Liệu Nhật Bản có trở thành mô hình cho các nước giàu?
Vương Tiến 10/29/2017 04:30 PM
Trang kinh tế của tờ Le Figaro có bài nhận định về Nhật Bản, nền kinh tế thứ ba thế giới luôn luôn đi đầu đối mặt với các thách thức. Le Figaro đặt câu hỏi: "Liệu Nhật Bản có trở thành mô hình đối với các nước giàu?".

Theo tờ báo, cho đến nay, các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, khi đánh giá về Nhật Bản, vẫn không có được một thái độ điềm tĩnh, vừa ghen tị thèm muốn, vừa chỉ trích.

Thực ra, mối ám ảnh của phương Tây về Nhật Bản không có gì là mới, các thành công của xứ hoa anh đào luôn gây lo ngại.

Le Figaro cho rằng, mối sợ hãi này không có cơ sở. Sở dĩ Nhật Bản có được các thành công nói trên là do nước này đã phải đối mặt và xử lý thành công các thách thức to lớn, trước các nước phương Tây cả chục năm. Ví dụ tình trạng đồng yên cao giá trong suốt những năm 1980, khủng hoảng tài chính 1998, khủng hoảng ngân sách và nợ công trong những năm 2000 và từ năm 2011 là thảm họa Fukushima.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Ảnh: vneconomy.vn

Theo kinh tế gia Hajime Takata, thuộc Viện Nghiên Cứu Mizuho, "Nhật Bản đã trải qua tất cả các thách thức mà thế giới hiện nay đang phải đối mặt".

Để xử lý được các thách thức, Nhật Bản đã phải tiến hành cải cách sâu rộng lĩnh vực ngân hàng, nhờ vậy, kinh tế nước này không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tờ Le Figaro cho biết thêm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đi đầu trong việc áp dụng các biện pháp "phi truyền thống" để chống lại tình trạng giảm phát (deflation), trước cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Ngân hàng Nhật Bản có tỷ lệ mua công trái do Nhà nước phát hành cao nhất thế giới với tỷ lệ cao tới 26%.

Cho dù Nhật Bản có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới, tương đương 250% tổng sản phẩm quốc nội (PIB), nhưng điều này không gây nguy hiểm cho nền kinh tế vì toàn bộ chủ nợ là tác nhân Nhật. BOJ cũng là ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới, vào năm 2001, đã áp dụng lãi suất cho vay 0%.

Chuyên gia Hajime Takata nhấn mạnh: Nhật Bản dẫn đầu thế giới trong việc đưa ra các giải pháp chống khủng hoảng và ông không ngần ngại nói đến việc "Nhật hóa nền kinh tế toàn cầu", kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

Có một lĩnh vực khác mà Nhật Bản tỏ ra mạnh bạo hơn cả và gây thán phục: Đó là dân số và nguồn nhân lực. Hiện nay, mỗi năm dân số Nhật Bản giảm 885 ngàn người và đến năm 2060, nước này chỉ còn 40 triệu dân. Vào tháng 10/2015, thủ tướng Shinzo Abe đề ra mục tiêu là mỗi phụ nữ Nhật Bản có 1,8 con, thay vì 1,45 như hiện nay. Bên cạnh đó, Nhật Bản thành lập một hội đồng đa thế hệ, dự phóng một xã hội với tuổi thọ là 100 năm, trên cơ sở giả thuyết là một đứa trẻ sinh ra năm 2007 thì có tới 50% cơ may sống đến 100 tuổi.

Việc kéo dài tuổi thọ đi kèm với tỷ lệ sinh đẻ thấp làm giảm số người trong độ tuổi lao động.

Theo số liệu của Văn phòng thủ tướng, trong giai đoạn 2012 - 2016, số người trong độ tuổi từ 15 đến 64 đã giảm 3,9 triệu. Thế nhưng, số người làm việc lại tăng 1,85 triệu. Bởi hai lý do: thứ nhất, số phụ nữ đi làm tăng mạnh, còn cao hơn cả ở Hoa Kỳ, và thứ hai là huy động đàn ông ở độ tuổi nghỉ hưu quay lại làm việc; một phần ba số đàn ông trong độ tuổi 70 - 74 đi làm việc.

Liệu Nhật Bản có trở thành mô hình cho các nước giàu?
Ảnh: cafebiz.vn

Do xã hội Nhật Bản chưa hẳn cởi mở trong việc đón nhận lao động nước ngoài, thủ tướng Shinzo Abe chủ trương phát triển tự động hóa và "Xã hội Siêu thông minh", hay còn gọi là Xã hội 5.0 (Phiên bản 4.0 là Xã hội Công nghiệp).

Do bối cảnh thế giới và quốc gia, Nhật Bản trở thành một phòng thí nghiệm cho mô hình "Tăng trưởng mềm". Tuy nhiên, mô hình này cũng có những điểm tồn tại, bảo thủ: để tăng ngân sách, chính phủ Nhật Bản quyết định tăng thuế giá trị gia tăng VAT từ 8 lên 10% vào năm 2019, luật lệ lao động sơ cứng, nhiều định chế chính trị - hành chính rất bảo thủ…

Để trả lời cho câu hỏi: Các nước giàu có nên theo mô hình Nhật Bản hay không, tờ Le Figaro kết luận: Khai thác tối đa lá bài toàn cầu hóa, Nhật Bản là mô hình đối hẳn với tư tưởng dân túy về kinh tế của Donald Trump.

Rất tự hào về nền văn hóa của mình, Nhật Bản đã hiểu rằng, cần phải thay đổi tất cả để duy trì được mọi thứ như trước.

Theo: Vương Tiến/Diễn Đàn Đầu Tư

Author: Vương Tiến

News day