Paradise Papers, giới siêu giàu toàn cầu lại lao đao
Sam Sam (Lương Thu Trang) 11/07/2017 01:30 PM
Sau vụ rò rỉ tài liệu mật mang tên Panama Papers (Hồ sơ Panama) hồi năm 2016, vụ rò rỉ mới nhất mang tên Paradise Papers (Hồ sơ Thiên đường) tiếp tục hé lộ những bí mật về cách thức mà giới siêu giàu lợi dụng những thiên đường thuế vì lợi ích riêng của họ.

Thế giới lại một phen chấn động khi Paradise Papers tiết lộ về các khoản đầu tư gây tranh cãi của nhiều nhân vật nổi tiếng tại nước ngoài - nơi mà hầu hết chính phủ các nước không thể "can thiệp". 

Lượng tài liệu rò rỉ là rất lớn (13,4 triệu tài liệu với dung lượng 1,4 TB), chủ yếu đến từ Appleby - một hãng luật hàng đầu thế giới có văn phòng đại diện tại Bermuda, chuyên đại diện cho thân chủ ở hải ngoại, tư vấn cách thức giảm thuế một cách hợp pháp và Công ty Nghiên cứu và Đầu tư thông tin Asiaciti Trust - một doanh nghiệp Singapore chuyên cung cấp dịch vụ doanh nghiệp quốc tế. Việc phân tích lượng tài liệu trên đòi hỏi nhiều thời gian.

Tương tự như vụ Panama Papers, Paradis Papers được thu thập bởi tờ báo của Đức Suddeutsche Zeitung. Tiếp đó, tờ báo này đã kêu gọi Tổ chức Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) gồm 100 tờ báo và hãng tin hàng đầu thế giới, như Guardian, BBC, New York Times… cùng tiến hành điều tra.

“Hồ sơ Paradise” sẽ tạo nên cơ địa chấn động không kém vụ Hồ sơ Parama cách đây hơn 1 năm. Ảnh: Getty

Nhiều câu chuyện được báo chí thế giới tiết lộ ngày 5/11 đã tập trung mô tả cách thức mà giới chính trị, những người nổi tiếng, những người giàu có đã sử dụng các quỹ, các công ty bình phong để bảo vệ tiền của họ khỏi bị đánh thuế hoặc che giấu các khoản đầu tư của họ sau một lớp màn bí mật.

Theo ICIJ, các tài liệu còn lại lần lượt sẽ được công bố trong tuần này. Một số cái tên nổi tiếng được nêu ra trong một phần nhỏ tài liệu được công bố hôm 5/11 như Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, một trợ lý của Thủ tướng Canada Justin Trudeau là Stephen Bronfman, Yuri Milner - đối tác kinh doanh của cố vấn Toà Bạch Ốc Jared Kushner, cựu ứng viên Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto,… Tổng cộng có hơn 120 chính khách đến từ khoảng 50 quốc gia, những mạng xã hội hàng đầu như Twitter, Facebook, hay các tập đoàn đa quốc gia như Nike, Apple, Uber đều có tên trong Hồ sơ Thiên đường.

Tài sản cất giữ ở các "thiên đường thuế" là một vấn đề nan giải đối với các chính phủ trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây. Theo hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG), lượng tài sản cất giữ ở nước ngoài trên thế giới hiện lên đến 10 nghìn tỷ USD. Con số này tương đương với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật, Anh và Pháp gộp lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây vẫn là một ước tính dè dặt.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross có tên trong “Hồ sơ Thiên đường”. Ảnh: Bloomberg News

Việc công bố Hồ sơ Thiên đường diễn ra trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng thu nhập toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Trong khi đó, một nghiên cứu mới đây cho thấy, giới nhà giàu, các công ty đa quốc gia lại đẩy mạnh việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, với con số lên tới 600 tỷ Euro chỉ trong năm ngoái.

Sau khi số tài liệu trên được công bố, tổ chức chống tham nhũng Global Witness đã lên tiếng thúc giục Liên minh châu Âu (EU) sử dụng các tài liệu này để trừng trị hành vi rửa tiền. Trước sức ép của dư luận, theo Reuters, các bộ trưởng tài chính EU trong ngày 7/11 sẽ bàn việc lập danh sách đen các thiên đường thuế khắp thế giới. Trong khi đó, Cơ quan Thuế vụ Australia (ATO) cho biết sẵn sàng sử dụng thông tin của Hồ sơ Thiên đường để tiến hành các cuộc điều tra mới đối với tình trạng trốn thuế.

Hồ sơ Panama đã trở thành tâm điểm của dư luận năm ngoái sau vụ rò rỉ 11,5 triệu tài liệu mật của Công ty luật Fonseca ở Panama. Nhiều nước trên toàn thế giới đã đồng loạt mở các cuộc điều tra trốn thuế. Thủ tướng Iceland phải từ chức và Pháp đã đưa Panama quay lại danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác trong cuộc chiến chống nạn trốn thuế. Sau vụ bê bối, Panama đã cam kết đẩy mạnh cuộc chiến chống rửa tiền và trốn thuế, đồng thời hợp tác với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhằm cải thiện sự minh bạch tài chính tại nước này.

Author: Sam Sam (Lương Thu Trang)

News day