Cách kẻ xấu giả danh người của chính phủ, của công ty điện nước, của Sở Thuế, của ngân hàng, thậm chí là cảnh sát, FBI, gọi điện thoại đến cửa tiệm để yêu cầu chủ nhân thương mại thực hiện điều này điều khác hòng chiếm đoạt tiền của, vốn không phải là điều mới mẻ trong cộng đồng người Việt nói riêng, ở khắp nơi trên thế giới nói chung. Tuy nhiên, vẫn có người trở thành nạn nhân của bọn người này trong một thoáng “mất bình tĩnh, lo lắng.”
Chính vì lẽ đó, nên lời “báo động” của người chủ tiệm nail trên vẫn có tác dụng đối với nhiều người.
Liên quan đến “live stream” trên Facebook, chị Sandy, người đã làm trong nghề nail hơn 20 năm, kể qua điện thoại với phóng viên Người Việt, “Hôm đó, có một người đàn ông, giọng nói giống như người Trung Đông, gọi đến tiệm của tôi nói rằng ‘1 giờ trưa mai state board New York sẽ xuống tiệm kiểm tra về vấn đề chứng chỉ hành nghề, về vệ sinh, và thợ đang làm việc.”
“Đồng thời ông ta yêu cầu tôi phải đóng trước lệ phí $5 bằng thẻ tín dụng,” cũng theo lời chị Sandy.
Kinh nghiệm học hỏi từ những vụ lường gạt thường thấy người khác đưa lên Facebook khiến chị Sandy “cảnh giác.” Thế nên chị nêu ngay điều mình thắc mắc, “Tại sao ông từ state board gọi đến mà không thấy số điện thoại hiện lên, chỉ có chữ ‘Unknown’ thôi vậy?”
“Người đàn ông trả lời là chính phủ làm việc không cần phải ‘show up’ số điện thoại. Tôi hỏi tiếp, tôi ở Mỹ gần 30 năm, đi làm nail hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ nghe có chuyện state board xuống kiểm tra mà lại báo trước. Báo trước làm sao mà phạt?,” chị tiếp tục truy vấn. “Ổng nói luật của state board New York đã thay đổi.”
Người chủ tiệm lại hỏi, “Tại sao có chuyện đóng $5 bằng thẻ tín dụng? Nếu là chi phí tiền xăng nhớt thì từ trên New York xuống đến tiệm tôi phải hơn 2 tiếng lái xe, rồi công cán mà sao đóng có $5?”
Chị tiếp luôn, “Ông làm tôi thấy khó hiểu quá. Tôi nghi ngờ ông là kẻ giả mạo.”
Nghe chị Sandy nói vậy, người đàn ông tắt phone.
Tuy nhiên, theo lời chị Sandy, “khoảng 5 phút sau, một người phụ nữ khác gọi đến, có số điện thoại hiện lên, hỏi ‘sao người của state board gọi báo ngày mai đến kiểm tra và yêu cầu đóng $5 mà sao bà không chịu?’ Tôi trả lời liền vì tôi thấy điều đó bất thường, tôi nghi ông ta giả mạo. Nghe tôi nói xong, bà đó cũng cúp phone,” người chủ tiệm nail kể tiếp.
Chị Sandy gọi ngược lại số phone của người phụ nữ thì được báo “số điện thoại đó không còn sử dụng.”
Thấy chuyện bất thường, chị gọi điện thoại cho một số tiệm nail trong vùng để hỏi thăm, thì được biết ai cũng nhận được cuộc gọi như vậy, nhưng giờ hẹn xuống kiểm tra khác nhau.
“Trong đó có tiệm D.N trong Walmart, bà chủ tiệm nói họ báo 3 giờ xuống và em trai bả đã đóng cho họ $5 rồi,” chị Sandy kể.
Ngày hôm sau, chị nhận được điện thoại từ bà chủ của tiệm D.N gọi đến nói cho biết “em trai bả kiểm tra lại tài khoản ngân hàng, thấy rằng kẻ đó đã rút của bả hết $300 chứ không phải chỉ $5.”
“Bả hỏi tôi có bị mất tiền không, tôi nói không, vì tôi không có đóng, tôi nghi chúng lừa đảo,” chị nhớ lại. “Mà quả thật là chẳng có ai xuống kiểm tra tiệm nào hết,” chị nói thêm.
“Gần 30 năm ở Mỹ, tôi chỉ thường vào xem các kiểu cách người Việt lừa gạt để đề phòng, chứ không ngờ là tụi Mỹ cũng lừa y chang như vậy. Đó cũng chính là lý do tôi thấy mình cần phải ‘báo động’ cho mọi người khắp nơi biết để mà đề phòng,” chị Sandy bày tỏ.
Nhiều người cũng là nạn nhân
Xem câu chuyện của chị Sandy, Phong Vũ, hiện làm nail ở Wichita Falls, Texas, cho biết, “Tiệm tôi cũng bị cách đây một tháng. Lúc nó gọi đến cũng nói y như nói với chị Sandy. Tôi thắc mắc tại sao có vụ gọi báo trước như vậy. Rồi nó cũng bắt tôi đóng $5. Tôi nói thẳng tại sao tôi phải trả tiền cho ông, thế là nó cúp máy ngang luôn.”
“Thành phố tôi ở là một thành phố rất nhỏ mà cũng bị lừa đảo, anh chị em hãy cẩn thận,” anh Phong nói thêm.
Không may mắn như chị Sandy hay anh Phong, chị Mai Lê ở Tampa, Florida đã thực sự là nạn nhân của bọn lừa đảo.
Chị thừa nhận, “Tôi cũng bị gạt rồi đây! Nó lấy hai lần tiền hết $800, đến khi ngân hàng gọi lại mới biết mình bị gạt. Tụi nó gọi đến nói mình trả tiền điện trễ, không trả liền nó cúp điện. Ông xã nghe sợ quá! Thế là đọc liền số thẻ tín dụng cho nó lấy. Thiệt là ngốc mà.”
Nạn nhân tương tự là chị Joy Tuyết Trần ở Atlanta, Georgia. Chị cho biết, “Tôi cũng bị luôn. Nó gọi đến bảo là tôi chưa trả tiền điện $150. Hôm đó lại ngay ngày Thứ Sáu, sợ không trả liền bị cúp điện, nên tôi đọc thẻ trả cho nó ngay. Thế nhưng nó ‘dớt’ của tôi $1,000 luôn.”
Anh Danny Nguyễn chủ tiệm nail ở Broussard, Louisiana, nói về trường hợp của mình, “Tôi cũng gặp chuyện này cách đây vài tháng. Tụi nó thường gọi vào khoảng vài ba người xưng là người bên điện lực, nói tiệm thiếu tiền điện ba tháng rồi, và cho 10 phút để trả, không họ sẽ cúp điện. Trong lúc tôi nói chuyện, tôi nghe tụi nó đóng giả như thiệt, nghĩ là mình nghe bên đầu dây kia tụi nó làm như bận rộn lao xao lắm, nào là tiếng phone reng, tiếng gõ vi tính…”
“Thoạt đầu thật sự tôi cũng nghĩ tụi nó là thiệt và mất bình tĩnh. Mà tụi nó cũng chỉ gạt được mình trong vài phút mất bình tĩnh, lo lắng đó thôi. Nhưng may mắn là chỉ sau vài phút tôi bình tĩnh suy nghĩ lại, và tỉnh táo nhận ra đây là trò lừa đảo,” anh Danny kể.
Người “xém” là nạn nhân khuyên, “Tôi chỉ xin góp ý là với những trường hợp này mọi người hãy bình tĩnh, tỉnh táo. Đừng bao giờ nói ‘yes’ gì với tụi nó, không đưa bất kì thông tin cá nhân nào của mình cho tụi nó. Hãy liên hệ cảnh sát địa phương xin giúp đỡ.”
Không ăn được thì phá
“Live stream” về vụ lừa gạt mà chị Sandy Huỳnh ở New York được thực hiện từ Tháng Hai, 2017, với hơn 61 ngàn lượt người xem. Tuy nhiên, đến ngày 27 Tháng Năm, tức hơn ba tháng sau khi sự việc xảy ra, câu chuyện của chị được một facebooker chuyên về ngành nail chia sẻ, khiến lượng người xem tăng vọt, số người share cũng lên đến 7,800.
Thế nên, chị Sandy cho rằng, “Hình như tụi lừa đảo đó biết, nên chỉ một ngày sau, tụi nó đã gọi điện thoại liên tục đến tiệm của tôi để hăm dọa, chửi bới.”
Theo lời chị, thoạt đầu khi có điện thoại gọi tới, chị cứ ngỡ là khách hẹn, vì “tiệm của tôi trên núi nên sóng điện thoại khi nghe được khi không, thành ra cứ nghe reng thì mình ngỡ là khách. Nhưng tụi nó cứ gọi đến rồi im, không nói gì. Tụi nó gọi liên tục như vậy nhiều cuộc. Sau đó thì mới chửi, hăm dọa nói rằng tôi phá chuyện làm ăn của tụi nó, tụi nó sẽ cho người giết tôi.”
“Tôi sống ở đây lâu nên quen rồi, tôi không có sợ lời của tụi nó. Tôi lại làm một live stream khác thách thức tụi nó, nói tụi bây có ngon thì bỏ ra mỗi ngày 9-10 tiếng để làm việc như tụi tôi để kiếm tiền chứ đừng đi lường gạt, có giỏi thì đến đây. Rồi tôi báo cảnh sát. Nhưng mà cảnh sát kêu tôi gỡ ‘live stream’ đó xuống để cho cảnh sát làm việc,” chị cho biết.
Như đã nói, những cách thức mà bọn lừa gạt sử dụng như trên không là mới, nhưng, đúng như anh Danny nhận xét, “tụi nó cũng chỉ gạt được mình trong vài phút mất bình tĩnh, lo lắng đó thôi.” Và nhiều lần các cơ quan chính phủ cũng đã gửi ra các thông cáo báo chí nhắc nhở mọi người về việc: không có bất kỳ cơ quan chính phủ nào tự động gọi điện thoại đến cho quý vị để yêu cầu đóng bất kỳ khoản lệ phí nào. Mọi liên lạc đều thể hiện qua thư từ.
Do đó, hãy thật cảnh giác để không là trở thành nạn nhân của kẻ bất lương.
Ngày Thánh Mẫu 2018 – Lần Thứ 41 tại Missouri
Vụ nữ sinh gốc Việt mất tích tại Pháp: Nghi…
Các chủ tiệm nail Việt sẽ làm gì nếu khách…
Ba mẹ con gốc Việt thiệt mạng trong vụ cháy…
Sinh viên Việt Nam đầu thú sau khi giết bạn…
Hội nghị an ninh cộng đồng tại Odessa
Tình bạn giữa chàng trai Thái Lan và nữ nhân…
Australia bắt 17 người Việt vượt biên trái phép
Đại Sứ Ngô Đức Mạnh: Quan hệ Việt - Nga…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX