Liên Hợp Quốc đề nghị hủy công nhận của Mỹ về Jerusalem
Hiên Nguyễn 12/23/2017 07:00 AM
Bất chấp các đe dọa cắt viện trợ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và cảnh báo “ghim tên” từ Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley, 128 nước trong phiên bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ ngày 21/12 đã chọn ủng hộ thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.

Với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua dự thảo nghị quyết giữ nguyên trạng thái của Jerusalem và đề nghị bác bỏ công nhận của Mỹ về thành phố này.

Kết quả phiên họp của ĐHĐ LHQ. Ảnh: AP

Kết quả bỏ phiếu với số phiếu áp đảo là thất bại nặng nề về uy tín của Mỹ tại LHQ, bất chấp Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã đe dọa cắt viện trợ tài chính đối với những nước bỏ phiếu ủng hộ, cũng như Đại sứ Mỹ tại LHQ bà Nikki Haley viết trên Twitter vừa gửi thư đến cả 180 nước cảnh cáo Mỹ sẽ “ghim tên” nước nào bỏ phiếu chống lại Mỹ. Tuy nhiên, kết quả này thực tế sẽ không thay đổi được gì nhiều khi bà Haley tuyên bố Mỹ sẽ vẫn giữ nguyên quyết định, cũng như sẽ chuyển đại sứ quán về Jerusalem, còn tiến trình hòa bình bế tắc giữa điểm nóng Trung Đông vẫn hoàn bế tắc.

Điều nhiều người quan tâm là sau vụ bỏ phiếu này liệu Mỹ có cắt viện trợ các nước đã bỏ phiếu chống lại mình như ông Trump đã đe dọa vào ngày 20/12 không khi những chính sách viện trợ, hỗ trợ của Mỹ không phải là từ thiện, mà mục đích phục vụ cho an ninh của Mỹ cũng như của các đồng minh, đối tác của nước này. Mỹ đóng góp cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế, phát triển, an ninh và nhân đạo của các nước, giúp xử lý các vấn đề, để không rơi vào bất ổn nhằm duy trì những lợi ích mà nước này mong muốn.

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, trong ngày 22/12, một số nước đã đưa ra những phản ứng đầu tiên.

Palestine hoan nghênh cuộc bỏ phiếu trên, Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố “đây là chiến thắng cho Palestine”, đồng thời khẳng định Palestine sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực tại LHQ và tại tất cả các diễn đàn quốc tế nhằm chấm dứt việc chiếm đóng của Israel và thành lập nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô.

Cùng đồng ý quyết định này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi Tổng thống Donald Trump đảo ngược quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel còn Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nói kết quả bỏ phiếu là sự bác bỏ của cộng đồng thế giới với sự hăm dọa của chính phủ Trump.

Ngược lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bày tỏ sự phản đối với cuộc bỏ phiếu của ĐHĐ LHQ.

Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này đã lên tiếng rằng kết quả bỏ phiếu “sẽ chỉ là một trong các yếu tố Mỹ xem xét đến khi cân nhắc quan hệ đối ngoại”.

Người dân Palestine tại dải Gaza theo dõi kết quả bỏ phiếu của ĐHĐ LHQ về Jerusalem ngày 21/12. Ảnh: Reuters

Trong một tin có liên quan khác, Mỹ đã mời 64 nước, bao gồm 9 nước bỏ phiếu chống, 35 nước bỏ phiếu trắng, 21 nước không bỏ phiếu tham dự tiệc sau cuộc bỏ phiếu “cân não” này vào ngày 3/1 tới nhằm “cảm ơn tình hữu nghị của các bạn với Mỹ”.

21 nước không bỏ phiếu. Con số phiếu trắng và phiếu chống trong phiên bỏ phiếu này nhiều bất thường so với các phiên bỏ phiếu trước về các nghị quyết liên quan đến Palestine, cho thấy đe dọa của ông Trump đã phần nào có ảnh hưởng.

Author: Hiên Nguyễn

News day