2017: Năm nổi giận dữ dội của thiên nhiên
Theo Zing 12/11/2017 07:30 AM
Thế giới chứng kiến sự khốc liệt và tàn bạo của thiên nhiên trong năm 2017, với hàng loạt thảm họa lấy đi sinh mạng của cả nghìn người và để lại hậu quả vô cùng nặng nề, lâu dài.

Lở tuyết do tuyết rơi quá dày đã khiến 156 người thiệt mạng ở Afghanistan và Pakistan vào tháng 2. Afghanistan phải hứng chịu nhiều thiệt hại hơn với phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em và 300 căn nhà bị phá hủy.

Ảnh: AFP/Getty

Lính cứu hỏa trước một đám cháy rừng ở Cabanoes, Bồ Đào Nha. Nắng nóng lịch sử lan khắp phía nam châu Âu từ đầu hè, gây ra các vụ cháy rừng, làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và khiến hoạt động du lịch bị gián đoạn. Hơn 30 người thiệt mạng và gần 100 người khác bị thương do các vụ cháy rừng tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. 

Ảnh: Reuters

Lửa cháy tại khu sân golf Beacon Rock ở North Bonneville, Washington. Mỹ cũng phải hứng chịu những đợt cháy rừng dài ngày và thảm khốc kể từ tháng 8 với thiệt hại chưa thể ước tính. Hàng chục người đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải sơ tán. Không khí ô nhiễm trầm trọng, một diện tích rừng rất lớn cũng như khu dân cư bị thiêu rụi trong các đợt cháy. 

Ảnh: Reuters

Khu vực Nam Á là nơi gánh chịu hậu quả khủng khiếp nhất của mùa mưa bão 2017 với hơn 1.200 người chết. Lũ lụt và lở đất đã ảnh hưởng ít nhất 41 triệu người ở Bangladesh, Ấn Độ và Nepal. Chỉ riêng tại Ấn Độ, khoảng 600 người đã thiệt mạng. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc, gần 2.000 trạm cứu trợ đã được thiết lập ở quốc gia này. 

Ảnh: Reuters

Chỉ trong hai ngày cuối tháng 5 ở Sri Lanka, lượng mưa lớn cùng với gió mạnh gây ra lụt và sạt lở đất làm chết 213 người và ảnh hưởng tới 415.600 người, khoảng 30% trong số đó là trẻ em. Hơn 250 người Sri Lanka đã chết vì sốt dengue kể từ đợt thiên tai này, và nhu cầu viện trợ nhân đạo ở quốc gia Nam Á hiện vẫn còn rất lớn. 

Ảnh: AFP

Nhóm nhân viên cứu nạn cố gắng "giải thoát" những chiếc xe bị mắc kẹt trong bùn đất ở huyện Vĩnh Cát, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề bởi lụt lội và lở bùn từ đầu năm. Chỉ trong vài ngày đầu tháng 7, ít nhất 144 người thiệt mạng. Thiên tai năm 2017 khiến khoảng 1 triệu người Trung Quốc phải sơ tán và phá hủy khoảng 31.000 ngôi nhà. 

Ảnh: Reuters

Vụ lở đất kinh hoàng xảy ra ở ngoại ô thủ đô Freetown của Sierra Leone hồi tháng 8 đã giết chết ít nhất 600 người và trực tiếp ảnh hưởng hơn 6.000 người khác. Các nhân viên cứu nạn làm việc đến kiệt sức để tìm kiếm và chôn cất các thi thể. Lở bùn, lở đất do lụt lội cũng đã cướp đi rất nhiều sinh mạng tại Colombia, Peru và Congo. 

Ảnh: AFP/Getty

Người dân sơ tán trước siêu bão Harvey ở Beaumont, Houston, Texas. Người dân quanh Đại Tây Dương đã có một năm khốn khổ bởi mùa bão khủng khiếp nhất trong lịch sử với 4 siêu bão cấp 3 trở lên có tên Harvey, Irma, Jose và Maria. Không chỉ có sức tàn phá lớn, các cơn bão này còn diễn biến rất bất thường và khó lường, đặt cho các chuyên gia nhiều câu hỏi. 

Ảnh: Reuters

Tàu thuyền chìm trong nước khi siêu bão Irma càn quét qua St. John, quần đảo Virgin thuộc Mỹ. Rất nhiều đảo du lịch nổi tiếng ở khu vực Đại Tây Dương đã bị phá hủy gần như hoàn toàn và hậu quả để lại phải mất rất nhiều năm nữa mới có thể khắc phục. 

Ảnh: Reuters

Nhân viên cứu nạn làm việc cả đêm để tìm kiếm người mất tích trong vụ động đất tại Mexico City. Một trận động đất 7,1 độ đã làm rung chuyển thủ đô Mexico City của Mexico ngày 19/9, giết chết ít nhất 225 người. Nó diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 32 năm trận động đất lịch sử năm 1985 khiến hàng nghìn người thiệt mạng, và chỉ gần 2 tuần sau một trận động đất 8,2 độ làm ít nhất 96 người chết, 2,5 triệu người phải chờ cứu trợ. 

Ảnh: Reuters

Bà nội trợ Tomasa Mozo giữa đống đổ nát của căn nhà nhiều ngày sau động đất ở Mexico. Quốc gia Trung Mỹ này đã phải bỏ cam kết cứu trợ nạn nhân siêu bão Harvey để tập trung khắc phục hậu quả động đất làm hàng chục nghìn ngôi nhà bị phá hủy. 

Ảnh: Reuters
Tác giả: Theo Zing

Tin mới trong ngày