Lễ cầu mưa của người Thái ở Mộc Châu, Sơn La
“Một năm nọ, nơi này xảy ra hạn hán rất lâu, hoa màu, vạn vật đều bị chết khô. Vì vậy, bà con đã tụ tập lại, bàn nhau làm thế nào để có mưa xuống cho muôn loài được sinh sôi, nảy nở. Nhưng không có dòng họ nào dám đứng lên xin “Then” (trời) cho mưa xuống vì sợ Then phạt. Khi đó, một bà góa đã tình nguyện đứng ra làm người hi sinh, cùng thầy mo đi cầu mưa. Bà nói rằng nếu ông Then phạt, bắt phải chết, bà không lo sợ nữa, chỉ mong dân bản hãy làm lễ cúng cho bà hàng năm. Thương người đàn bà góa mà có tấm lòng vì bản mường, dân bản cùng nhau lập lễ cầu xin ông trời ban mưa. Từ đó, cứ đến ngày 15/2 âm lịch hàng năm, lễ hội “cầu mưa” được tổ chức.”. Đó chính là nguồn gốc lễ cầu mưa được các cụ già người Thái kể lại, còn lưu truyền đến ngày nay.
Lễ cầu mưa bắt đầu khi bà con trong bản tụ tập đông đủ, cùng thầy mo ra mó nước, xin gánh nước về làm lễ. Theo sau thầy mo và sính lễ là bà góa, bà xin nước đầu tiên, tiếp đến là đại diện dân bản. Lấy nước xong, đoàn trở về địa điểm tổ chức lễ hội, ở đó một người ngồi sẵn phía trên đại diện cho ông Then.
Nước lấy về được dựng quanh cây nêu. Thầy mo đọc bài cúng ông Then, cầu ông ban mưa xuống cho ruộng đồng cây cối tươi tốt. Cúng xong, ông Then sẽ tuyên bố ban nước cho dân làng rồi bưng chậu nước đi vòng quanh, vừa đi vừa vẩy nước vào dân làng ngồi dự lễ.
Lễ cầu mưa của đồng bào Lô Lô ở Mèo Vạc, Hà Giang
Lễ cầu mưa của đồng bào Lô Lô cần chuẩn bị cỗ bàn và vật tế lễ đầy đủ gồm một con gà trống, hai con chó, một thanh kiếm, một bát nước, bốn chén rượu, bốn ống hương bằng tre đặt bốn phía tượng trưng cho các phương trời. Trống đồng và đàn nhị cũng là những vật không thể thiếu.
Để cầu mưa thành công cần có thủ tục xin các thầy cúng tiền bối, vật cúng gồm hương, giấy trúc, chén nước. Thầy cúng thắp hương tại bàn thờ gia tiên, sau đó đặt giấy trúc, chén nước xuống một góc nhà và khấn xin. Sau đó ông bọc tờ giấy trúc lên chén nước, nếu nước trong chén không bị thấm hoặc đổ ra ngoài thì việc xin phép mới linh nghiệm và lễ cầu mưa mới thành công. Cuối cùng, thầy cúng đốt tờ giấy trúc, hoàn tất thủ tục.
Sau phần lễ, dân bản trong làng cùng quây quần uống rượu, múa hát xung quanh bàn lễ. Lúc này, những chàng trai, cô gái của dân tộc Lô Lô sẽ biểu diễn những làn điệu dân ca ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, hạnh phúc lứa đôi.
Lễ cầu mưa của người Ê-đê ở các tỉnh Tây Nguyên
Người Ê-đê làm lễ cầu mưa vào khoảng tháng 3 - 4 âm lịch. Lễ bắt đầu bằng việc dựng cây nêu và một chòi Pưk trên mảnh rẫy. Chòi Pưk có hai tầng, tầng trên thờ ông trời bà trời, tầng dưới là kho lúa tượng trưng cho sự no đủ với một ít lúa bên trong. Dưới chân chòi đặt tượng thần Ác - người xui khiến chim thú vào phá rẫy khiến dân làng phải sống trong cảnh đói nghèo.
Thầy cúng mở đầu nghi thức cúng với lời khấn cầu yang trời, yang đất, thần mưa đổ nước xuống cho dân làng. Rồi thầy cầm bát rượu pha tiết heo vẩy vào các gùi lúa, công cụ lao động và đất rẫy để mời các thần cùng dùng rượu. Mọi người cùng reo hò, thể hiện sự đồng tình và quyết tâm bước vào mùa rẫy mới.
Thầy cúng tiếp tục về bàn cúng, nâng chén rượu, cầu khấn và vẩy rượu, sau đó chủ buôn và lần lượt dân làng được thầy mời ăn thịt, uống rượu. Lễ cầu mưa của người Ê-đê còn có thêm nghi thức bắt tổ ong lấy mật, chặt đầu thần Ác, nghi thức chọc lỗ, gieo hạt và tưới nước cùng múa hát trong tiếng cồng chiêng rộn rã.
Lễ cầu mưa của dân tộc Chăm H’roi tỉnh Bình Định
Các lễ cầu mưa của các dân tộc thường được tổ chức theo bản làng. Riêng đồng bào Chăm H’roi có thể làm lễ riêng ở trên rẫy của mình theo từng hộ dân hoặc cả làng làm chung một lễ. Dân làng chọn một người uy tín mặc trang phục truyền thống tượng trưng cho người của Yàng (còn gọi là Oi quai) xuống nghe lời khấn nguyện. Thầy cúng khấn xong, dùng hai đồng tiền xu gieo quẻ, hai đồng xu đều cùng sấp hoặc cùng ngửa có nghĩa Yàng chưa đồng ý, phải khấn đến khi hai đồng tiền một sấp một ngửa. Khi đó Oi quai đứng trên đài sẽ tung gạo, phun mưa. Người Chăm H’roi chỉ cầu vừa đủ, không cầu nhiều vì sợ các thần sẽ nổi giận với lòng tham.
Những người phụ nữ sẽ cầm những bó nan vuốt vào không khí tạo nên âm thanh của gió, đàn ông gõ trống, nổi cồng chiêng lên tạo nên âm thanh của sấm chớp, già làng hô vang kêu gọi dân làng hãy nổi cồng chiêng chào đón những cơn mưa to mà Yàng cho. Các thiếu nữ Chăm bắt đầu múa điệu truyền thống quanh đội cồng chiêng, mở đầu cho phần hội tưng bừng, vui vẻ.
Mỗi lễ hội một màu vẻ, một đặc trưng, thể hiện được bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc, từng vùng miền. Vậy mới biết đất nước Việt Nam thật giàu những nét đẹp truyền thống!
“Ban Mê tôi đó” – Những hình ảnh đẹp về…
Nét đặc trưng trong văn hóa giao tiếp của người…
Đôi nét về chế độ mẫu hệ ở vùng đất…
Sự ra đời bảy nốt nhạc cơ bản - Cuộc…
Quá khứ bí ẩn của thần lùn giữ của
Erutan và những khúc ca cổ tích
Âm nhạc của Hồ Tiến Đạt: Một nốt bâng khuâng
Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ trong các nghi lễ…
Độc đáo dân ca các dân tộc miền núi phía…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX