5 nhân vật lịch sử Trung Quốc lên phim khác với sự thật ra sao?
Thục Nghi (Theo Tuổi trẻ) 01/07/2018 05:00 PM
Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên, Ung Chính… là những nhân vật lịch sử được đưa lên màn ảnh và đã gây tranh cãi nhiều nhất.

1. Tần Thủy Hoàng

Trong phim của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Tần Thủy Hoàng được nâng cấp thành một người đại trí đại dũng. Ảnh: trichdoantamquoc.com

Phim gây tranh cãi: "Kinh Kha thích Tần vương", "Anh hùng", "Tần Thủy Hoàng" (truyền hình Hong Kong).

Nhìn từ góc độ lịch sử, bản thân Tần Thủy Hoàng đã là nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi, ông vừa là vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc, vừa là bạo chúa chống lại Nho học, khiến người dân lâm vào cảnh khốn cùng.

Trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau và giá trị quan khác nhau, con người đã có những nhận định và bình luận mới về hành vi đạo đức cũng như những cống hiến của Tần Thủy Hoàng đối với lịch sử.

Do đó những bộ phim tái dựng cuộc đời Tần Thủy Hoàng luôn mang yếu tố gây tranh cãi, điều này được thể hiện rõ nét trong bộ phim điện ảnh "Kinh Kha thích Tần vương" của đạo diễn Trần Khải Ca.

"Kinh Kha thích Tần vương" xoay quanh bốn nhân vật Tần vương (Lý Tuyết Kiện đóng), Triệu Cơ (Củng Lợi đóng), Kinh Kha (Trương Phong Nghị đóng) và Yến Thái tử Đan (Tôn Châu đóng).

Đạo diễn Trần Khải Ca chỉ đưa những nhân vật lịch sử đời nhà Tần lên màn ảnh, còn tình tiết phim đều được hý kịch hóa, ông đã đưa khái niệm bạo lực mỹ học để khắc họa Tần vương Doanh Chính.

Tuy nhiên, đến bộ phim "Anh hùng" của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Tần Thủy Hoàng được nâng cấp thành một người đại trí đại dũng xứng đáng nhận được sự khâm phục và tôn kính, thậm chí các đối thủ của ông cũng đồng tình với lý tưởng chính trị của ông và cuối cùng đã buông đao đầu hàng, xả thân cùng ông mưu cầu thiên hạ.

So với những bộ phim điện ảnh thì phim truyền hình Tần Thủy Hoàng do Đài ATV Hong Kong sản xuất, đã khai thác về cuộc đời vị hoàng đế đầu tiên Trung Quốc một cách trọn vẹn nhất, dù kịch bản truyền hình đã "tình cảm hóa" mối quan hệ tình cảm của Tần Thủy Hoàng và Mạnh Khương Nữ.

2. Ung Chính

Chân dung phác họa Hoàng đế Ung Chính. Việc đảo ngược tính chất nhân vật lịch sử trong phim "Vương triều Ung Chính", đã khiến người xem có cái nhìn sai lệch. Ảnh: cdn.tuoitre.vn

Phim gây tranh cãi: "Vương triều Ung Chính".

Sau khi bộ phim truyền hình "Vương triều Ung Chính" ra mắt, đã gây tranh cãi lớn khi kịch bản đảo ngược trắng đen, nói sự hủ bại của chế độ độc tài là do dư luận.

Ung Chính là vị hoàng đế thứ 5 đời nhà Thanh, theo ghi nhận lịch sử, ông là người giết công thần, giết huynh đệ, chính sách hà khắc, thậm chí còn có dã sử ghi ông giết cha giết con.

Tuy nhiên, khi cuộc đời Ung Chính được đưa lên màn ảnh với bộ phim "Vương triều Ung Chính" thì nhân vật Ung Chính lại trở thành vị minh quân lao tâm lao lực, vì nước vì dân, là người hiền đạt, trung dung, có hiếu lễ, thấu tình đạt lý.

Có thể nói, "Vương triều Ung Chính" đã phá vỡ các bộ phim đề cập đến hoàng đế Ung Chính, việc đảo ngược tính chất nhân vật lịch sử đã khiến người xem có cái nhìn sai lệch, gây tranh cãi không ngớt.

3. Võ Tắc Thiên

Chân dung phác họa Võ Tắc Thiên. "Võ Tắc Thiên" phiên bản Lưu Hiểu Khánh, "Đại Minh cung từ" do Quy Á Lôi đóng, là một trong số ít bộ phim bám sát lịch sử. Còn "Võ Tắc Thiên" phiên bản Phạm Băng Băng phần nhiều miêu tả cuộc đời Võ Tắc Thiên thiên về mặt tài trí của bà. Ảnh: kenh14cdn.com

Phim gây tranh cãi: "Võ Tắc Thiên" phiên bản Phùng Bửu Bửu, "Võ Tắc Thiên" phiên bản Lưu Hiểu Khánh, "Đại Đường ngự sử", "Đại Minh cung từ", "Thượng Quan Uyển Nhi", "Chí tôn hồng nhan Võ Mỵ Nương truyền kỳ", "Võ Tắc Thiên" phiên bản Phạm Băng Băng.

Võ Tắc Thiên là hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị, là nữ chính trị gia đời Đường, là nữ hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc có tài trí tuyệt đỉnh.

Trong thời gian tại vị, Võ Tắc Thiên đã dùng chính sách cứng rắn và những điều luật hà khắc để cai trị vương triều của mình.

Tuy nhiên, phần lớn những bộ phim truyền hình miêu tả về cuộc đời Võ Tắc Thiên đều ca ngợi về mặt tài ba của vị nữ hoàng đế mà bỏ qua hoặc làm mờ nhạt đi sự mưu mô, thâm độc của bà.

Chỉ có hai bộ phim "Võ Tắc Thiên" phiên bản Lưu Hiểu Khánh và "Đại Minh cung từ" do Quy Á Lôi đóng chính, là bám sát lịch sử, miêu tả những chính sách thống trị hà khắc của Võ Tắc Thiên tương đối hoàn chỉnh.

4. Hiếu Trang hoàng hậu

Chân dung phác họa Hiếu Trang Hoàng hậu. Khía cạnh yêu đương giữa Hiếu Trang và Đa Nhĩ Cổn trên màn ảnh luôn là đề tài gây tranh cãi cho khán giả. Ảnh: img2.news.zing.vn

Phim gây tranh cãi: "Hiếu Trang bí sử", "Khang Hy vương triều", "Trang Phi dật sự".

Năm 13 tuổi, Hiếu Trang được gả cho Thái Tông Hoàng Thái Cực làm trắc phúc tấn. Khi Hoàng Thái Cực qua đời, Hiếu Trang Hoàng hậu mới 32 tuổi, con trai 6 tuổi của bà là Phúc Lâm kế thừa ngôi vị hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Trị.

Theo đó, Hiếu Trang hoàng hậu được tấn phong thành hoàng thái hậu, Thuận Trị qua đời năm 24 tuổi, ngôi vị được truyền cho Khang Hy lúc mới 8 tuổi, Hiếu Trang được tôn làm thái hoàng thái hậu.

Hiếu Trang Thái Hoàng Thái hậu phò tá cho 2 ấu chủ là Thuận Trị và Khang Hy, có công lao lớn trong việc ổn định địa vị và sự phồn vinh của vương triều nhà Thanh.

Các nhà sử học đánh giá về công lao của Hiếu Trang hoàng hậu khá cao, gọi bà là nữ chính trị gia kiệt xuất cuối đời Minh đầu đời Thanh, được hoàng đế các triều đại vô cùng kính trọng.

Tuy nhiên, có dã sử nói Hiếu Trang Thái Hoàng Thái hậu về già đã cải giá, kết hôn với em chồng là Nhuệ Thân Vương Đa Nhĩ Cổn - người nắm giữ đại quyền nhiếp chính của vương triều nhà Thanh, thậm chí còn có lời đồn Hiếu Trang và Đa Nhĩ Cổn hợp mưu, giết chết chồng của mình là Hoàng Thái Cực.

Một số bộ phim truyền hình liên quan đến Hiếu Trang Hoàng hậu như "Hiếu Trang bí sử", "Trang Phi dật sự", "Khang Hy vương triều",… đều có cái nhìn tích cực về vị hoàng hậu này, nhưng khía cạnh yêu đương giữa Hiếu Trang và Đa Nhĩ Cổn lại gây không ít tranh cãi cho khán giả.

5. Tào Tháo

Trong phim "Tam quốc diễn nghĩa", hình tượng của Tào Tháo được định vị là một gian tướng, gian tặc, Hán tặc. Ảnh: anh.24h.com.vn

Phim gây tranh cãi: "Tam quốc diễn nghĩa", "Tào Tháo và Thái Văn Cơ".

Tào Tháo từng lợi dụng thiên tử để sai khiến chư hầu, còn ban hành "lệnh đồn điền", tập trung phát triển sản xuất, không những là một nhà chính trị kiệt xuất, nhà quân sự, ông còn là một nhà văn, nhà thơ xuất sắc, những bài thơ như "Đoản ca hành" được lưu truyền khắp thiên hạ.

Trong phim "Tam quốc diễn nghĩa", hình tượng của Tào Tháo được định vị là một gian tướng, gian tặc, Hán tặc với câu châm ngôn: "Thà để ta phụ thiên hạ, chứ không để thiên hạ phụ ta", đã khiến người xem không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, mấy năm gần đây, theo nhận thức của khán giả đối với các nhân vật lịch sử, hình tượng của Tào Tháo bắt đầu có sự thay đổi.

Trong phim "Tào Tháo và Thái Văn Cơ", nhân vật Tào Tháo do Bộc Tồn Hân đóng, chẳng những không "gian" mà còn trở thành người văn nhân nho nhã, anh tuấn, thậm chí cùng tài nữ Thái Văn Cơ có mối quan hệ tình cảm trên mức tình bạn.

Theo: Tuổi trẻ

Tác giả: Thục Nghi (Theo Tuổi trẻ)

Tin mới trong ngày