Hướng giải quyết mới trong xung đột trên bán đảo Triều Tiên: Hội thảo không chính thức giữa Mỹ - Triều Tiên
Lu 05/10/2017 10:30 AM
Trong khi mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đang diễn ra vô cùng căng thẳng trong vấn đề hạt nhân thì mới đây 2 nước đã có cuộc họp kín tại Na Uy. Cuộc họp giữa quan chức Mỹ với Triều Tiên được tổ chức mang tính chất bí mật trong hai ngày 8 - 9/5, không liên quan tới chính quyền của ông Trump.

Các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức của Mỹ và Triều Tiên đã tổ chức đàm phán “không chính thức” kéo dài trong 2 ngày, bắt đầu từ ngày 8/5 tại Thủ đô Olso của Na Uy, trong vòng đàm phán đầu tiên (còn được gọi là Track 1.5) trong năm 2017. 

Ngày 7/5, người chịu trách nhiệm các vấn đề nước Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, bà Choe Son-hui đã tới châu Âu qua đường Bắc Kinh để gặp các cựu quan chức Mỹ không rõ danh tính. Được biết, dẫn đầu phái đoàn Mỹ là bà Suzanne DiMaggio - Giám đốc kiêm nghiên cứu viên cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách New America, ngoài ra, một số báo cáo đưa tin cựu thương thuyết gia Robert Gallucci có khả năng tham gia cuộc đàm phán này.

Phái viên cấp cao của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui. Ảnh: Yonhap

Đây là lần đầu tiên diễn ra kiểu đối thoại như vậy giữa hai bên kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, trùng với thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc. Truyền thông đưa tin hai bên dự kiến thảo luận về các vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên cũng như các mối quan hệ song phương trong tương lai giữa Washington và Bình Nhưỡng, với trọng tâm là những yêu cầu mà Triều Tiên sẽ đưa ra khi ông Trump bày tỏ sẵn sàng tổ chức đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Ban đầu, bà Choe dự kiến ​​sẽ tới thành phố New York, Mỹ để tham gia các cuộc đàm phán không chính thức với các cựu quan chức và chuyên gia Mỹ vào đầu tháng 3 nhưng chuyến đi đã bị hoãn lại do Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cấp thị thực cho đặc phái Triều Tiên này vào phút chót.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định các cuộc gặp như vậy diễn ra thường xuyên trong các lĩnh vực đáng quan tâm khác và cuộc họp lần này không liên quan đến chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, đứng từ quan điểm của chính quyền Trump, các cuộc đàm phán không chính thức sẽ là cơ hội để khám phá bất cứ khả năng nào liên quan đến việc Bình Nhưỡng trở lại đàm phán về phi hạt nhân. 

Sự sẵn sàng đàm phán của Triều Tiên có thể cho thấy Bình Nhưỡng đang có kế hoạch tránh các hành động khiêu khích mạnh mẽ trong tuần này giữa lúc Hàn Quốc tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống trong ngày 9/5.

Việc thực hiện cuộc gặp trực tiếp giữa quan chức và cựu quan chức hai nước Mỹ và Triều Tiên cũng cho thấy những nỗ lực tự thân của Washington trong việc kiềm chế để làm giảm căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Từ thái độ gay gắt, với các tuyên bố căng thẳng về quân sự, gần đây Washington đang để ngỏ nhiều cánh cửa hơn bằng các biện pháp đối thoại đối với Bình Nhưỡng. Tháng trước, sau khi tuyên bố khả năng về một cuộc xung đột lớn với Triều Tiên, song ông chủ Tòa Bạch Ốc cũng lên tiếng sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong điều kiện phù hợp. 

Trong khi đó, ngày 8/5, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã bác bỏ thông tin rằng Bình Nhưỡng đang cố tìm cách đàm phán với Washington, đồng thời khẳng định các cuộc đối thoại nói trên không liên quan đến chính sách của Hàn Quốc.

Cùng ngày, theo các nguồn tin ngoại giao, chính quyền Mỹ cho biết ông Trump sẵn sàng hoan nghênh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một cuộc gặp tại Mỹ, tiến hành các cuộc đàm phán chính thức với Mỹ, nếu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí gây tranh cãi của mình. Ý tưởng này là một phần trong hàng loạt đề xuất mà Mỹ đưa ra, trong đó có tấn công quân sự. Trong các cuộc thảo luận gần đây với giới chức Trung Quốc, nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ để ngỏ cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng để tìm kiếm phương án giải quyết hiệu quả nhất.

Cuộc gặp gỡ mở ra cơ hội đàm phán giữa hai nước Mỹ và Tiều Tiên trong xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Getty

Theo các nguồn tin, chính quyền ông Trump cũng nói thêm họ sẽ không sử dụng hành động quân sự và sẽ bảo đảm an ninh cho chính quyền ông Kim Jong-un nếu chương trình vũ khí hạt nhân bị hủy bỏ.

Trong năm 2016, các quan chức Triều Tiên cũng đã có cuộc gặp không chính thức với các chuyên gia Mỹ tại Geneva - Thụy Sĩ và Malaysia.

Author: Lu

News day