Kazumi Yumoto sinh năm 1959 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản và theo học khoa sáng tác tại Đại học Âm nhạc Tokyo. Các tác phẩm của bà đã được xuất bản ở Việt Nam bao gồm cuốn tiểu thuyết đầu tay “Khu vườn mùa hạ”, “Mùa thu của cây dương” và mới đây nhất là “Organ mùa xuân” (xuất bản tháng 6 năm 2016). Mỗi tác phẩm là một bức tranh, một bài thơ, một giai điệu dịu dàng sâu lắng đi vào lòng người đọc. Kazumi Yumoto viết truyện cho thiếu nhi, nhưng bất cứ người lớn nào cũng có thể tìm thấy bóng dáng bản thân mình trong đó. Ở những câu chuyện của bà, ta tìm thấy chất đời chân thực và trần trụi hòa quyện cùng chất thơ lãng mạn, bay bổng.
Điểm chung dễ dàng nhận thấy trong các tiểu thuyết của Kazumi Yumoto là sự xuất hiện của những đứa trẻ và những ông bà cụ. Tưởng như đó là một sự kết hợp trái khoáy – thế hệ vừa được sinh ra trên cuộc đời, còn khỏe khoắn, đầy hiếu động và thế hệ đã gần đất xa trời, đã đi qua cả một đời người, chứng kiến bao đổi thay của xã hội. Nhưng điều đó hóa ra lại rất dễ hiểu. Cả trẻ con và người già đều là những kẻ cô đơn, mang trong mình nhiều tâm sự thầm kín. Những đứa trẻ còn chưa hiểu sự đời đã phải gánh chịu tổn thương, không biết chia sẻ cùng ai bởi cha mẹ luôn luôn bận bịu chuyện cơm áo gạo tiền. Còn những người già cả lại cần biết bao một luồng sinh khí tươi mát thổi vào cuộc sống đang ngày một cằn cỗi đi của họ...
Đọc truyện Kazumi Yumoto, ta tìm thấy những cô cậu bé lớn sớm, có phần già dặn hơn tuổi. Đó là cậu trai chín chắn và hay tò mò Kiyama trong “Khu vườn mùa hạ”, là Chiaki nhạy cảm vì thiếu vắng yêu thương trong “Mùa thu của cây dương” hay Tomomi vừa cứng cáp, bản lĩnh vừa rất yếu đuối. Cô bé Chiaki mới mất cha tựa một chú nhím nhỏ xù lông với cuộc đời, còn Tomomi lại luôn luôn suy nghĩ vì bố mẹ cứ cãi vã, li thân liên tục. Bởi vậy mà chúng cần một người bạn tâm giao, và khi đó những người già xuất hiện.
Ta cũng dễ dàng gặp được những người già mang tâm hồn trẻ thơ như ông cụ có khu vườn xanh mướt, bà chủ nhà trọ với ý tưởng đưa thư lên thiên đường, bà lão sống một mình mỗi ngày đều nấu thức ăn mang cho đám mèo hoang. Đối với họ, chỉ vài điều vừa mới xảy ra là còn rõ nét. Có lẽ thời thơ ấu là một thứ gì quá đỗi xa vời, đã mờ nhòa trong tâm trí họ. Vì vậy, khi đám trẻ xuất hiện, họ ngỡ ngàng tìm lại được phần ấu thơ vẫn ngủ yên bấy lâu nơi đáy tâm hồn. Như gặp được ánh mặt trời, họ tươi vui hơn, yêu đời hơn, họ sống tiếp quãng thời gian còn lại trong niềm hạnh phúc. Bù lại, những đứa trẻ tìm được người sẻ chia tâm sự cũng dần dần mở lòng với thế giới. Đó là điều đẹp đẽ nhất trong tiểu thuyết Kazumi Yumoto: lòng tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng, dù cho ngày hôm nay có bao nhiêu nước mắt, buồn đau.
Văn Kazumi Yumoto êm ả như dòng suối chảy vào lòng người đọc. Góc nhìn luôn là của những đứa trẻ, lối dẫn chuyện mạch lạc, tự nhiên. Mỗi hình ảnh, chi tiết đều bình dị như chính cuộc sống đời thường: những túi hạt giống xếp đều đặn trên cái giá cũ của cửa hàng, chiếc bánh đậu Đại Phúc, chiếc xe đạp cũ kĩ rỉ sét, cây dương vàng ươm và đàn mèo hoang trụi lông, xấu xí, bẩn thỉu...
Đọc tiểu thuyết của Kazumi Yumoto để nhớ lại một thời tuổi thơ tươi đẹp, lắm nỗi buồn nhưng cũng nhiều mộng mơ, một thời chúng ta đều vô tư, trong sáng. Đọc để lắng lại giữa dòng đời vội vã, để nghe sống mũi cay cay...
“Ban Mê tôi đó” – Những hình ảnh đẹp về…
Nét đặc trưng trong văn hóa giao tiếp của người…
Đôi nét về chế độ mẫu hệ ở vùng đất…
Sự ra đời bảy nốt nhạc cơ bản - Cuộc…
Quá khứ bí ẩn của thần lùn giữ của
Erutan và những khúc ca cổ tích
Âm nhạc của Hồ Tiến Đạt: Một nốt bâng khuâng
Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ trong các nghi lễ…
Độc đáo dân ca các dân tộc miền núi phía…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX