Cả Mỹ Latinh lên án việc Mỹ cân nhắc “lựa chọn quân sự” với Venezuela
An Nhiên (tổng hợp) 08/14/2017 10:00 AM
Nhiều nước Mỹ Latinh ngày 13/8 lên tiếng phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc “lựa chọn quân sự” đối với Venezuela nếu cần thiết.

Theo Bộ Ngoại giao Venezuela, tuyên bố này là một sự đe dọa trực tiếp đối với hòa bình tại Mỹ Latinh.

Cảnh báo hôm 11/8 của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra sau nhiều ngày căng thẳng gia tăng giữa hai nước sau 4 tháng biểu tình làm 125 người chết và cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến gây tranh cãi tại Venezuela.

Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza cho rằng, “lời đe dọa liều lĩnh” của Tổng thống Donald Trump gây mất ổn định, hòa bình và an ninh khu vực. Ảnh: Reuters

Những cuộc biểu tình đã làm rung chuyển các tuyến phố của Caracas và các thành phố khác của Venezuela, nhằm phản ứng với động thái của ông Maduro. Văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho hay, vào đầu tháng này các lực lượng an ninh của Venezuela đã sử dụng vũ lực vượt quá giới hạn và bắt giữ hàng ngàn người một cách tùy tiện.

Phát biểu tại câu lạc bộ golf Bedminster ở New Jersey, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, Mỹ có “nhiều lựa chọn đối với Venezuela, trong đó bao gồm cả khả năng hành động quân sự nếu cần thiết”.

Tuyên bố phần nào gợi nhớ tới một giai đoạn ký ức đau buồn tại khu vực khi Mỹ quyết định can thiệp quân sự vào năm 1989 nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Manuel Noriega đã ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của chính phủ Venezuela.

Trong một thông cáo nhân danh Tổng thống Nicolas Maduro, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza cho rằng, “lời đe dọa liều lĩnh” của Tổng thống Donald Trump là nhằm lôi kéo Mỹ Latinh và khu vực Caribbean vào một cuộc xung đột đe dọa trực tiếp đến ổn định, hòa bình và an ninh khu vực. Ông kêu gọi khu vực Mỹ Latinh đoàn kết chống Mỹ, nhấn mạnh tuyên bố của ông Trump đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Nicolas Maduro tái kêu gọi thiết lập quan hệ cấp cao bình đẳng và hợp tác với Mỹ dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nhưng những tuyên bố của ông Trump rõ ràng là vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và quyền tự quốc của Venezuela. Ông Arreda nêu rõ. “Chúng tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả các biểu hiện của tình đoàn kết và kêu gọi từ bỏ sử dụng vũ lực của các chính phủ trên toàn thế giới, trong đó có Mỹ Latinh. Một vài nước trong số này trước đây còn cho thấy lập trường hoàn toàn trái ngược đối với Venezuela”.

Quốc hội Lập hiến Venezuela, cơ quan quyền lực nhất nước này, cùng ngày cũng chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Nhiều người dân Venezuela khẳng định tuyên bố của ông Donald Trump là sự đe dọa tới chủ quyền của nước này.

Triển vọng về một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ tại khu vực cũng khiến nhiều nước Mỹ Latinh lo ngại, ngay cả những nước từng công khai chỉ trích Tổng thống Maduro. Brazil, Colombia, Peru, Chile và Mexico đều bác bỏ lựa chọn sử dụng vũ lực để giải quyết khủng hoảng.

Trên trang mạng cá nhân Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Luis Videgaray cho rằng, cuộc khủng hoảng Venezuela không thể được giải quyết bằng các hành động quân sự, dù là từ bên trong hay bên ngoài.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Brazil ra thông cáo nhấn mạnh, từ chối bạo lực, cũng như mọi lựa chọn bao gồm sử dụng vũ lực nên là nền tảng cơ bản cho “sự chung sống dân chủ”, cả ở cấp độ quốc gia lẫn các quan hệ quốc tế.

Trên thực tế, từ đầu tháng 8 này, Chính phủ Mỹ đã thông qua các lệnh trừng phạt trực tiếp nhằm vào Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, sau cuộc bỏ phiếu ngày 30/7, trong đó cho phép Tổng thống thay thế Quốc hội đối lập bằng một Quốc hội lập hiến 545 thành viên với những người ủng hộ ông. Đây được xem là một động thái khá hiếm hoi của Mỹ nhằm vào một nhà lãnh đạo nước ngoài còn đương chức. Tới nay mới chỉ có nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Syria Bashar al-Assad nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, việc thực hiện "lựa chọn quân sự" vẫn là điều nhiều quan chức cấp cao Nhà Trắng né tránh. Ông HR. McMaster, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump thẳng thắn chia sẻ với hãng tin MSNBC hồi đầu tháng này, can thiệp quân sự từ bất kỳ nguồn nào bên ngoài không phải là lựa chọn. Điều quan trọng là tất cả mọi người cần có tiếng nói về sự cần thiết bảo vệ quyền và sự an toàn của người dân Venezuela.

Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Eric Pahon cho hay bộ Quốc phòng không được lệnh thực hiện bất kỳ hoạt động quân sự nào liên quan đến Venezuela, nhưng vẫn chuẩn bị cho điều đó nếu cần.

Tổng thống Trump cùng các cộng sự phát biểu trước phóng viên sau cuộc họp tại khu nghỉ dưỡng golf của ông Trump tại thành phố Bedminster, bang New Jersey. Ảnh: AP

Không chỉ làm gia tăng căng thẳng với Mỹ, cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela cũng đang khiến quan hệ giữa nước này với các nước láng giềng xấu đi và mới đây nhất là Peru khi quyết định trục xuất Đại sứ Venezuela tại Lima về nước.

Tuy nhiên, một phần lớn các nước trong khu vực vẫn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, người kế thừa chính trị của cố Tổng thống Hugo Chavez (1999 - 2013) và là nhà lãnh đạo phong trào cánh tả tại Mỹ Latinh.

Chính phủ một loạt nước, trong đó có Cuba, Bolivia, Ecuador và Nicaragua cùng nhiều quốc gia Caribbean khác mới đây đều khẳng định sát cánh với chính phủ Venezuela.

Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay tại Mỹ Latinh, phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 13/8 bắt đầu chuyến công du Mỹ Latinh lần lượt đến các nước Colombia, Argentina, Chile và Panama.

Author: An Nhiên (tổng hợp)

News day