nạn bạo lực học đường đang gây nhức nhối.

Author: Đông Thảo

News day