Thành phố Los Angeles ra nghị quyết đòi luận tội Tổng thống Trump
Dư Hoàng 05/08/2017 01:00 PM
Ngày 5/5, Cơ quan lập pháp thành phố Los Angeles, California, đã tham gia vào nhóm yêu cầu Quốc hội phải xác định xem liệu ông Donald Trump có làm việc cho người Mỹ hay chỉ vì tài sản của ông và gia đình.

Trong vòng 100 ngày Tổng thống Trump cầm quyền đã xảy ra những xung đột lợi ích chưa từng thấy, khi các quan chức liên bang trong đại gia đình Trump không tách mình khỏi hoạt động kinh doanh để tạo sự minh bạch về thuế trước công chúng và bản thân ông Trump cũng vướng vào không ít lùm xùm xung quanh.

Ngay sau khi ông Trump nhậm chức khoảng 3 tuần, với cách điều hành khác thường của Tổng thống thứ 45 Mỹ, các nhà cái thi nhau tung ra tỉ lệ cược về khả năng ông có thể bị luận tội và phế truất.

Trong bối cảnh đảng Cộng hòa vẫn đang kiểm soát Quốc hội, khả năng ông Trump bị luận tội trong 2 năm tới là khá xa vời. Tuy nhiên, việc ông Trump tiếp tục giữ thái độ mập mờ và nhập nhằng giữa việc kinh doanh của gia đình và việc chung cũng như liên tiếp tấn công các thẩm phán liên bang, người ta bắt đầu nói về chuyện Quốc hội có thể tìm cách phế truất ông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: RedStateWatcher

Mới đây nhất, Hội đồng Thành phố Los Angeles đã tham gia vào một nhóm gồm nhiều thành phố ở Mỹ, nhằm thông qua một nghị quyết hối thúc một cuộc điều tra những vi phạm có thể dẫn đến việc luận tội Tổng thống Donald Trump. Các nghị quyết tương tự cũng đã được thông qua tại Berkeley, Richmond và Alameda ở California, Charlotte, Vermont và Cambridge ở Massachusetts.

Trước đó, Tổ chức Phản kháng West Valley, một trong những mạng lưới chủ trương luận tội Tổng thống, đã thúc đẩy việc thông qua nghị quyết này.

Nghị quyết của Los Angeles, được thông qua với 100% số phiếu tán thành (tỷ lệ bỏ phiếu 10 - 0), kêu gọi hỗ trợ cho bất kỳ hành động lập pháp nào để điều tra liệu ông Trump có vi phạm điều khoản Thù lao nước ngoài của Hiến pháp hay không; đồng thời yêu cầu điều tra xem ông Trump có phạm tội, hay tội nhẹ nào khác đủ để bắt đầu tiến hành phiên tòa luận tội Tổng thống hay không?.

Phát biểu trước khi thông qua nghị quyết, thành viên Hội đồng Thành phố và đồng tác giả của dự thảo nghị quyết, ông Bob Blumenfield (Dân chủ, San Fernando Valley), dẫn ra những dữ kiện về sự xung đột lợi ích của ông Trump, ông tuyên bố "cần phải lo lắng cho mọi người Mỹ" và "nên tiến hành điều tra mạnh mẽ", bao gồm cả các quan chức Toà Bạch Ốc có mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, và những lợi ích kinh doanh tiếp tục chảy về với tập đoàn của ông Trump và “những xung đột lợi ích liên quan, có khả năng phạm tội".

Ông Blumenfield khẳng định, nghị quyết này là nhằm “hối thúc Quốc hội đảm bảo rằng ông Trump chỉ sử dụng nhiệm kỳ Tổng thống để mang lại lợi ích cho nhân dân Mỹ", mà không lợi dụng nó để tăng giá trị tài sản của mình.

Ủy viên Hội đồng Thành phố Los Angeles Bob Blumenfield (trái) là người khởi thảo nghị quyết đòi luận tội Tổng thống Trump. Ảnh: Los Angeles Times

Ông nêu đích danh khách sạn Trump International ở Washington, DC, nơi các quan chức cấp cao nước ngoài khi đến thủ đô ở lại, nơi mọi thứ đều được gắn nhãn với tên tuổi của Tổng thống "từ đỉnh tòa nhà xuống đến thanh sôcôla đặt trên gối”. Ông Blumenfield cũng chỉ trích việc Toà Bạch Ốc mới đây mời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Tổng thống đang gây nhiều tranh cãi khi gây nên cái chết của hàng nghìn người Philippines trong chiến dịch càn quét ma tuý ở nước này, đến thăm Mỹ trong thời điểm nhạy cảm, liên quan đến việc một tòa tháp Trump mới chuẩn bị khai trương tại Manila và Philippines sẽ kiếm được "hàng triệu đô la phí cấp phép".

Ông nhấn mạnh thành phố Los Angeles thông qua bản nghị quyết kêu gọi các nghị sĩ lưỡng viện Quốc hội Mỹ sử dụng quyền lực của mình để điều tra hoạt động tài chính quốc tế của ông Trump.

Theo Hiến pháp Mỹ, luận tội được định nghĩa là “biện pháp phế truất Tổng thống, Phó Tổng thống, các thẩm phán liên bang và các quan chức liên bang khác“, và việc luận tội nằm trong thẩm quyền của ngành lập pháp.

Mục 4, Điều II Hiến pháp Mỹ nêu rõ: “Tổng thống, Phó Tổng thống và các viên chức dân sự khác của Mỹ sẽ bị truất phế dựa trên sự luận tội vì bị kết án là phản quốc, hối lộ hay các tội nặng nhẹ khác“.

Việc luận tội là chính thức truy tố một viên chức dân sự nào của chính phủ vì những hành động phạm pháp thực hiện trong khi tại chức. Đây là quá trình lâu dài và người bị xét xử có thể sẽ không bị cách chức, không bị sa thải ngay mà việc xét xử quan chức về những tội truy tố này hoàn toàn độc lập với việc kết án, phế truất người này.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, ông Trump thậm chí còn “hưởng lợi” từ những ngày chơi golf cuối tuần, từ chi phí an ninh để bảo vệ cho ông, và những chi phí liên quan, như riêng chi phí thuê xe chơi golf ở Mar-a-Lago cũng lên đến 35.000 USD; Cơ quan Mật vụ Mỹ cũng phải trả 64.000 USD cho "dịch vụ thang máy" trong tòa cao ốc Trump Tower.

Ngoài ra, trong ngày ông Trump chính thức bỏ việc gọi Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ, thì ái nữ của Tổng thống, Ivanka Trump mới được chính phủ Trung Quốc cấp 5 nhãn hiệu hàng hoá cùng ngày với sự kiện cô tham dự buổi ăn tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trung Quốc đang hợp tác tốt với gia đình Trump, và gia đình của Trump đã giúp cho Trung Quốc hợp tác tốt với nước Mỹ.

Tình hình tương tự cũng xảy ra với các doanh nghiệp Nhật Bản khi Ivanka tham gia cuộc hội kiến của cha cô với Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm Toà Bạch Ốc.

Trong khi đó, gia đình con rể ông Trump, tập đoàn Kushner đã ngang nhiên sang Trung Quốc kêu gọi doanh nhân Trung Quốc đầu tư hàng trăm nghìn USD vào một dự án căn hộ phức hợp ở New Jersey, để được bảo đảm cấp visa diện đầu tư để nhập cư lâu dài vào Mỹ.

Trong buổi gặp gỡ với giới đầu tư Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 6/5, Nicole Kushner Meyer, em gái của con rể kiêm cố vấn cấp cao Jared Kushner của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã đưa ra thông điệp "Gia đình Kusher vốn là người tị nạn đến Mỹ, đã nỗ lực làm việc để thành công lớn, và nếu bạn đầu tư vào tập đoàn Kushner thì bạn cũng có thể thành công như vậy”.

Nicole Kushner Meyer, em gái của con rể của Tổng thống Trump, trong buổi hội thảo. Ảnh: New York Times

Trong vài giờ đồng hồ giới thiệu và thuyết trình, các đại diện của gia đình Kushner đã thuyết phục những doanh nhân Trung Quốc đầu tư hàng trăm nghìn USD vào một dự án căn hộ phức hợp ở New Jersey, để đổi lại được bảo đảm cấp visa diện đầu tư để nhập cư lâu dài vào Mỹ.

Sự kiện diễn ra khi trên chính trường Mỹ, nhiều nghị sĩ ở cả hai chính đảng chỉ trích chương trình EB-5 - loại visa nhập cư của Mỹ, cấp visa cho nhà đầu tư giàu có sẵn sàng bỏ vốn lớn vào những dự án ở Mỹ để tạo việc làm, là “bán visa” cho những người giàu ngoại quốc. Nó đặc biệt phổ biến với giới nhà giàu Trung Quốc, được gọi với tên gọi là “visa bằng vàng”, khi họ có thể đưa cả gia đình và tài sản rời khỏi đất nước.

“Đây là một hành động vô cùng ngốc nghếch và không hề thích hợp. Họ rõ ràng ám chỉ gia đình Kushner sẽ bảo đảm nhà đầu tư được cấp visa”, Richard Painter, luật sư trưởng về đạo đức ở Toà Bạch Ốc thời Tổng thống Bush, bức xúc khi nói về hội thảo ở Bắc Kinh.

Hiện ông Trump cũng đang là Tổng thống bị kiện nhiều nhất trong tháng đầu tiên làm việc tại Toà Bạch Ốc, tổng cộng 134 lần trong các tòa án liên bang, theo số liệu mới nhất do các tài liệu từ những tòa án này công bố, tức gần gấp 3 lần cộng lại của tất cả những vị Tổng Thống tiền nhiệm của ông trong những tháng đầu tiên của họ. 

Ông Trump đang là Tổng thống bị kiện nhiều nhất trong tháng đầu tiên làm việc tại Toà Bạch Ốc. Ảnh: Reuters

Chánh Biện lý bang Washington Bob Ferguson, người đã chiến thắng một vụ kiện chống Trump về sắc lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đầu tiên các công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo, nhận xét: “Trước tòa, không phải ai lớn tiếng là người đó thắng kiện, cũng đâu phải cứ gửi các Tweets ra là ung dung bước ra khỏi tòa án đâu”.

Tác giả: Dư Hoàng

Tin mới trong ngày