Dấu ấn Tổng thống Trump và gia đình trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên
Lu (Tổng hợp) 05/28/2017 01:00 PM
Ngày 20/5, sau hơn 90 ngày cầm quyền, ông chủ Nhà Trắng đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên lịch trình rất bận rộn kéo dài 8 ngày với 6 điểm dừng chân. Sau khi dừng chân tại điểm đến đầu tiên Arab Saudi, ông Trump cùng đoàn nội các của mình cùng vợ, vợ chồng con gái và con rể đã tới Israel, thăm tòa thánh Vatican và tới châu Âu.

Chuyến đi đã diễn ra thành công và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp những nơi gia đình ông đi qua. Lần đầu tiên, trong chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Mỹ có cả con gái và con rể tham gia cùng đoàn nội các.

Chuyến đi cũng có nét khác biệt lớn với những người tiền nhiệm khi Tổng thống Donald trump đã chọn các nước Arab Saudi, Israel và Palestine, Toà thánh Vatican - những thánh địa của những tôn giáo khác nhau cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình.

Chuyến đi cũng cho thấy sự thay đổi hoàn toàn tư tưởng của vị Tổng thống thứ 45 Mỹ, và khiến nhiều người bất ngờ. Hình ảnh ông Trump đung đưa theo các ca từ bằng tiếng Arab đêm 20/5, tham gia điệu nhảy với kiếm truyền thống của Arab Saudi, chắc hẳn nhiều người bất ngờ khi biết ông từng lên án nặng lời với Đạo Hồi, thậm chí ông còn thề cấm cửa tất cả người Hồi giáo vào nước Mỹ. Ít ai nghĩ rằng 4 tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phát biểu trước một khán phòng toàn các lãnh đạo Hồi giáo như buổi tiếp đón trong ngày 21/5 ở Saudi Arabia. Tại đây, ông đã tuyên bố Hồi giáo là một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới, đồng thời kêu gọi lãnh đạo các nước Hồi giáo chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Tổng thống Trump được đón tiếp nồng hậu tại Arab Saudi. Ảnh: Reuters

Bài phát biểu của ông Trump tại chặng dừng chân đầu tiên Saudi Arabia - đã khiến dư luận không khỏi bất ngờ khi thông điệp lớn gửi tới lãnh đạo hơn 50 quốc gia nơi đạo Hồi là tôn giáo chủ đạo, ông Trump đã ở gần hơn bao giờ hết với quan điểm chính thống về tầm ảnh hưởng của Mỹ ở nước ngoài, khác hoàn toàn với một người đàn ông từng tranh cử với giọng điệu nặng nề về an ninh và vai trò của Mỹ trên thế giới. Điểm đáng chú ý nhất là việc ông không hề nhắc tới là “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan”, thay vào đó, ông đã sử dụng một số cụm từ như “chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo”, hay “Hồi giáo” và “khủng bố Hồi giáo”. Thậm chí, ông còn khẳng định “đây không phải là một cuộc chiến giữa các nền văn minh, giữa các tôn giáo hay sắc tộc, mà là cuộc chiến giữa những tội phạm man rợ đang tìm cách phá hoại cuộc sống loài người với những con người đúng đắn, chính trực mà bất kể tôn giáo nào cũng đang tìm cách bảo vệ”.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên, những lời nói của một Tổng thống Trump và của ứng cử viên Tổng thống Trump hoàn toàn khác nhau. Trước đó, quan điểm của ông về một "NATO lỗi thời" hay Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ" cũng được ông nhìn nhận với con mắt khác khi trở thành Tổng thống.

Các phát ngôn khi tranh cử của ông tiếp tục được điều chỉnh khi ông đặt chân đến Israel ngày 22/5 sau khi rời Saudi Arabia, nơi ông nhận ra rằng chưa phải lúc phù hợp để chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem như cam kết.

Tổng thống Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters

Ngày 23/5, ngày cuối cùng trong chuyến thăm Trung Đông, Tổng thống Trump đã có cuộc gặp với lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas ở Bethlehem ở khu Bờ Tây. Qua chuyến thăm này, Trump muốn chứng tỏ với người Mỹ rằng ông ủng hộ mạnh mẽ Israel nhưng đồng thời cũng cần giữ Palestine ở lại thỏa thuận hòa bình, điều mà các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm chưa làm được.

Tổng thống Trump bắt tay lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas ở Bethlehem. Ảnh: Reuters

Sáng 24/5, Tổng thống Trump gặp Giáo hoàng Francis và có cuộc trò chuyện lần đầu tiên khoảng 20 phút tại Tòa thánh Vatican. Tại Rome, ông không nhắc lại cam kết cách đây một năm rằng Giáo Hoàng Francis “phải hổ thẹn” vì chỉ trích các kế hoạch của ông xây tường ngăn cách với Mexico. Trong cuộc gặp gỡ diễn ra thân thiện, Đức Giáo Hoàng Francis tặng Tổng Thống Trump một mề đay có khắc cành olive, biểu tượng quốc tế cho hòa bình và ba tập sách mà ngài viết về những vấn đề chính của thế giới ngày nay, kể cả vấn đề gia đình và môi trường. Ông Trump tặng lại cho Đức Giáo Hoàng một số món quà, gồm cả bộ sách toàn tập của Mục Sư Martin Luther King và một bức tượng điêu khắc bằng đồng và khẳng định với Đức Giáo Hoàng “sẽ không quên những gì ngài nói”.

Vợ chồng Tổng thống Donald Trump cùng con gái và con rể khi diện kiến Đức Giáo Hoàng Francis tại Tòa Thánh Vatican. Ảnh: AP

Điều đặc biệt trong chuyến đi của Tổng thống Trump là viếng thăm thánh địa của ba tôn giáo Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo trong cùng một chuyến đi, gặp gỡ hai vùng lãnh thổ xung đột lâu nay là Israel và Palestine như thông điệp mạnh mẽ sẽ mang tới hoà bình đến nơi đây.

Ngày 24/5, Tổng thống Donald Trump đã dừng chân tại thủ đô Brussels (Bỉ), có cuộc gặp Thủ tướng Bỉ Charles Michel. Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh giữa Mỹ và Bỉ cần tập trung vào cấp bách nhất hiện nay là sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, và các vấn đề nhạy cảm khác: như việc làm, quan hệ hợp tác kinh tế và tự do thương mại. Tổng thống Trump và phu nhân cũng đã gặp Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ khi tới Brussels.

Ông Trump gặp Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ khi tới Brussels. Ảnh: AFP

Brussels là điểm dừng đầu tiên ở châu Âu kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, và tham gia cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Brussels ngày 25/5. Tại trụ sở Liên minh châu Âu (EU), mặc dù trước khi vào cuộc họp chính thức, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đã đến lúc các quốc gia thành viên "đóng góp một cách sòng phẳng" và thực hiện nghĩa vụ của họ, nhưng ông cũng không dùng bất cứ từ ngữ nào nói về sự lạc hậu hay lỗi thời của liên minh quân sự này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels. Ảnh: CNN

Sau Bỉ, ông chủ Nhà Trắng tới Italy tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7), được tổ chức tại Sicily ngày 26 - 27/5. Tại đây, sau nhiều giờ thảo luận tại cuộc họp mà Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi là kịch tính và gây tranh cãi, chủ đề về biến đổi khí hậu đã không đạt được bước đột phá nào nếu không nói là bế tắc, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không đưa ra quan điểm ủng hộ hay phản đối thỏa thuận khí hậu Paris. Ngoại trừ việc không đạt được đột phá trong vấn đề khí hậu, Hội nghị  G7 tại Italy lần này lại đạt được sự đồng thuận về các biện pháp chống khủng bố và các nước cũng đang tiến gần đến việc tìm ra “ngôn ngữ chung” về thương mại.

Lãnh đạo các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới G7 tại Sicily. Ảnh: Reuters

Không thể phủ nhận, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump là cơ hội để các phát ngôn tranh cử đối mặt với thực tế của "công việc" Tổng thống: các thông điệp ngoại giao đối lập, các cấu trúc nghị định thư cứng nhắc, và có lẽ trên hết là việc kết bạn kiểu có đi có lại. Tiếp tục chuyến công du vùng Vịnh, Trung Đông và châu Âu, Tổng thống sẽ càng có thêm nhiều bài học thực tế trong bang giao chính trị.

Chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Trump cũng mang đậm dấu ấn gia đình, một thực tiễn rất hiếm khi thấy ở Mỹ.

Việc các Tổng thống Mỹ thường mang vợ con đi theo trong các chuyến công du nước ngoài là điều hiển nhiên nhưng trong chuyến công du của ông Trump, cả cô con gái Ivanka và chàng rể Jared đều đảm nhận các vai trò nhà nước trong các chuyến thăm. Ngoài Đệ nhất phu nhân Melania với các hoạt động trên vai trò của mình, như thăm bệnh viện nhi, tặng quà cho trẻ em thì cô con gái Ivanka và con rể Jared đều tham gia các công việc nhất định.

Ivanka Trump có cuộc gặp với các lãnh đạo Arab Saudi ở Riyadh hôm 20/5. Ảnh: New York Times

Tại Arab Saudi, Ivanka đại diện cho cha mình tại cuộc thảo luận bàn tròn với các nữ doanh nhân và Công chúa Reema bint Bandar, con gái của Hoàng tử Bandar bin Sultan, đại sứ Arab Saudi tại Mỹ giai đoạn 1983 - 2005.

Tối 21/5, tại một diễn đàn ở Arab Saudi thảo luận về chủ đề chống chủ nghĩa cực đoan, Ivanka Trump đã thay thế cho ông Trump, mà theo như Nhà Trắng là do ông mệt mỏi, không đến dự được, lên sân khấu phát biểu chào đón hàng trăm thính giả trẻ và giải thích mục đích của diễn đàn này.

Về phía chàng rể, tại Arab Saudi, Kushner đã tham dự hầu hết cuộc họp của ông Trump với hoàng gia Arab Saudi. Đồng thời, là một trong những cố vấn thân tín nhất của ông Trump trên lĩnh vực ngoại giao, Kushner đã trả lời phóng viên tại các cuộc họp báo, giúp thương lượng các thương vụ kinh doanh và vũ khí với Arab Saudi có tổng trị giá lên đến gần 400 tỷ USD. 

Jared Kushner (giữa) sát cánh bên Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Jerusalem hôm 22/5. Ảnh: Reuters

Tại Israel, ngày 22/5, Kushner cũng tháp tùng ông Trump khi ông có các cuộc hội đàm kéo dài nhiều giờ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Israel Reuven Rivlin, thảo luận cách thức đẩy mạnh nỗ lực xây dựng nền hòa bình ở Trung Đông. 

Trong chuyến viếng thăm và gặp Đức Giáo Hoàng Francis, một chặng dừng rất được quan tâm trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump, sau cuộc nói chuyện riêng với Tổng thống Trump trong thư phòng, Đức Giáo Hoàng cũng gặp Đệ nhất Phu nhân Melania và con gái cùng con rể của ông Trump là Ivanka và Jared Kushner.

Author: Lu (Tổng hợp)

News day