262 nhà báo bị cầm tù trong năm 2017
CTV Sam Sam (Lương Thu Trang) 12/15/2017 01:30 PM
Trong một báo cáo mới của Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) cho biết tổng cộng 262 nhà báo đã bị cầm tù trên khắp thế giới do công việc của họ trong năm 2017, phá kỷ lục 259 người trong năm 2016.

Số lượng các nhà báo bị cầm tù đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay. Số liệu của CPJ cho thấy 194 nhà báo trên toàn cầu phải ngồi tù vì bị cáo buộc chống nhà nước. Nhiều người trong số này bị buộc tội dựa theo các đạo luật chống khủng bố chung chung và mơ hồ. Ngoài ra, 35 nhà báo khắp thế giới bị bỏ tù mà không có bất cứ tội danh nào được công bố. Trong khi đó, số nhà báo bị tù giam vì buộc tội đưa "tin giả" đã tăng lên 21 người.

Biểu tình bên ngoài tòa án ở Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi trả tự do cho các nhà báo bị cầm tù hôm 31/10. Ảnh: AP

Giám đốc điều hành của CPJ Joel Simon cho biết: "Thật đáng xấu hổ khi năm thứ hai liên tiếp, một số lượng lớn các nhà báo đang đứng sau song sắt. Các quốc gia bắt giam các nhà báo vì những gì họ công bố là vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ phải chịu trách nhiệm".

Năm thứ hai liên tiếp, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên là quốc gia có số lượng phóng viên cao nhất bị bỏ tù, ở mức 73 trường hợp. Trong năm ngoái, con số này là 81 người. Các vụ bắt giữ nhà báo ở Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của chiến dịch đàn áp của chính phủ dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, sau cuộc đảo chính quân sự thất bại năm 2016. Theo CPJ, nhiều nhà báo bị giam phải đối mặt với các cuộc điều tra hoặc bị buộc tội chống nhà nước. Ngoài ra, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ còn cáo buộc một số nhà báo có hoạt động khủng bố chỉ dựa trên việc họ sử dụng ứng dụng nhắn tin Bylock.

Xếp sau Thổ Nhĩ Kỳ là Trung Quốc và Ai Cập, với lần lượt 41 và 20 vụ. Hai con số này trong năm 2016 tương ứng là 38 và 25. Trong vài năm qua, chính quyền Ai Cập đã bắt giữ một số nhân viên của tờ Al Jazeera, gây lo ngại về quyền tự do báo chí ở nước này. Trong số 20 nhà báo ngồi tù ở Ai Cập, 12 người chưa bị kết tội hoặc kết án về bất cứ tội danh nào.

Các phóng viên của Al Jazeera thường xuyên gặp nguy hiểm, đặc biệt ở Ai Cập. Ảnh: Al Jazeera

Theo báo cáo của CPJ, Bắc Hàn đứng ở vị trí thấp nhất về tự do báo chí. Iraq và Syria là hai quốc gia gây tử vong nhiều nhất cho các phóng viên trong năm 2017. Các phóng viên chính trị, chiếm 87% số người bị cầm tù, có nguy cơ bị tống giam cao nhất.

Robert Mahoney, Phó giám đốc điều hành của CPJ, nói với Al Jazeera: "Đây chắc chắn là một thời điểm nguy hiểm để trở thành một nhà báo, đặc biệt ở Trung Đông và Châu Á, nơi các nhà báo đứng sau song sắt dường như trở thành một hình thức kiểm duyệt đối với những quốc gia đang phải trả giá cho các cuộc đấu tranh chính trị. Chủ nghĩa tự trị đang gia tăng và các nhà báo đang phải trả giá".

Mặc dù lo sợ bị các nhà chức trách đàn áp và hăm dọa, nhiều người vẫn quyết tâm tiếp tục làm công việc của họ. Phóng viên Mohamed của Al Jazeera nói: "Chúng tôi, và tôi sẽ luôn theo đuổi sự thật. Tôi sẽ không ngừng làm phóng viên. Có hàng trăm ngàn nhà báo dũng cảm sẽ tiếp tục làm công việc thậm chí còn tốt hơn tôi".

Tác giả: CTV Sam Sam (Lương Thu Trang)

Tin mới trong ngày