TP.HCM: Xét xử bị cáo Huyền Như chiếm đoạt hơn 300 tỷ đồng của một doanh nghiệp
Nguyễn Cường 02/09/2018 11:00 AM
Xuất hiện trước tòa với vẻ bình tĩnh, khỏe mạnh, cả Huyền Như và Anh Tuấn đều thay đổi khá nhiều. Bị cáo Như để tóc dài hơn so với mái tóc ngắn trước đó, còn bị cáo Tuấn tăng cân nhiều hơn so với hình ảnh xuất hiện tại phiên tòa cách đây 3 năm.

 

Bị cáo Huyền Như và Võ Anh Tuấn trong phiên tòa xét xử ngày 8/2/2018. Ảnh: infonet.vn

Ngày 8/2/2018, Tòa Án Nhân dân TP.HCM đã đưa vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ra xét xử. Hai bị cáo bị truy tố trong phiên tòa là Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TP.HCM, quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ) và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè).

Ngoài ra, tòa còn triệu tập 5 Công ty với tư cách nguyên đơn dân sự gồm: Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank - Berjaya, Công ty cổ phần Đầu tư Hưng Yên, Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu và Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc.

Mở đầu phiên tòa, các luật sư đề nghị triệu tập ông Nguyễn Văn Sẽ và bà Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM), cùng một số cán bộ ngân hàng này. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho biết những người này đã có lời khai chi tiết trong hồ sơ nên việc vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.

Theo cáo trạng, từ năm 2007, cùng với công việc tại ngân hàng, Huyền Như đã tham gia kinh doanh bất động sản với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó thị trường bất động sản “sụp đổ” khiến Như bị thua lỗ, việc thanh khoản ngày càng khó khăn.

Để có tiền trả nợ, Như đã lợi dụng danh nghĩa của ngân hàng, nơi mình làm việc đi huy động tiền gửi của nhiều công ty, cá nhân rồi chiếm đoạt. Bằng cách lập các chứng từ giả, giả chữ ký của chủ tài khoản, Như đã chiếm đoạt ngay khi khách hàng gửi tiền vào tài khoản cá nhân.

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn trong phiên tòa năm 2014. Ảnh: infonet.vn

Trong phần thẩm vấn buổi chiều cùng ngày, các luật sư đã đặt câu hỏi với các bị cáo, cùng những đơn vị, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Luật sư Phan Trung Hoài – người bảo vệ cho bị cáo Võ Anh Tuấn tỏ ra băn khoăn khi nhận thấy dường như thân chủ ông bị truy tố tới 2 lần cho cùng một tội danh, hành vi.

Đồng quan điểm này, bị cáo Tuấn cho rằng liên quan đến hành vi đồng phạm chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của Công ty cổ phần đầu tư Hưng Yên (Công ty Hưng Yên), bị cáo chỉ gặp đại diện Maritime Bank (được cho là đứng sau Công ty Hưng Yên) 1 lần tại Hà Nội và hành vi này đã bị xử trong phiên tòa lần trước.

“Phiên tòa này lại đưa ra truy tố bị cáo một lần nữa, bị cáo không hiểu nổi” – Võ Anh Tuấn nói.

Trả lời luật sư, bị cáo Như cũng cho biết không đi cùng bị cáo Tuấn trong chuyến ra Hà Nội. Đồng thời, việc bị cáo Như huy động tiền của Công ty Hưng Yên đã hoàn thành trước khi Như cùng Tuấn ra gặp đối tác, do đó Như từng không nghĩ rằng Tuấn lại bị phạm tội trong việc này.

Theo kết quả điều tra, vào tháng 5/2011, qua bà Nguyễn Thị Nga – nhân viên của Maritime Bank, Huyền Như biết một số công ty muốn gửi tiền nên cùng Võ Anh Tuấn ra Hà Nội. Tại đây, Như giới thiệu mình tên Quyên – là nhân viên của Tuấn và đang có nhu cầu huy động vốn cho Chi nhánh Nhà Bè.

Như cũng chủ động thỏa thuận với bà Nga về số tiền gửi với mức lãi suất lên đến 18 - 20%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất quy định khi đó là 14%/năm. Như làm giả 8 Hợp đồng tiền gửi và phụ lục để huy động của Công ty Hưng Yên 537 tỷ đồng. Khi Công ty này chuyển tiền, Như làm giả lệnh chi, giả chữ ký để chuyển toàn bộ tiền đến tài khoản do mình lập ra. Sau đó, Như đã trả cho Công ty này hơn 336 tỷ, hiện còn nợ 200 tỷ.

Theo: Báo Infonet.vn

Tác giả: Nguyễn Cường

Tin mới trong ngày