Có chăng ngày trở về?
CTV Bảo Thùy (Nguyễn Thị Minh) 02/10/2018 07:00 PM
Có lẽ tất cả chỉ để tìm lại không khí Tết ngày hai chúng tôi còn bé. Tình cảm ấy chưa bao giờ thay đổi, chỉ là chúng tôi đã đổi thay quá nhiều.

Quỳnh xé tờ lịch cái “roẹt”, vừa vo lại thành viên vừa đưa mắt nhìn tôi.

- Thứ năm tuần tới là đến giao thừa rồi đó mày.

Tôi liếc nó, “Ừ” một tiếng cho qua chuyện rồi tiếp tục gấp chăn gối lại.

- Mày có định về nhà không?

Quỳnh hỏi, tiện tay ném viên giấy vừa vo tròn lại qua khung cửa sổ. Tôi nhìn theo, bỗng tưởng tượng cảnh viên giấy trúng đầu một người khó tính nào đó ngang qua hành lang thì rắc rối.

- Này, tao đang hỏi mày đấy! - Nó lớn giọng. Cái tính xấu mà mãi không chịu bỏ. Có khi người ta nói mỏi miệng nó không thèm trả lời. Nhưng nó hỏi ai người đó không đáp thì y như rằng la toáng lên.

- Tết năm ngoái tao về rồi. Có lẽ năm nay phải ở lại thôi. - Tôi thờ ơ đáp.

- Mày thật là... - Quỳnh ngồi xuống giường, nhìn tôi tỏ vẻ am hiểu. - Một năm có mấy cái Tết mà mày không về. Nhà mày gần, có mấy tiếng đi xe đâu. Chưa kể đến việc ba mẹ mày mong mày lắm á.

- Sao mày biết ba mẹ tao mong? - Tôi xếp gọn chăn lên đầu giường, ngồi bó gối nhìn nó.

Nhỏ lườm tôi một cái.

- Còn phải hỏi. Ba mẹ không mong mày chẳng lẽ mong con hàng xóm.

- Ờ... biết đâu chừng. - Tôi lẩm bẩm.

- Đúng là hết nói nổi, tao buồn thay cho ba mẹ mày đấy.

Quỳnh tức giận phán, sau đó xách dép đi ra khỏi phòng. Tôi hỏi với theo:

- Đi đâu đấy?

- Đi chơi. Không rảnh ngồi nói với đứa ngang hơn cua như mày.

Nhỏ nói mà không quay đầu lại. Tiếng chân nó xa dần, xa dần rồi mất hẳn cuối hành lang.

Còn lại một mình. Tôi thở dài, đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ. Những gì Quỳnh vừa nói bất chợt làm lòng tôi dậy sóng, kéo tâm trí tôi trôi về những ngày đã xa, xa lắm...

Ảnh: blogradio.vn

Cái thời tôi còn là đứa trẻ tiểu học và thực sự vẫn chưa biết đến thế nào về hai chữ “trường đời” khó khăn. Vào những ngày cuối năm, khi nghe nhà bên mở nhạc rất lớn vào buổi sớm mai và tiếng ồn ào từ ngoài đường vọng vào, tôi nhận ra cái Tết đã thực sự trở về. Không còn phải làm lụng vất vả, không còn phải ngày hai buổi đến trường, cũng không còn phải vật lộn với bài vở mỗi tối.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, tôi và chị gái đã thực sự thích Tết như thế nào. Đặc biệt là khoảnh khắc ngồi quanh nồi bánh chưng chờ trời sáng. Cho dù chúng tôi chưa bao giờ chờ được. Đến khi tỉnh dậy thì ba mẹ đã vớt bánh ra và mang đi từ lúc nào. Ngày ấy, mẹ đều gói riêng cho hai chị em mỗi người một chiếc bánh chưng rất nhỏ, gói theo kiểu bánh tét của người miền Nam để chị em cầm đi chơi. Chúng tôi luôn bảo nhau hết Tết sẽ ăn, nhưng năm nào lúc mở ra bánh cũng không còn dùng được nữa. Mẹ bảo, cứ tung đi tung lại suốt ngày, bánh nào mà chẳng hư. Biết thế, nhưng thói xấu vẫn chẳng thể nào bỏ được.

Tết năm nào, ở chợ người ta cũng bày bán rất nhiều hoa, hoa đào và những cây quất vàng ươm. Ba bảo không thích quất, mẹ cũng không thích đào, thành ra không có gì để trưng. Hai chị em thay nhau thắc mắc, sao nhà mình không có hoa, không có quả như nhà người ta, mẹ bảo không cần thiết, chẳng phải hai chị em chỉ thích bánh kẹo thôi sao.

- Vâng, con thích kẹo socola, chị thích thạch rau câu, năm nay mẹ lại mua nữa nhé.

Mẹ lắc đầu mỉm cười, hai đứa nhóc này ăn phá gia chi tử, sau này lớn ai dám yêu. Yêu là gì, yêu là gì? Chị em tôi nhìn nhau.

Nhắc đến yêu lại thấy nhớ, vào năm chị lớp 8, tôi cũng lên lớp 5. Hai chị em đi học cùng buổi, ngày nào chị cũng đạp xe chở tôi đến trường. Suốt cả đường đi, cả hai cứ tíu tít không thể dứt lời. Có biết bao nhiêu câu chuyện để nói. Chuyện thằng bạn cùng bạn của chị đáng ghét thế nào, chuyện cô giáo chủ nhiệm khó tính ra sao, chuyện chị không thể hiểu được môn Vật Lý, như tôi không tài nào hiểu được cái gọi là tập làm văn,… Rồi bất chợt một ngày, chị ngập ngừng bảo hình như chị thích một bạn nam cùng lớp. Cậu ấy là lớp trưởng, học rất giỏi và chơi thể thao cũng rất cừ. Những đứa bạn của chị ai ai cũng thấy mến cậu ấy. Tôi hỏi chị thích là gì. Chị lắc đầu, chị không biết. Có phải giống như tình yêu ba mẹ từng nhắc hay không. Chị bảo, lẽ nào… Tôi cười lớn, bảo chị mới tí tuổi đầu đã yêu với đương. Chị cốc tôi một cái rõ đau, dọa sẽ không chở tôi đi học nữa nếu để ba mẹ biết chuyện này. Tôi đã giấu kín không bao giờ nói ra.

Ảnh: ekspreshaber.com

Hai chị em tôi còn có sở thích xem phim và gu thưởng thức âm nhạc rất giống nhau. Chị thích Westlife, mà hồi đó hình như cũng rất nhiều người cũng thích những chàng lãng tử hát tình ca đến từ quốc đảo Ireland. Mỗi sáng chị vẫn thường dậy sớm, bật TV và chuyển sang chế độ FM chỉ để nghe Quà tặng âm nhạc, người ta thường gửi tặng nhau những ca khúc của Westlife. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe chị lẩm nhẩm mấy câu tiếng anh:

"So I say a little prayer.

Hope my dreams will take me there.

Where the skies are blue.

To see you once again, my love…"

Chị bảo đó là bài hát My love, một trong những bài hát chị yêu thích nhất, cho dù chẳng hiểu được ý nghĩa thực sự của bài hát là gì. Chỉ thấy giai điệu du dương và giọng hát ngọt ngào của Westlife. Về sau, thời đại Internet bùng nổ, chị lên Youtube nghe lại bài hát ấy, hiểu được nghĩa của nó. Chị đã gọi điện và bảo tôi, quả là chị không sai khi thích ca khúc ấy, bởi nó như nói thay những gì chị muốn nói, với cậu bạn mà chị yêu. Vào đầu năm lớp 9, cậu ấy đã chính thức thuộc về người khác mất rồi.

Tôi hỏi chị, năm ấy, chị bị ngã xe, là vì chuyện này đúng không. Chị im lặng hồi lâu, rồi bảo chị không biết. Chuyện qua lâu lắm rồi, nhắc đến làm gì nữa. Nhưng vết sẹo có lẽ vẫn mãi nằm lại trên cổ tay của chị, cho đến tận bây giờ và mai sau.

Vào lớp 10, chị bất ngờ nghỉ học. Tôi hỏi lý do, chị không nói. Ba mẹ hỏi, chị cũng không thưa. Dường như cả ba thành viên còn lại đều chấp nhận sự cứng đầu của chị. Làm sao hiểu được chị thực sự nghĩ gì và muốn làm điều gì. Tôi lo lắng, thực sự lo lắng cho chị. Duy nhất một lần chị xoa đầu tôi, đêm trước khi chị đi vào một thành phố khác làm việc, nhẹ nhàng bảo rằng, con nít như em không bao giờ hiểu được đâu. Con nít ư? Chị chỉ hơn tôi tròn ba tuổi.

Từ đó tôi tập đi xe, đi học một mình. Chị đi làm, thành phố cách nơi chúng tôi sống tầm trăm cây số. Tôi hỏi chị làm gì, chị không nói. Tôi hỏi ba mẹ, chị làm gì, ba mẹ cũng bảo tôi không cần quan tâm, cứ lo học đi, chị con sẽ không trở thành người xấu đâu. Mọi thứ dường như mơ hồ quá. Cứ cách vài tháng chị về thăm nhà một lần, mỗi lần về tôi lại thấy chị khác hẳn, chẳng hiểu vì sao. Chị ít nói chuyện với tôi hơn, tôi cũng chẳng muốn nói vì chị suốt ngày bảo chuyện của tôi là trẻ con. Có vài ngày nghỉ, chị dắt xe đạp, bảo ngồi lên chị chở. Tôi ngồi sau lưng chị lặng im, chẳng biết phải nói gì. Hai hàng xoan bên đường năm nào còn bé tí giờ đã cành lá xum xuê, tỏa bóng khắp con đường đất đỏ. Và bờ sông đã bao lần ngang qua giờ đây cây cối đã bớt um tùm đi nhiều, thay vào đó là biết bao mái nhà mọc lên. Lần nữa tôi hỏi chị làm gì, chị bảo tôi không cần quan tâm, chỉ cần cố gắng học là được, giống như những gì ba mẹ đã nói. Tôi bảo chị dạo này khác lắm. Chị cười, không khác thì trẻ con mãi sao.      

Ảnh: vnreview.vn

Vài năm sau, chị đi làm ở một thành phố khác, cách xa nơi chúng tôi ở rất nhiều. Tôi gọi điện, bảo chị ba dạo này yếu lắm. Chị chỉ im lặng, rồi cúp máy. Tôi nhìn về phía mẹ, trách chị vô tâm. Mẹ lắc đầu, không đâu con ạ, rồi chuẩn bị ra đồng làm. Tôi đưa mắt nhìn sang ba đang mê sảng trên giường, hình như có điều gì đó mà tôi không bao giờ có thể thấu hiểu.

Đã rất nhiều cái Tết chị không về, chị luôn miệng bảo làm Tết lương sẽ cao hơn, làm một được ba, nên không thể bỏ được. Dần dần ba mẹ và tôi cũng quen với cái Tết chỉ có ba người. Ba mở TV xem phim trên truyền hình cáp, mẹ loay hoay dọn dẹp, tôi ngồi ôm laptop nghe nhạc, những bản nhạc ngoại quốc mà trước đây chỉ chờ đến Tết, bắt được truyền hình cáp khuyến mãi, mới có kênh MTV để nghe. Giờ thì mọi thứ dễ dàng hơn nhiều, chỉ có những kỷ niệm là tìm lại khó khăn.

Rồi đến khi tôi lên Đại học, nửa năm nhất trôi qua, tôi trở về, xe đưa vào tận cổng nhà. Con đường đất đỏ lấm lem ngày nào giờ đắp bê tông láng bóng, xe máy xe hơi đi lại tấp nập. Ngôi nhà của chúng tôi nhờ tiền chị gửi về cũng được sửa lại cho khang trang hơn. Năm ấy, chị tiếp tục không về, bởi trước đó vài tháng chị đã về rồi, nhưng tiếc tôi đi học xa nên không thể gặp mặt. Mẹ vẫn gói bánh chưng, ba mua một cành đào đặt trước hiên và một cây quất đặt bên chiếc tủ giữa nhà, hai trái dưa hấu đặt trên bàn thờ. Đó là tất cả những gì lúc nhỏ chị em tôi từng mong muốn, bỗng trở nên thật lạ lẫm ở trước mắt tôi.

Tết ấy, tôi chúi đầu vào laptop học tiếng Anh, vì biết vào học kỳ 2 rồi cũng sẽ bận biết bao nhiêu việc như học kỳ 1. Ba mẹ rủ tôi lên nhà bác chơi, tôi từ chối. Các bác xuống chơi, cũng chỉ tiếp cho qua chuyện. Một bác bảo với ba mẹ:

- Con bé khác quá rồi nhỉ, ngày nhỏ thấy tôi xuống chơi là quấn lấy đòi tiền lì xì. Cả chị con bé nữa, mà Tết năm nay chị con bé lại không về à?

Tôi chẳng rõ ba mẹ trả lời lại những gì, tự dưng trong lòng tôi nhớ đến lời chị năm tôi lớp 9: "Không khác thì trẻ con mãi sao, đến một ngày em cũng vậy thôi".      

Đến một ngày tôi cũng sẽ vậy ư?

Ảnh: thanhngutienganh.com

- Ê, mày, nghĩ gì mà chăm chú vậy? - Nhỏ Quỳnh lay vai tôi. Tôi thở hắt ra, lắc đầu bảo không có gì. Rồi hỏi nó:

- Mày có kiếm được việc gì làm không? Tao làm với.

- Làm ăn gì? Ngày mốt tao về, vé xe cũng đã đặt rồi. Làm cả đời chứ làm gì mấy ngày Tết.

- Sao mày nói chuyện giống mấy bà cụ non thế?

- Thì tao chỉ nói sự thật thôi.

- Không biết chị tao năm nay có về không?

- Sao mày không gọi điện hỏi?

- Tao cũng chẳng quan tâm lắm.

- Vậy cũng đừng hy vọng chị ấy quan tâm đến mày.

- Ừ, biết sao được. Ai cũng lớn hết rồi, có còn nhỏ nữa đâu.

- Bộ cứ lớn là hết quan tâm nhau ư?

- Ừ, tao thấy vậy đó. Năm nay ba mẹ có gọi tao về như năm ngoái nữa đâu. Cũng giống như dần dần họ không còn bảo chị tao về vào dịp Tết nữa.

- Mày có biết vì sao không? Là bởi chúng mình lớn rồi, nên họ không muốn ép buộc nữa. Họ tôn trọng quyết định của chúng ta.

- Họ nghĩ vậy hay mày tưởng tượng như thế?

- Tin hay không tùy mày thôi.

- Mày có thực sự 20 tuổi không đấy?

Quỳnh không trả lời, chỉ lườm tôi một cái rồi đi sắp xếp đồ đạc. Cái tính lúc nào cũng lo xa như vậy, tận bữa kia mới về kia mà. Đúng lúc đó tôi nhận được điện thoại của chị:

"Ba đổ bệnh phải vào bệnh viện, về ngay nhé!"

Tôi vơ đại vài bộ quần áo nhét vào balo rồi rời khỏi ký túc xá, chẳng kịp giải thích với Quỳnh nửa lời.

Ba bị suy nhược thần kinh, dù không quá nghiêm trọng nhưng nếu không chữa trị sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường về sau. Ba suy nhược thần kinh vì suy nghĩ quá nhiều, mẹ kể với chị em tôi, vì ba nghĩ chính ba là nguyên nhân làm gia đình trở nên như hiện tại. Tôi nhìn mẹ tỏ vẻ không hiểu, chị thở dài. Và rồi nỗi khúc mắc trong tôi bao năm cuối cùng cũng được hóa giải.

Vào năm chị lớp 10, sức khỏe của ba bị yếu đi trầm trọng và bác sĩ bảo ba không được làm việc nặng, phải tập trung nghỉ ngơi. Nhưng ba là trụ cột gia đình, phải làm sao khi kinh tế chỉ mình mẹ gánh lấy? Và chị đã quyết định thay ba nhận lại vai trò trụ cột ấy, chị nghỉ học, chấp nhận đi làm, chị đã lựa chọn cho tôi được tiếp tục con đường học vấn. Ba mẹ và chị đã sợ tôi lo nghĩ mà ảnh hưởng đến kết quả học tập, họ đã giấu đi mọi chuyện suốt bao năm, cho đến khi ba thực sự khỏi bệnh. Tôi chợt nhớ đến cái lắc đầu của mẹ, khi tôi bảo chị vô tâm. 

Khó khăn đi qua, nhưng guồng quay cuộc sống đã cuốn chị đi, không thể dứt ra được. Chị mở lời tâm sự, khi chỉ còn hai chị em với nhau.

- Chị đã nghĩ tiền là tất cả, chỉ cần tiền thôi là đủ. Cho đến khi nhận được điện thoại của mẹ ngày hôm nay, nhìn thấy ba nằm lặng yên trên giường bệnh, chị mới hiểu, có những thứ mà tiền không thể mua được, em biết nó là gì phải không?

Ảnh: ashleighmoneysaver.co.uk

Nước mắt chị rơi, tự dưng mắt tôi cũng ướt nhòa.

"Ba mẹ không mong mày chẳng lẽ mong con hàng xóm."

Tiếng thở dài cố nén lại của mẹ khi chị nói không về.

Tiếng ba vọng lại từ phía xa: “Về nhé con!” khi mẹ gọi điện hỏi tôi Tết năm nay có về không.

Cành đào và cây quất mà ba mẹ mua, kẹo socola và rau câu ba mẹ chuẩn bị, ba mở kênh MTV để xem,… 

Có lẽ tất cả chỉ để tìm lại không khí Tết ngày hai chúng tôi còn bé. Tình cảm ấy chưa bao giờ thay đổi, chỉ là chúng tôi đã đổi thay quá nhiều.

Qua khung cửa kính, hình ảnh ba nằm trên giường như găm sâu vào võng mạc, khắc sâu vào tận tâm trí tôi, để tôi tự nhắc mình không bao giờ được quên nó. Tôi tự hỏi, là thời gian đã khiến tôi thay đổi, hay chỉ là cái cớ cho sự vô tâm của bản thân? Là trưởng thành hay là vấp phải những lỗi lầm? Tôi không biết, chưa bao giờ biết. Chỉ biết rằng tôi muốn ở lại với ba mẹ, khi giờ đây tiết trời xuân trải dài trên từng hàng cây ngọn cỏ.

Đưa ánh mắt nhìn qua chị, ánh mắt chị như nhắc tôi đến một thời xa xưa lắm, để tôi biết rằng chị cũng có suy nghĩ như mình.

Author: CTV Bảo Thùy (Nguyễn Thị Minh)

News day