Chiến lược an ninh mới của Trump: Mỹ đối đầu với hai cường quốc Nga, Trung
Thusy (Nguyễn Thị Thúy) 12/19/2017 10:00 AM
Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên do Tổng thống Trump đề ra với quan điểm cứng rắn hơn với chính quyền Bắc Kinh với quan điểm một thế giới trong đó Mỹ đối đầu với hai cường quốc Nga và Trung Quốc, dựa trên chính sách "Nước Mỹ là trên hết".

Theo New York Times đưa tin từ hai quan chức cấp cao của Mỹ, chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của Tổng thống Donald Trump được đưa ra trong ngày 18/12 cho biết đây là một cuộc chiến mới khi Nga và Trung Quốc, hai cường quốc thế giới đang tìm cách thay đổi nguyên trạng toàn cầu, thường xuyên gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ.

Chiến lược đã đề cập đến Trung Quốc như là "đối thủ cạnh tranh chiến lược", Mỹ cần chống lại "sự gây hấn kinh tế của Trung Quốc" trước những thách thức do Bắc Kinh đặt ra. Đây là sự thay đổi cơ bản nếu so với các chính quyền tiền nhiệm, trong đó, dưới thời của ông Obama, Trung Quốc được coi là đối tác trong việc chống lại các mối đe dọa toàn cầu từ chương trình hạt nhân Iran đến biến đổi khí hậu.

Ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2017. Ảnh: Getty

Việc này khiến giới phê bình lo ngại nếu Mỹ mạnh tay, một cuộc chiến tranh thương mại có thể bùng phát giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi Bắc Kinh trả đũa việc cáo buộc Trung Quốc "gây hấn kinh tế" và hậu quả sẽ khiến cả nền kinh tế toàn cầu gánh chịu, trước tiên sẽ giáng vào các công ty Mỹ.

Chiến lược an ninh quốc gia vốn là một văn kiện chính thức được mỗi ông chủ Tòa Bạch Ốc đưa ra kể từ thời Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan. 

Ngoài ra, chiến lược mới còn có thể đảo ngược tuyên bố của cựu Tổng thống Barack Obama hồi tháng 9/2016 rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa với an ninh.

Trước đó, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, ông H.R. McMaster, ngày 12/12 đã thông báo sơ lược nội dung chiến lược, tại hội nghị do tổ chức nghiên cứu chính sách Policy Exchange tiến hành, với 4 ưu tiên chính: Bảo vệ lãnh thổ, thúc đẩy và bảo vệ sự thịnh vượng, duy trì hòa bình thông qua sức mạnh và thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ. 

Chiến lược của ông Trump cũng chứa nhiều thông tin về việc ông Trump xem vũ khí hạt nhân là "nền tảng nhằm duy trì hòa bình, ổn định thông qua việc ngăn chặn các hành vi hung hăng chống lại Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ", trong khi cựu Tổng thống Obama giảm nhẹ việc này. Tuy nhiên, chiến lược mới không sử dụng từ "phủ đầu", kể cả trong nội dung nói về Bắc Hàn.

Vào chiều 18/12 (giờ địa phương), Tổng thống Trump trình bày những mô tả thế giới quan chiến lược một cách tổng quát đầu tiên của chính quyền, bao gồm cả những quan điểm mà ông Trump từng đề cập trong các bài phát biểu lúc tranh cử, tại châu Âu, châu Á cũng như Liên Hợp Quốc.

Theo Washington Examiner, chiến lược này được trình bày trong 70 trang, gấp đôi tài liệu chiến lược được công bố dưới thời ông Obama năm 2015, trong đó, ông Trump đặt ra những ưu tiên về chính sách đối ngoại và nhấn mạnh cam kết đối với các chính sách "Nước Mỹ trên hết", như tăng cường quân đội, đối đầu với các tay súng Hồi giáo cực đoan và tổ chức lại các mối quan hệ thương mại giúp Mỹ có khả năng cạnh tranh hơn. 

Tổng thống Donald Trump và cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster. Ảnh: AP

Các trợ lý của ông Trump cho biết vị Tổng thống đã thông qua chiến lược một cách hồ hởi cũng như ông muốn đích thân trình bày về chiến lược, điều mà hai người tiền nhiệm Barack Obama và George W. Bush không làm trong nhiệm kỳ của họ.

Nhận định về Nga và Trung Quốc, tài liệu cho rằng hai nước này "quyết tâm làm các nền kinh tế bớt tự do, bớt công bằng, tăng cường sức mạnh quân sự và kiểm soát thông tin, dữ liệu để mở rộng ảnh hưởng" buộc Mỹ "phải suy nghĩ lại về chính sách trong hai thập kỷ qua - những chính sách dựa trên đánh giá rằng việc cam kết cùng các đối thủ cũng như việc họ gia nhập các thiết chế quốc tế và thương mại toàn cầu sẽ khiến họ trở thành những người ôn hòa và đối tác đáng tin".

Trước đó, ông McMaster mô tả trong bài phát biểu của mình, Nga đang đe dọa Mỹ bằng "cái gọi là chiến tranh thế hệ mới", trong đó bao gồm các chiến dịch tuyên truyền phức tạp để "chia rẽ cộng đồng của chúng ta", còn Trung Quốc mang lại là "sự xâm lăng kinh tế" đang "thách thức trật tự kinh tế dựa trên luật lệ đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo". 

Author: Thusy (Nguyễn Thị Thúy)

News day