EU tăng cường trừng phạt Nga vì nhập lậu tua bin khí vào Crimea
Anh Nguyên 08/05/2017 07:30 AM
Ngày 4/8, Ủy ban châu Âu (EC) vừa quyết định mở rộng trừng phạt chống Nga sau vụ nhiều tua bin khí của Tập đoàn Siemens, Đức bị nhập khẩu trái phép vào bán đảo Crimea, khu vực vốn đang chịu các lệnh trừng phạt của EU, sau khi sáp nhập trở lại Nga.

Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định bổ sung vào danh sách đen thêm 3 công ty Nga, cùng 3 cá nhân là Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Andrey Cherezov, lãnh đạo phòng kiểm soát điện quốc gia Evgeniy Grabchak, cũng như giám đốc điều hành công ty quốc doanh Technopromexport, Sergey Topor-Gilka do liên quan đến việc đưa các tua bin khí của Tập đoàn Siemens đến bán đảo Crimea.

EU tăng cường trừng phạt Nga vì nhập lậu tua bin của Siemens vào Crimea. Ảnh: ABC

Trong số 3 công ty bị liệt vào danh sách trừng phạt có 2 công ty của Siemens thực hiện hợp đồng thầu đưa các tua bin khí tới Crimea. 

Theo thông cáo từ EU cho hay: “Việc tạo ra sự độc lập trong năng lượng cho Crimea và Sevastopol, đồng nghĩa với việc ủng hộ vùng lãnh thổ này tách rời khỏi Ukraine. Tua bin khí là một nhân tố quan trọng trong việc xây dựng các nhà máy năng lượng ở Crimea. Đây là hành động đe dọa tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Các nước phương Tây không được phép làm ăn với Crimea, khu vực nằm trong lệnh trừng phạt của Mỹ và EU do đồng ý sáp nhập vào Nga hồi năm 2014.

Tháng 7 vừa qua, Đức đã yêu cầu EU đưa thêm 4 cá nhân và công ty của Nga vào danh sách trừng phạt liên quan tới việc 4 tua bin khí do hãng Siemens sản xuất, được lên kế hoạch sử dụng cho dự án ở Taman, nhưng lại bị vận chuyển trái phép đến Crimea bởi một nhà thầu của Nga. Taman là một bán đảo ở vùng Krasnodar và không xa với Crimea.

Trước đó, Siemens thông báo 4 tua bin khí, vốn được bàn giao cho một dự án ở miền Nam nước Nga, đã được chuyển tới Crimea trong mùa hè năm 2016. Hành động này bị coi là vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng giao nhận của tập đoàn cũng như các quy định của EU. Sau đó, Siemens đã đề nghị được mua lại các tua bin như hành động chứng minh họ không liên quan đến việc buôn lậu nó sang Crimea. Công ty này cũng có kế hoạch chấm dứt các hợp đồng nhượng bản quyền sản xuất hay ngừng bàn giao thêm các tua bin mới cho các doanh nghiệp nhà nước Nga. Ngày 21/7 vừa qua, Tập đoàn công nghiệp Siemens của Đức tuyên bố sẽ rút khỏi công ty liên doanh Interautomatika của Nga do bất đồng liên quan tới vấn đề này, đồng thời phong tỏa việc giao nhận thiết bị sản xuất điện cho các công ty nhà nước của Nga.

Năng lượng là vấn đề Crimea luôn phụ thuộc vào Ukraine. Ảnh: Reuters

Vì vậy, một số quan chức Bộ Năng lượng Nga và công ty đứng ra chịu trách nhiệm vận chuyển các tua bin khí trên tới Crimea đã bị đề nghị bổ sung vào danh sách trừng phạt.

Mặc dù đã sáp nhập vào Nga được 3 năm nhưng Crimea vẫn đối mặt với các vấn đề về điện do trước đây năng lượng của bán đảo này phụ thuộc vào Ukraine. Vào tháng 11/2015, Crimea đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi 4 đường dây cung cấp điện từ Ukraine đến bán đảo này phát nổ, dẫn đến mất điện cục bộ. 

Author: Anh Nguyên

News day