Những Ca Khúc Mùa Đông
Sưu tầm 12/14/2017 02:30 PM
Có những ca khúc đi cùng với tháng năm, có những ca khúc nhẹ nhàng du dương đi vào lòng người như một hoài niệm tuyệt đẹp.

Bài viết hôm nay chúng tôi xin được gửi đến quí vị những bài hát tình cảm lãng mạn bất hủ trong vẻ đẹp lạnh giá của mùa đông như Ðêm Ðông, hay Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa, là những nhạc phẩm nổi tiếng làm ấm lòng người nghe trong những ngày đông giá rét.

Ảnh: sbtn.tv

Nhạc phẩm Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương có lẽ là một trong những ca khúc về mùa đông nổi tiếng nhất của Việt Nam, được viết vào năm 1939. Chuyện kể rằng vào thời gian ấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương rất mong có được cây đàn guitar Hawaii được bày bán ở hiệu đàn Đông Phát, phố Cầu Gỗ Hà Nội. Cây đàn có giá một đồng rưỡi. Một hôm, Nguyễn Văn Thương quyết định đặt trước 5 hào cùng tấm thẻ căn cước để lấy cây đàn, hẹn vài tháng sẽ thanh toán hết. Tuy nhiên, trả tiền đàn thì ông không đủ tiền tàu xe về quê ăn Tết. Vì vậy, ông có một cái Tết lang thang ngoài Hà Nội, để rồi đủ cảm hứng sáng tác Đêm Đông. Lời ca của Đêm đông mang đầy chất thơ với những hình ảnh như “thân lãng du cô liêu chán chường” hay “sầu lên khơi hồn quê lai láng”.

Nếu như mùa đông Hà Nội trong Em ơi Hà Nội phố gợi lên sự hoài niệm, thì trong Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa là nỗi nhớ bâng khuâng. Bài hát được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ từ thơ của Bùi Thanh Tuấn vẽ nên một Hà Nội thật gần gũi nhưng lại quá xa xôi. Nỗi nhớ phảng phất qua từng câu hát miên man: “Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ, ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay, hơi ấm trao em tuổi thơ ngây”. Đó là nỗi nhớ về mối tình đầu đẹp đẽ gắn với con đường Cổ Ngư xưa, với nhịp sống chầm chậm cùng những cơn mưa rào bất chợt. Chính vì thế, khi thiếu đi những cơn mưa ấy, nỗi nhớ lại trào dâng với bao tâm sự không thể nói thành lời của người nghệ sĩ.

Ca khúc Trên Đỉnh Mùa Đông của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, gắn liền với bộ phim tâm lý tình cảm – Trên Đỉnh Mùa Đông. Bộ phim do chính Trần Thiện Thanh đạo diễn, ra mắt năm 1972, mà có lẽ người lính VNCH nào cũng nhớ. Trong một lần nghỉ phép về Sài Gòn chơi, anh Thiếu Úy Dù Nguyễn Văn Đương vô tình đụng xe vào cô sinh viên Văn Khoa Sài Gòn Nguyễn Thị Lệ. Hai người yêu nhau, cả hai đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để được sống gần nhau. Lệ giã từ mái trường đại học để về làm vợ người quân nhân nghèo. Đương tiếp tục phục vụ trong binh chủng dù. Một đêm chiêm bao, Lệ thấy Đương trở về với thân thể đầy thương tích và báo mộng. Vì không muốn rơi vào tay kẻ thù, Đương tự kết liễu đời mình trên đỉnh đồi 31, Hạ Lào. Hãy nghe xa nhau một đời, anh còn gì đâu, em còn gì đâu, để thấy cái hay, cái đẹp bất tử của nền âm nhạc miền Nam trước 1975, nền âm nhạc đã vinh danh và thăng hoa cùng cuộc chiến chính nghĩa của miền Nam.

Ảnh: sbtn.tv

Bài hát Mùa Đông Sắp Đến Trong Thành Phố của nhạc sĩ Đức Huy mang đến những nỗi niềm thổn thức, da diết. Khi cơn gió heo may tràn về, những chiếc lá úa vàng rơi rụng trên con đường vắng, cái lạnh tê tái của mùa đông trùm lên cả thành phố. Cô gái trong bài hát muốn mượn sự băng giá của mùa đông để diễn tả nỗi tương tư của mình về tình yêu đã đi qua mà chẳng thể níu giữ, chỉ còn lại đó những tiếc nuối. "Cho em yêu anh thêm một lần nữa, rồi mai giã từ" – câu hát như xoáy sâu vào tâm sự buồn thảm của cô gái và khiến mùa đông thêm phần tê tái và lạnh lẽo…

Mùa đông đem tới cho mọi người một cảm giác se lạnh và nỗi nhớ bất tận. Những cơn gió mùa đông bắc thổi qua từng mái nhà báo hiệu mùa đông về, màu vàng của những chiếc lá thu giờ nằm dưới mặt đất, tiếng chuông chiều vang vọng từ nơi xa vắng đều là những hình ảnh gợi lên nỗi nhớ mùa đông. Tình yêu nào cũng có điểm bắt đầu và sự bắt đầu thường ngọt ngào, lãng mạn và ấm áp hơn giữa bối cảnh mùa đông lạnh giá. Giai điệu dịu dàng của mùa đông sẽ qua giống như một ngọn lửa nhỏ, sưởi ấm cho những tâm hồn đang thổn thức vì tình yêu giữa cái giá lạnh của gió Bấc, mưa phùn.

 

Theo: Saigon Broadcasting Television Network

Author: Sưu tầm

News day