Sau sức ép của Tổng thống Mỹ, các nước thành viên tăng đóng góp cho NATO
Lu 05/19/2017 01:00 PM
Có thể trên chính trường, Tổng thống Mỹ Donald Trump là một Tổng thống gây nhiều rắc rối với các phát ngôn "vạ miệng" và cách hành xử khiến Tòa Bạch Ốc và đảng Cộng hòa đau đầu, nhưng về mặt kinh tế, ông Trump quả là chuyên gia tài tình. Mới đây nhất, dưới sức ép của Tổng thống Mỹ, các thành viên NATO đã cam kết tăng cường đóng góp cho tổ chức này để gìn giữ an ninh chung.

Ngay từ thời gian còn tranh cử, và đặc biệt sau khi đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 11/2016, ông Trump nhiều lần lên tiếng về sự vô lý khi Mỹ phải gánh quá nhiều chi phí cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đặc biệt, trong chuyến thăm Tòa Bạch Ốc của Thủ tướng Đức Chancellor Angela Merkel hồi giữa tháng 3, ông Trump than phiền rằng các đồng minh đang nợ Mỹ “một khoản tiền khổng lồ trong những năm qua”, và nhiều tờ báo còn đưa tin ông Trump đưa cho Thủ tướng Đức một hóa đơn đòi nợ, nhưng phía Đức từ chối chi trả khoản tiền này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Sau một loạt các áp lực từ phía Tổng thống Trump, đến nay các thành viên NATO đã tuyên bố chi thêm tiền cho an ninh chung vào thời điểm ngay trước chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.

Ngày 17/5, AFP dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump "hài lòng" với tuyên bố này, nhưng không loại trừ việc rời liên minh nếu họ thất hứa. Tờ báo viết : "Lúc này, Tổng thống hài lòng với những gì ông chứng kiến vì ông thấy họ phản ứng tích cực". Tuy nhiên, tờ báo cũng dẫn lời vị quan chức này cho biết: "Nhưng nếu không có gì xảy ra hoặc diễn ra quá chậm, chúng tôi sẽ đứng xem", ám chỉ việc Mỹ có thể rút khỏi NATO hoàn toàn nếu không thấy các đồng minh chi trả chi phí hợp lý.

Cũng trong ngày 17/5, phát biểu trước báo giới, một trợ lý thân cận của ông Trump cũng khẳng định "sẽ không ở lại NATO nếu NATO không thúc đẩy quá trình diễn ra nhanh hơn".

Sau 4 tháng nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức có chuyến công du đầu tiên tới Trung Đông và châu Âu, trong các điểm đến là Saudi Arabia, Israel, và đến Bỉ ngày 25/5 để tham dự hội nghị NATO và đến Ý tham dự hội nghị G7. 

Trong khi đó, trong chuyến thăm Saudi Arabia sắp tới, ông Trump đưa ra kế hoạch 'NATO Arab' ở Saudi Arabia, với viễn cảnh về một hệ thống an ninh khu vực mới mà các quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết nhằm hướng dẫn cuộc chiến chống khủng bố ở đây. Trong một phần của kế hoạch, ông Trump cũng sẽ công bố một trong những thỏa thuận bán vũ khí lớn nhất trong lịch sử.

Tổng thống Trump từng gọi nhiều lần gọi NATO là tổ chức "lỗi thời", dù sau đó đã đổi giọng khẳng định "NATO không còn lỗi thời nữa" và vẫn rất "cần thiết" cho nước Mỹ. Trong thời gian tranh cử, ông tuyên bố sẽ cân nhắc kỹ trước khi giúp các đồng minh nếu Mỹ, nước đóng góp chính cho tổ chức này lên tới 70% chi phí hoạt động của NATO, "không được bồi hoàn hợp lý" chi phí bảo vệ họ. 

Tổng thống Donald Trump và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AP

Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyến công du nước ngoài lần này là cơ hội để ông Trump định hình lại suy nghĩ của các nước về chủ trương “Nước Mỹ trên hết” của mình, cũng như là thể hiện cung cách hành xử chuyên nghiệp sau một loạt các rối ren ở Tòa Bạch Ốc mà bao trùm lên nó là cuộc khủng hoảng nội bộ. Đây cũng là dịp giúp nước đồng minh đánh giá về chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời đánh giá độ tin cậy của chính quyền đương nhiệm Mỹ sau sự kiện Tổng thống Trump tố tiết lộ thông tin tình báo mật cho Nga.

Author: Lu
Tag: NATO công du

News day