Các đề xuất giải quyết ùn tắc giao thông tại Hà Nội
Aries 03/10/2017 02:00 PM
Sự phát triển thần tốc của thủ đô kéo theo nạn ùn tắc giao thông không thể né tránh, làm cho người dân và chính quyền đau đầu. Nhân diệp Quy hoạch phát triển giao thông vận tải được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, cuộc thi tuyển ý tưởng Phương án tổ chức giao thông đã được tổ chức nhằm kêu gọi sự hổ trợ của toàn dân để tìm lời giải cho vấn nạn này. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt.

Nhằm khai thác có hiệu quả, khoa học và hợp lý hệ thống hạ tầng kết cấu phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, cần có phương án tổ chức giao thông mới phù hợp. Để đáp ứng nhu cầu này, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội công bố cuộc thi tuyển ý tưởng Phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. 

Theo kế hoạch, các ý tưởng tập trung vào các vấn đề liên quan như: Định hướng xây dựng không gian ngầm; Đề án giao thông thông minh; Đề án tăng cường quản lý phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Giải thưởng cho ý tưởng giành giải nhất là 200.000 USD; giải nhì 100.000 USD và các hồ sơ đạt các tiêu chí dự thi được hỗ trợ 25.000 USD. Thời gian nộp hồ sơ đăng ký thi tuyển từ ngày 19 - 23/1/2017.

Các đề xuất của kĩ sư cầu đường Phạm Xuân Hà

Khu vực Xã Đàn hướng hầm Kim Liên kẹt cứng. Ảnh: vietnamnet.vn

Ông Hà, người đã từng thiết kế hệ thống giao thông cầu đường Hà Nội từ năm 1975, đưa ra đề án gồm các giải pháp trước mắt và lâu dài. Ông Hà phân tích thực trạng và nguyên nhân của việc ùn tắc, đồng thời đề ra phương án "Tuyến đường thông minh" và loại trừ tất cả các phương án mở rộng đường nội đô xây đường ngầm vì các bất cập của phương án này (chi phí xây dựng, chi phí bảo quản quá cao, quá trình thực hiện phức tạp và phức tạp trong tương lai).

Về phương án trước mắt, ông Hà đưa ra đề nghị hệ thống "di chuyển thông minh". Việc đầu tiên là cải thiện tính hiệu quả của các phương tiện công cộng nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các phương tiện này dễ dàng, hạn chế sự lo lắng về vấn đề xe cộ và giảm thiểu số xe cá nhân đi vào nội thành. Sau đó, các bến xe khách vào nội đô sẽ được chuyển ra gần các bến gửi xe ô tô và xe máy (thời gian thực hiện 2 - 3 năm). Việc tiếp theo là cải thiện lưu thông: Tất cả các xe liên tỉnh phải chạy đường vành đai cấm vào nội đô; Điều chỉnh giờ làm việc của các cơ quan, trường học, bệnh viện… và đẩy lệch pha giờ làm việc của các cơ quan Trung Ương, các trường đại học hợp lý hơn so với giờ làm việc của các cơ quan Hà Nội...

Về phương án lâu dài, ông Hà nhận định, lý do chính của nạn ùn tắc là do mật độ dân số và nhu cầu đi lại tăng quá nhanh và cao so với diện tích và cơ sở hạ tầng. Do vậy phương án cơ bản (tầm nhìn 2050) là giãn dân số, giảm phương tiện giao thông tới nội đô, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông. Ý tưởng được ông Hà nêu lên đó là: Xây dựng các thành phố vệ tinh Sóc Sơn, Bắc Ninh, Hà Nam, Sơn Tây, Xuân Mai, Các khu Hòa Lạc, Đông Anh, Thường Tín…, những thành phố nghỉ cuối tuần như Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Tam Đảo...

Tiếp đó, chuyển toàn bộ các trường Đại học, Cao đẳng, bệnh viện và một số cơ quan nhà nước ra ngoại ô hoặc ra các thành phố vệ tinh. Đồng thời cần xây dựng cơ chế tốt, hạ tầng tốt để người dân mong muốn được chuyển ra sống tại các thành phố vệ tinh này. Thực hiện nối nội đô với các thành phố vệ tinh bằng các hệ thống di chuyển thông minh (đường ô tô, tàu điện, xe buýt) nhằm đảo đảm người dân đến nơi làm việc, cơ quan, trường học nhanh hơn và ít tốn kém hơn trong việc sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân. Điều tiết lượng phương tiện giao thông cá nhân thông qua các quy định về lệ phí.

Các đề xuất của GS-VS Lương Ngọc Huỳnh

Cầu vượt Thái Hà ken cứng các phương tiện giao thông. Ảnh: vietnamnet.vn

Ông Huỳnh đề xuất 3 giai đoạn giải quyết từ này đến 2050, bắt đầu từ việc thống nhất tư tưởng, quy hoạch đô thị, rồi đến quy hoạch diện mạo toàn thủ đô.

Giai đoạn thống nhất tư tưởng (từ nay đến 2020): toàn chính quyền và người dân phải đồng thuận về mặt tư tưởng, cấm tuyệt đối tham nhũng lợi ích nhóm trong quy hoạch, nghiêm túc chấp hành luật pháp, xử phạt nghiêm minh mọi hành vi vi phạm và cố tình làm ngơ. Giai đoạn này tập trung vào việc thiết lập sự tôn trọng luật pháp, phối hợp các cơ quan hoàn thiện các công trình giao thông như cầu đường, hệ thống đèn tín hiệu cũng như các công trình liên quan như hệ thống cống nước, cây xanh, và hệ thống đường dây điện.

Giai đoạn quy hoạch đô thị (từ 2020 đến 2030): Quy hoạch đô thị, nghiêm cấm xây dựng nhà nhỏ dưới 100m2 ở mặt phố, từng bước xoá sổ nhà siêu nhỏ, siêu mỏng trên các phố. Hoàn chỉnh và phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Giai đoạn quy hoạch thay đổi toàn bộ diện mạo thủ đô (từ 2030 đến 2050): Hà Nội phải phấn đấu là thành phố hiện đại, thủ đô sạch đẹp văn minh. Từng bước di chuyển các trường Đại học, bệnh viện lớn ra ngoài vành đai thủ đô. Đảm bảo cuộc sống và việc làm cho nhân dân nhằm loại bỏ các quán cóc, quán phở, trà đá khắp thành phố.

Giải pháp đề xuất của bạn đọc

Bạn đọc Trần Hưng Thịnh phân tích, ùn tắc giao thông ở Hà Nội chủ yếu xảy ra vào giờ cao điểm sáng đi làm và tan tầm buổi chiều. Do đó anh đề xuất giải pháp tình thế là cấm xe máy lưu thông trên các phố tại 4 quận nội thành, buổi sáng từ 6 - 9h, buổi chiều từ 16 - 19h. Song song đó nên tăng tần suất xe buýt lên 5 phút/chuyến vào những khung giờ này; mở thêm các tuyến xe buýt liên thông trong nội đô, tạo thuận lợi cho người đi xe buýt đi bộ trong bán kính 500m.

GS.TS Đặng Đình Đào, Viện Thương mại và KTQT, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng Hà Nội cần có giải pháp logistics mới mong giảm ùn tắc giao thông. Trong đó GS. Đào chỉ ra Hà Nội đã sai lầm khi phương tiện công cộng còn rất hạn chế, đơn điệu nhưng đã cho dỡ bỏ hệ thống tàu điện vốn có lịch sử cả 100 năm. “Hệ thống này vốn đã được thiết kế có tính kết nối cao với các khu vực dân cư của Thủ đô, bài toán logistics đã được tính toán khi họ thiết kế mạng lưới này”, GS nhấn mạnh.

Những chiếc xe điện phổ biến tại Hà Nội trước kia. Ảnh: vietnamnet.vn

Bạn đọc Mai Sỹ Xuân Lâm cũng kiến nghị Hà Nội nên đầu tư hệ thống xe điện cho tầm nhìn dài hạn đến 2050, vận động các doanh nghiệp, các công ty lắp ráp xe máy, ô tô chuyển đổi sang sản xuất, lắp ráp xe điện có cần tiếp điện. Khi đó có thể bán vé tháng 500.000 đồng/người (mức khấu hao tương đương với đi xe máy), với 6 triệu dân, Hà Nội sẽ thu được 3.000 tỷ đồng, người dân không cần đi các phương tiện cá nhân nữa. Bạn đọc Xuân Lâm cho rằng phương án này rất khả thi, khi được triển khai đồng bộ sẽ không tốn kém chi phí như đường sắt trên cao, không phải trợ giá như xe buýt hiện tại. Nếu kết hợp với hệ thống kiểm soát năng lượng, các xe điện sẽ có mức tiêu hao năng lượng rất thấp, hạn chế ô nhiễm.

Bạn đọc Giang Nguyễn thông qua VietNamNet gửi 10 giải pháp quy hoạch trước mắt và tương lai. Anh mong những người có trách nhiệm tham khảo, nếu đề xuất được chấp nhận, anh sẽ không đòi hỏi bất kỳ khoản tiền nào, thậm chí còn có thể đóng góp thêm cho giải thưởng. Trong đó anh Giang đặc biệt lưu tâm đến vấn đề quy hoạch. Anh kiến nghị ngừng xây ngay các nhà cao tầng trong nội đô.

Thay vào đó xây nhà đô thị vệ tinh, chuyển toàn bộ nhà tập thể cũ nát như Nguyễn Công Trứ, Trương Định, 8/3.... ra ngoại thành, chuyển vị trí cũ thành công viên, trồng cỏ. Tiếp đến phải phát triển đồng bộ thành phố vệ tinh ra Hà Nam, Sơn Tây, Hải Dương và xây các tuyến đường sắt nhanh (Mass Raiway Train - MRT) để nối các thành phố này với Hà Nội. Với các khu quy hoạch mới, tuyệt đối không được chia nhà, phân lô. Các nhà liền kề, biệt thự cần xây dựng thành các khu riêng ở xa nội đô, không tiếp giáp với giao thông.

 

Author: Aries

News day