Tăng 7 bậc, Việt Nam đứng 112 về độ minh bạch
Ngô Thị Quỳnh Như 12/11/2016 05:00 PM
Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) công bố, Việt Nam đã tăng 7 bậc về xếp hạng quốc gia minh bạch, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2015.

Chỉ số đánh giá dựa trên trên các yếu tố như: các lãnh đạo chính phủ có phải chịu trách nhiệm với tham nhũng hay không; nhận thức về tình trạng phổ biến của hối lộ; các thể chế công đáp ứng thế nào với nhu cầu của công dân,… Ngoài ra, còn dựa trên ý kiến của nhiều chuyên gia về tham nhũng trong lĩnh vực công.

Việt Nam đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu. 
Ảnh: VOD.
 

Theo đó, với 31/100 điểm thì Việt Nam đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Tuy tăng 7 bậc nhưng điểm số của Việt Nam vẫn không thay đổi, bằng năm 2014 với 31 điểm.  
Khu vực Đông Nam Á, Lào xếp thứ 139, Campuchia xếp thứ 150/168 nước, tăng 6 bậc so với năm ngoái nhưng điểm số vẫn không đổi. Myanmar tăng lên 22 điểm so với 21 điểm năm ngoái, xếp thứ 147. Tuy nhiên, vẫn có các quốc gia trong khu vực đứng ở vị trí cao trên bảng xếp hạng như: Singapore xếp thứ 8, Thái Lan xếp thứ 76, Indonesia xếp thứ 88, Philippines xếp thứ 95. Tuy nhiên, Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng tiến bộ trong khu vực là bằng 0.
Cũng như những năm trước các nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển xếp hàng đầu về mức độ trong sạch của khu vực công, trong khi các nước Afghanistan, Triều Tiên và Somalia xếp cuối bảng. 


Việt Nam vẫn bị xếp vào nhóm tham nhũng nhiều 
Tổ chức minh bạch quốc tế tại Việt Nam cho rằng, năm 2015, Việt Nam đã có những nỗ lực về hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống tham nhũng và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật. Đẩy mạnh việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng.

Việt Nam vẫn bị xếp vào nhóm tham nhũng nhiều.
Ảnh: Thanh Niên

Dù đã có những chuyển biến được đánh giá là tích cực nhưng Tổ chức này cũng rằng, nguyên nhân điểm số CPI của Việt Nam không cải thiện trong 4 năm liên tiếp (2012 - 2015) là do vẫn tồn tại những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.
Tổ chức này cũng khuyến nghị Việt Nam cần có nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực trong cảm nhận về CIP như: sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng theo hướng thực chất; xem xét việc thành lập hoặc chỉ định một cơ quan với đủ thẩm quyền, năng lực, nguồn lực và sự độc lập để có thể đảm nhiệm toàn bộ quá trình thanh tra, điều tra và truy tố các vụ án tham nhũng nghiêm trọng; cần ban hành những chính sách ưu đãi thiết thực và cụ thể cho khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự, báo chí - truyền thông khi tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Tác giả: Ngô Thị Quỳnh Như

Tin mới trong ngày