Tin cộng đồng: Những mảnh đời của người Việt trên Biển Hồ, Campuchia
Phương Thảo 04/04/2018 07:30 AM
Những người gốc Việt trên Biển Hồ phải tìm cách ứng phó với thiên tai, dòng nước và cả với tình trạng bấp bênh của họ tại đây. Nhưng nhiều người không muốn rời đi.

Như mọi căn nhà khác, ngôi nhà của Taing Hoarith hay tất cả các ngôi nhà ở đây đều nằm trên mặt nước, chính xác là nằm trên Biển Hồ, Campuchia. Và, nó luôn trong tình trạng phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ mà dòng nước mang lại, đặc biệt trong mùa mưa. Đó là lý do, ông luôn phải bận rộn sửa lại bức tường lợp bằng lá cọ đã bị bão làm hư, khi thì dọn dẹp đám cây mọc trong nước hay đôi khi phải lặn xuống bên dưới căn nhà, miệng ngậm một ống cao su và chèn vào những hũ xi măng đang giữ căn nhà đứng vững trên nước khi mùa mưa vào đầu tháng 7 tới. 

Một căn bếp "bình thường" trên Biển Hồ. Ảnh: New York Times

Hoarith là người đàn ông làm nghề thủ công lành nghề nhất trên Biển Hồ. Ông sống tại Chong Koh, là một trong hàng trăm ngôi làng nổi ở Tonle Sap, hệ thống sông và hồ ở Campuchia thường được biết đến với tên tiếng Việt là Biển Hồ. Các học giả độc lập cho biết có khoảng 400.000 - 1 triệu người sống tập trung ở vùng Biển Hồ và không được công nhận là công dân Campuchia. Bài điều tra của New York Times và Trung tâm Pulizer về Đưa tin Khủng hoảng cho thấy hoàn cảnh khó khăn của những người gốc Việt ở vùng Biển Hồ.

New York Times nhận định rằng rất dễ để quy kết rằng những ngôi làng nổi là hậu quả của những cuộc tị nạn chính trị. Dù vậy, lịch sử những ngôi làng này dài và có nhiều điểm chưa rõ ràng. Nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot, người "khám phá" Angkor Wat vào thập niên 1850 - dù nó chưa từng "thất lạc" trong mắt cư dân địa phương, từng ghi chép về một cộng đồng người sống trên sông ở Phnom Penh với khoảng 20.000 người, gấp đôi số người sống trên cạn, diễn tả đó là một cuộc sống với những ghe thuyền nơi người Khmer lẫn người Việt sinh sống, buôn bán cạnh nhau. 

Ảnh: New York Times

Những đứa trẻ không thể vào học các trường công lập, người lớn không mở được tài khoản ngân hàng, thi lấy bằng lái xe, vào công xưởng làm việc hay sở hữu nhà đất. Những người gốc Việt cho biết họ thường phải hối lộ cảnh sát, quan chức, thậm chí là những người giả dạng nhà báo địa phương. 

hững bia mộ là bằng chứng không thể xóa bỏ về sự hiện diện đã rất lâu của người Việt ở Biển Hồ. Ảnh: New York Times

Không giống người Khmer, người Việt không hỏa táng mà chôn cất người thân đã qua đời của họ. Những bia mộ là bằng chứng không thể xóa bỏ về sự hiện diện đã rất lâu của người Việt ở Biển Hồ.

Dòng nước luôn mang lại những hiểm họa. Những đứa trẻ dưới 5 tuổi ở đây, nếu bố mẹ chúng đủ tiền, sẽ được mặc áo phao. Những gia đình khác tự chế "phao cứu sinh" cho con họ, điển hình như một chai dầu xe rỗng được đeo vào cổ một đứa trẻ sơ sinh. 

Ảnh: Getty

Mặc dù nguy hiểm, nhưng nhiều người đều không muốn rời vùng hồ. Đôi lúc, Hoarith nghĩ rằng ông có thể sống với họ hàng của vợ ông tại Việt Nam, nhưng ông muốn sống ở hồ. Đó là một vùng hồ mở, đầy hiểm nguy nhưng ông sẽ được ở gần tổ tiên của mình.

Trích lược theo Zing

Tác giả: Phương Thảo

Tin mới trong ngày