Toàn cảnh thế giới trong ngày Quốc tế Lao động 1/5
Lu 05/03/2017 01:30 PM
Như thường lệ, ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm nay được đánh dấu bằng các hoạt động kỷ niệm cùng hàng loạt cuộc biểu tình mang màu sắc riêng của từng quốc gia trên khắp thế giới với những cung bậc cảm xúc trái ngược nhau.

Tại Nga, không khí mừng ngày Quốc tế Lao động 1/5 diễn ra tưng bừng với gần 130 nghìn người đã tuần hành ở thủ đô Moscow trong ngày tôn vinh lực lượng lao động trên khắp thế giới.

Đoàn người tuần hành tại Nga. Ảnh: AP

Đông đảo người dân ủng hộ chính phủ mang theo quốc kỳ và băng rôn tuần hành khắp đường phố thủ đô Moscow cũng như tại nhiều thành phố khác trên khắp nước Nga.

Tại Ukraine, những người ủng hộ quyền của người lao động cũng xuống đường tuần hành hòa bình trên các con phố ở thủ đô Kiev, Ukraine, mừng ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Dòng người ủng hộ quyền người lao động tại Ukraine. Ảnh: Reuters

Tại Philippines, các công nhân và thành viên nghiệp đoàn đón ngày lễ dành để tôn vinh người lao động này bằng cách tuần hành trên đường phố thủ đô Manila, trong khi nhiều người cũng xuống đường ở thủ đô Jakarta trước khi tham gia những cuộc mít tinh lớn sau đó. Ngoài ra, hàng trăm công nhân đã tuần hành yêu cầu được trả mức lương tốt hơn và chấm dứt loại hợp đồng lao động tạm thời.

Người lao động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động ở Indonesia. Ảnh: Reuters

Trong khi ở Triều Tiên kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động bằng nhiều hoạt động thể thao và giải trí đa dạng thì tại Hàn Quốc, hàng nghìn người tập trung ở thủ đô Seoul, để yêu cầu chấm dứt hợp đồng làm việc tạm thời. 

Bên cạnh đó, có những cuộc tuần hành, biểu tình đã biến thành bạo lực ở một số nước trên thế giới trong ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh sát nước này đã sử dụng hơi cay để giải tán đám đông những người biểu tình phản đối chính phủ đổ ra đường phố ngày 1/5. Tại thành phố Istanbul, căng thẳng tiếp tục xuất hiện trong ngày Quốc tế Lao động năm nay khi cảnh sát bắt giữ hơn 200 người biểu tình tìm cách thách thức lệnh cấm tập trung tại Quảng trường Taksim. Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm mọi hoạt động tuần hành và biểu tình ở quảng trường Taksim và chỉ cho phép những nghiệp đoàn lớn tổ chức hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động tại một số khu vực do chính phủ quy định. 

Bạo động đã diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: EPA

Trong ngày Quốc tế Lao động, Venezuela tiếp tục đối mặt nhiều nguy cơ đáng ngại khi cả người ủng hộ và phe chống đối chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro đều tổ chức biểu tình. Đây cũng là ngày đánh dấu một tháng kể từ khi nổ ra các cuộc đụng độ chết chóc giữa người biểu tình kêu gọi bầu cử và cảnh sát chống bạo động.

Cũng trong ngày 1/5, một cuộc biểu tình dẫn đến bạo lực đã xảy ra ở thủ đô Paris của Pháp trong bối cảnh chỉ còn khoảng một tuần nữa là thời điểm diễn ra vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, khi những người biểu tình bạo lực đến từ các nhóm cực đoan từng tham gia vào nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ trước đó gây bạo động. Ban đầu, nhiều nhóm nghiệp đoàn xuống đường tuần hành trong hòa bình, tuy nhiên sau đó hàng trăm người biểu tình đã ném bom xăng cùng nhiều đồ vật khác vào cảnh sát, buộc lực lượng này phải dùng dùi cui và hơi cay để đáp trả. Mặc dù một số nghiệp đoàn vẫn tổ chức những cuộc tuần hành riêng rẽ, tuy nhiên cảnh sát đã phải làm gián đoạn các hoạt động này để kiểm tra túi xách những người tham gia xem có bom xăng hay không. 

Đoàn người biểu tình tại Hàn Quốc. Ảnh: AP

Đám đông ở Turin, Italy, đụng độ với cảnh sát chống bạo động khi xuống đường tuần hành đòi các quyền lợi tốt hơn cho người lao động. Được biết, Italy đang phải nỗ lực giải quyết tình trạng thất nghiệp ở mức cao thời gian gần đây. 

Trong khi đó, hàng nghìn công nhân ở Madrid, Tây Ban Nha, xuống đường đòi quyền lợi tốt hơn cho người lao động. Hai nghiệp đoàn lớn chủ chốt tại Tây Ban Nha là CC.OO và UGT đã kêu gọi tuần hành trên 70 thành phố, nhằm kêu gọi chính phủ tăng lương cũng như ngừng tiến hành những cải cách về lao động, vốn đã khiến cho việc sa thải người lao động trở nên dễ dàng.

Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình ở Italy. Ảnh: EPA

Ở Mỹ, thì ngày 1/5 năm nay biến thành "Ngày của người nhập cư", hàng trăm ngàn người nhập cư và nhà hoạt động tham gia cuộc đình công lớn nhất kể từ năm 2006. Nhiều tổ chức kêu gọi người nhập cư ở nhiều thành phố đình công để người Mỹ thấy được một ngày không người nhập cư nước Mỹ sẽ điêu đứng ra sao.

Còn tại Hy Lạp, các nghiệp đoàn nước này đã kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động bằng cuộc đình công toàn quốc theo truyền thống kéo dài trong 24 giờ và các cuộc biểu tình nhằm phản đối các yêu cầu cắt giảm mới từ các chủ nợ để đổi lấy cứu trợ tài chính cho quốc gia này. Nhiều hoạt động giao thông công cộng như tàu lửa, phà, xe điện đều phải tạm ngưng.

Tác giả: Lu

Tin mới trong ngày