Hội đồng Bảo an chia rẽ vì Iran
CTV Sam Sam (Lương Thu Trang) 01/06/2018 01:30 PM
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức phiên họp khẩn cấp trong ngày 5/1 vào 15 giờ (giờ Mỹ) để thảo luận về làn sóng biểu tình tại Iran.

Đã có 21 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị bắt giữ trong các vụ biểu tình phản đối và ủng hộ Chính phủ Iran diễn ra trên cả nước trong suốt mấy ngày qua ở quốc gia Trung Đông.

Kazakhstan, nước đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), cho biết theo đề nghị của Mỹ, ngày 5/1, Hội đồng Bảo an đã tiến hành phiên họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình này.

Mỹ đề nghị Hội đồng Bảo an họp khẩn thảo luận về làn sóng biểu tình ở Iran. Ảnh: AFP

Tuy nhiên cuộc họp diễn ra trong không khí bị chia rẽ và không đưa ra được bất kỳ tuyên bố chung nào.

Suốt cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley chỉ nói về biểu tình Iran với đại ý ủng hộ người biểu tình chống Chính phủ. Bà lập luận rằng những cuộc biểu tình cả chống và ủng hộ Chính phủ kéo dài 1 tuần qua tại Iran có thể biến thành một cuộc xung đột toàn diện, giống như ở Syria. Bà Haley kêu gọi Chính phủ Iran ngừng kiểm duyệt tiếng nói của công chúng Iran và khôi phục quyền truy cập Internet của người dân.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc - vốn ít khi bàn về các cuộc biểu tình chính trị tại khuôn khổ Liên Hợp Quốc - dẫn đầu một nhóm nước tỏ quan điểm rằng cuộc biểu tình là chuyện nội bộ Iran và không đe dọa đến an ninh quốc tế và không nên can thiệp. Đại sứ Nga cũng cho rằng cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an là âm mưu nhằm lợi dụng tình hình rối ren tại Iran để phá hỏng thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cả phe phản đối và ủng hộ Chính phủ Iran đều tổ chức biểu tình khắp cả nước. Ảnh: AFP

Về phần mình, Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc, ông Khoshroo chỉ trích việc Mỹ yêu cầu Hội đồng Bảo an nhóm họp về các cuộc biểu tình tại Iran là "hành động lạm dụng quyền lực của một Ủy viên thường trực" và là sự “mất uy tín” đối với Hội đồng Bảo an khi can thiệp vào chuyện nội bộ của một quốc gia trong bối cảnh xung đột xảy ra tại Yemen và các nơi khác ở Trung Đông.

Đại sứ Khoshroo cũng cho biết Chính phủ Iran có những "bằng chứng rõ rệt" cho thấy các cuộc biểu tình gần đây tại Iran "rõ ràng là được chỉ đạo từ nước ngoài", cụ thể là cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Mỹ trở nên bối rối hơn khi các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng bẻ trọng tâm cuộc họp từ biểu tình Iran sang nói về thỏa thuận hạt nhân. Hầu hết đại diện các nước tham dự cuộc họp đều chỉ trích bạo lực biểu tình, kêu gọi Chính phủ Iran kiềm chế với người biểu tình. Tuy nhiên nhiều nước - trong đó có cả các đồng minh của Mỹ như Pháp và Anh - đã xem cuộc họp như một cơ hội lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran và nhóm P5+1.

Kết lại quan điểm của HĐBA, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị Tayé-Brook Zerihoun cho biết HĐBA sẽ tiếp tục theo dõi biểu tình, kết nối Chính phủ Iran, giải quyết các yêu cầu hợp pháp của người dân Iran thông qua các biện pháp hòa bình.

Author: CTV Sam Sam (Lương Thu Trang)

News day