Truyện ngắn: Mùa cải vàng ven sông
Quách Thái Di 02/14/2017 08:30 AM
Tuy bà đã khuất xa nhưng hình ảnh bà vẫn ở lại, yêu thương bà dành cho tôi ở lại, mùa cải vàng ở lại, cháy mãi lòng tôi.

 

Ảnh: img.blogtamsu.vn

Nắng nhuộm vàng cả mặt sông. Tôi ngồi trên một gờ đá cao, nhìn về nơi xa xăm. Mặt trời khuất dần sau ngọn núi. Hoàng hôn sắp buông nhưng trên con đường dẫn vào làng vẫn rải đầy những bông hoa nắng. Con kênh, bụi tre, cánh diều xa tít chân trời và cả vườn cải vàng uơm… Tất cả đều gợi lên trong tâm trí tôi hình ảnh của người bà thân yêu. Kỉ niệm ùa về khiến mắt tôi nhòe đi.

Tuổi thơ của tôi chỉ quẩn quanh bên bà nội. Bố mẹ tôi đi làm suốt ngày, đi từ lúc trời còn chưa sáng đến tận tối mịt, khi tôi ngủ vùi trong chăn và tinh tú thắp sáng trời đêm, thì họ mới trở về. Nên, trong những bữa cơm chỉ có tôi và bà nội. Bố tôi nghiêm khắc, chỉ cần nhìn thấy khuôn mặt đanh thép của ông, tôi sợ đến bủn rủn tay chân. Hồi bé tôi nghịch ngợm, ăn đòn thường xuyên. Những trò nghịch phá của tôi luôn khiến người khác phải sợ khiếp vía. Ví như có lần tôi trèo lên cây ổi nhún nhảy trên thân cây rồi ngã uỵch xuống đất, đầu gối rướm máu. Mẹ đưa tôi đi bác sĩ khâu lại năm mũi. Vậy mà chẳng chừa, lần khác tôi cột đuôi con mực vào đuôi con miu khiến bọn chúng kêu la ầm ĩ cả ngày trời. Bố cầm roi mây rượt tôi chạy lòng vòng khắp xóm. Bố tôi lớn tuổi làm sao chạy bằng thẳng con nghịch như quỷ là tôi đây.

Đến giờ cơm tối, nghĩ rằng bố đã nguôi giận, tôi mò về. Nào ngờ ông cầm sẵn roi mây đợi ở ngách cửa. Thấy tôi, ông chỉ tay lên đi văng bảo tôi nằm sấp xuống. Tôi run run bước lại và nhận lấy những đòn roi tét vào mông, đau điếng. Mẹ tôi can ngăn cũng chẳng có tác dụng. Đến khi bà tôi lên tiếng thì bố tôi mới dừng tay. Mẹ bế tôi vào phòng vừa thoa dầu vừa dỗ dành tôi. Chẳng hiểu vì sao lúc bị bố đánh tôi không nhỏ một giọt lệ nào vậy mà khi không còn nỗi sợ hãi nào nữa, tôi lại òa khóc nức nở. Mẹ dỗ hoài tôi vẫn cứ khóc. Bà nội bước vào. Bà thay mẹ xức dầu lên vết thương ở trên mông tôi. Bàn tay bà mềm mại, dễ chịu. Tôi quên đi cơn đau rát, nằm úp mặt lên đùi bà để bà vừa gải lưng vừa thủ thỉ kể chuyện cho tôi nghe. Giọng bà mượt mà, dịu dàng. Những câu chuyện bà kể lặp đi lặp lại quen thuộc như nàng Tấm bước ra từ quả thị, chàng Thạch Sanh dũng cảm chém chằn tinh cứu công chúa hay anh Khoai tốt bụng luôn được Bụt giúp đỡ… Tôi nghe mãi không thấy chán, gương mặt phấn khích y hệt lần đầu tiên bà kể vậy. Có lẽ vì giọng kể của bà quá đỗi ấm áp. Cuối mỗi câu chuyện bà luôn nhắc tôi phải sống đàng hoàng, tử tế để hướng đến chân-thiện-mỹ, không sân si, không đố kị, không tham lam… Những lời bà dạy tôi luôn khắc ghi trong trí nhớ dù tôi vẫn chưa hiểu lắm những gì bà nói.

Bên ngoài ô cửa là mảnh trăng tròn trong veo như pha lê đang treo lơ lửng giữa màn đêm đen kịt. Tôi hỏi bà sao ánh trăng kia lại không rớt được, bả nhỉ? Bà cười, xoa đầu tôi, bảo tôi thơ ngây. Bà giải thích, vì nó có một sức mạnh vô hình nên không thể nào rớt xuống được. Tôi giương mắt ngó bà, nét mặt lộ rõ vẻ không hiểu. Bà xoa xoa lưng tôi, nói khi nào lớn lên cháu sẽ hiểu. Tôi ngáp một cái thật dài rồi khép mắt lại, mang theo những câu chuyện thần thoại vào trong giấc mơ. Một ngày sắp sửa trôi qua.

Trước khi bước vào lớp một, bà là người dạy tôi đánh vần, dạy tôi cách đọc và viết. Tôi sống cùng bố mẹ nhưng không có được tình thương của họ, hầu hết phần lớn thời gian bà đều chăm tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Nhà tôi nghèo, bố mẹ tôi làm công việc đồng áng, dầm sương dãi nắng. Tôi là con một vậy mà vẫn không đủ ăn đủ mặc. So với những đứa trẻ khác trong xóm thì tôi là đứa trẻ thiếu thốn nhiều nhất. Nhìn chúng có dép mới, tôi thèm thuồng nhưng không dám xin xỏ bố mẹ. Chúng có đôi diều hình chim ưng rất bắt mắt, tôi cũng muốn nhưng ngại không nói ra. Tuy im lặng nhưng bà hiểu tôi muốn gì. Bà lấy đôi dép vải cũ rách may lại và giặt sạch sẽ chẳng khác gì mới mua cả. Tôi mang vào, khoái chí nhảy tưng tưng. Tôi chạy sang nhà thằng Tèo khoe. “Tao có dép mới nè.” Tèo nhìn lom lom đôi dép dưới chân tôi, xì một tiếng. “Mày gạt tao hả, bà mày lấy dép cũ tái chế lại thì có.” Tôi thẩn thờ về nhà mình mặc cho cái Hiên gọi tôi ra sông mò cua bắt ốc. Tôi ngồi thừ người ở thềm cửa, trong lòng ấm ức vô cùng. Bà nội hỏi tôi có chuyện gì, tôi kể lại đầu đuôi mọi chuyện. Bà cười hiền từ, dắt tay tôi vào bếp. Tôi chun mũi ngửi rồi reo lên. “Là hương vị của bông cải phải không ạ?” Bà dọn cơm ra bàn. Tôi mới sực nhớ giờ này là giờ cơm tối và bụng mình đói meo, ngồi ăn một cách ngon lành.

Bà tôi nấu ăn rất ngon, tôi thích nhất là món canh cải nấu với tôm. Tuy đạm bạc, đơn sơ nhưng lại chất chứa đầy tình cảm mà bà dành cho tôi. Mỗi khi có chuyện buồn bực, bà đều nấu canh bông cải với tôm cho tôi ăn, bà bảo để… giải buồn. Bà nói không sai, khi ăn vào, vị ngòn ngọt của nước canh khiến cả người tôi chừng như thoải mái, dễ chịu. Bao nhiêu bực bội về chuyện của thằng Tèo, chuyện đôi dép cũ và vô vàn những chuyện vụn vặt khác nữa đều bay biến đâu hết.

Phía sau nhà tôi có một vườn cải. Cạnh vườn là con sông chảy quanh ngôi làng. Đến mùa, cải nở hoa, nở vàng rực. Nhìn từ xa, màu vàng như trải dài tận chân mây. Ong bướm bay lại, lượn quanh các nụ hoa. Tôi ngồi ở góc chái bếp trông ra, cảm thấy vô cùng thích thú. Vườn cải do một tay bà chăm sóc, bón phân, tưới nước. Chẳng mấy chốc, cải lớn nhanh, xanh tốt đầy ắp cả khu vườn. Tôi ngu ngơ hỏi bà:

- Nhiều như vậy làm sao ăn hết hở bà?

- Cháu khờ quá, ăn không hết thì đem ra chợ bán đổi tiền mua tập cho cháu đi học.

Cứ đến mùa cải chín, bà ngắt rồi bó thành từng bó bỏ vào trong thúng rồi đem lên thị trấn bán. Những lúc ấy tôi đều đi theo phụ bà bán. Nói là nói vậy thôi chứ tôi có biết buôn với bán là gì đâu. Nhiệm vụ của tôi là giữ hũ tiền. Tôi ôm khư khư nó trong lòng, không dám lơ là. Làng tôi không có chợ, muốn mua gì phải đi gần mười cây số để lên thị trấn. Ở đó rất đông vui, nhộn nhịp người qua kẻ lại, bày biện rất nhiều sạp hàng nào đồ chơi, bánh trái, mứt kẹo… Bán xong lần nào bà cũng mua cho tôi khi thì cái bánh ít khi thì viên kẹo đủ màu sắc. Vì thế tôi rất khoái được lên thị trấn cùng với bà. Nhưng đâu phải lúc nào tôi muốn là được. Chỉ khi nào bà đem cải đi bán, thì tôi mới được phép đi. Chứ thường ngày tôi phải ở nhà rèn chữ. Chữ tôi viết rất xấu, bà bảo cần phải luyện thêm mới đẹp như chữ của cái Hiên.

Ảnh: dulichsapalaocai.net

Hiên là cô bạn gái dạn dĩ, nhà ở bên kia sông. Tôi, Hiên và anh em nhà thằng Tèo, chúng tôi là những đứa trẻ ngỗ nghịch, luôn bày trò để phá làng phá xóm. Tôi không biết sau những trò nghịch phá, bố chúng nó có đánh đòn chúng nó hay không chứ riêng tôi thì, trên đầu tủ của bố tôi xuất hiệm thêm một chiếc roi mây nữa. Nhưng vì có bà hậu thuẫn phía sau, tôi mặc sức tung hoành. Có lần trốn học, tôi cùng lũ bạn đi mót lúa dưới cái nắng gay gắt. Nhiều ngày liên tiếp như thế, da tôi đen nhẻm. Mẹ suýt ngất khi trông thấy làn da đen sạm, sần sùi của tôi. Tôi cười khì, vỗ ngực. “Như vậy mới là một đấng nam nhi.”

- Ê, Sơn!

Nghe tiếng gọi, tôi ngẩng mặt lên, anh em nhà thằng Tèo thò đầu qua ô cửa. Chúng nó là anh em sinh đôi, ngoại trừ bố mẹ chúng nó ra thì không ai biết phận biệt đứa nào là anh, đứa nào là em. Muốn kêu đích danh đứa nào thì chỉ cần gọi. “Tèo anh.” hoặc “Tèo em”. Đứa nào anh thì bước ra và ngược lại.

- Gì thế mày? - Tôi hỏi, nhìn cả hai đứa.

- Ra ngoài đồng bắt dế, mùa này dế nhiều lắm. - Một trong hai đứa, nói.

- Mày là anh hay em? - Tôi gãi cằm.

- Em.

Tôi ngó về phía bếp, hạ thấp giọng.

- Nhưng tao còn phải viết chữ, bà tao biết tao đi chơi cùng với hai đứa mày thế nào cũng mắng tao.

- Mày xạo, bà mày thương mày nhất nhà dù mày có bỏ nhà đi bụi, bà lo lắng hơn là hỏi tội mày đó. Với lại hồi nãy tao thấy bà mày ra vườn cải rồi, chắc không biết đâu. Đi chơi một chút rồi về.

Nghe bùi tai, tôi gục gặc đầu nhưng mông vẫn còn dính chặt ở ghế. Tèo anh nổi sùng.

- Rốt cuộc mày có đi không? Mày không đi, tụi tao bắt hết những con dế mập mạp, tới lúc đó mày đừng có khóc à nghen.

- Đợi tao chút. - Tôi nói, chạy ra nhà sau dòm qua khe hở thấy bà đang cặm cụi tưới mấy luống rau. Nghĩ ngợi một hồi, tôi chạy lên xếp tập lại rồi cùng anh em thằng Tèo ra đồng bắt dế.

Anh em thằng Tèo lanh lẹ, chỉ một loáng mà tụi nó bắt cả chục con dế bỏ trong chiếc hộp hình vuông bằng bàn tay. Còn tôi loay hoay mãi mà chỉ bắt có được một con. Sau đó chúng tôi chơi đá dế, xem thử dế của ai mạnh hơn. Trò chơi chưa chấm dứt mà dế của tôi đã nằm cứng đơ ra đó.

- Chán bỏ xừ. - Tôi nói rồi ngụp lặn xuống sông, bắt gặp cái Hiên đang khom lưng mò mẫm gì đó. Tôi bèn nghĩ ra kế hù nhỏ này một phen khiếp vía mặc dù tôi biết Hiên không phải là đứa ưa sợ sệt. Tôi bịt mũi, chìm xuống dưới mặt nước, bơi tới chỗ Hiên giả bộ làm con cua lấy càng kẹp vào chân Hiên. Hiên giật mình, kêu á một tiếng. Tôi trồi lên mặt nước, cười sằng sặc.

- Mày lừa tao. - Hiên hừ mũi, rượt đuổi tôi chạy lòng vòng, la hét chí chóe. Tiếng cười, tiếng la của chúng tôi vang vọng cả đất trời.

Mải chơi, tôi quên cả giờ về. Đến khi nhìn bầu trời chuyển sang màu tím thẫm ở tít đằng xa, tôi sực tỉnh, vội vàng chạy một mạch về nhà, quên cả tạm biệt nhỏ Hiên. Chạy xa rồi tôi vẫn nghe loáng thoáng tiếng giễu cợt của anh em thằng Tèo vọng lại.

- Sao mày bỏ về sớm thế, chắc nó sợ phụ thân của nó vác gậy đuổi đánh.

Về tới nhà, tôi lấp ló ở cổng rào nhòm vô trong. Bố tôi đang ngồi trên phản, vẻ mặt hậm hực. Mọi ngày chín, mười giờ khuya ông mới về. Không hiểu sao hôm nay ông lại về sớm thế. Mí mắt tôi giật giật, tôi linh cảm có chuyện chẳng lành, thậm chí tôi còn có thể mường tượng ra những ngày tháng tiếp theo của tôi sẽ phải vừa đeo gông cùm vừa làm toán. Bố ngồi bên cạnh, canh chừng tôi. Chỉ cần tôi ngọ nguậy, ngay lập tức ông sẽ vung roi mây lên.  Viễn cảnh u ám đó khiến tôi rùng mình một cái, da gà nổi lên khắp toàn thân. Không dám nghĩ tiếp nữa, tôi rón rén vòng ra cửa sau, thì thào gọi.

- Bà ơi! - Bà đang dọn cơm, nghe tiếng tôi, bà nói. - Cháu về rồi à, mau rửa tay rồi ăn cơm.

Bà thật không hiểu tâm ý gì cả, bà nói to vậy lỡ bố nghe thấy gì sao. Nhưng tôi không có cơ hội cằn nhằn, vừa dợm chân định ra giếng múc nước rửa mặt, bố tôi cất giọng.

- Đi đâu giờ này mới về? - Trước khi ngồi vào bàn ăn, bố bắt tôi khoanh tay rồi ông giáo huấn tôi gần cả tiếng đồng hồ. Kể cũng lạ, những gì bà dạy bảo, tôi nhớ mãi. Còn những lời răn dạy của bố, tôi nghe như gió thoảng qua tai. Cả bố và bà tôi có các phương pháp dạy con cái khác nhau. Bà tôi mềm mỏng, nhẹ nhàng bao nhiêu thì bố tôi lại nghiêm nghị và độc đoán bấy nhiêu.

Buổi tối, tôi ngủ cùng bà. Vừa bắt chấy bà vừa hỏi tôi.

- Có phải chiều này cháu chưa làm xong bài tập mà đã đi chơi rồi không?

Tôi thừa nhận với bà rồi muốn bà độ lượng khoan hồng bỏ qua, tôi bổ sung.

- Tại tụi nó rủ cháu.

Bà dịu dàng.

- Hồi nãy bố cháu có hỏi, bà nói thằng Sơn ngoan lắm, thằng bé làm xong xuôi bài tập rồi mới đi chơi. Bà nói bà có kiểm tra, nếu bà không nói thế thì cháu đã bị ăn đòn rồi. Lần sau không được hư như vậy nữa nghe chưa?

Nghe bà nói, tự dưng tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Tôi lí nhí.

- Cháu là đứa trẻ xấu tính, ngổ ngáo phải không bà?

Bà xoa đầu tôi.

- Tuổi thơ của đứa trẻ nào lại không nghịch ngợm, cháu không xấu, cháu rất lễ phép, ngoan ngoãn, chỉ là cháu ham chơi thôi.

Tôi vùi mặt vào lòng bà, tự nhủ từ giờ về sau sẽ trở thành đứa trẻ ngoan, thôi chơi bời lêu lổng mà chăm chỉ học hành. Tôi tự hứa rồi tự hỏi lời hứa của một đứa con nít liệu sẽ duy trì được bao lâu?

Hứa vậy thôi qua ngày hôm sau, tụi thằng Tèo rủ rê, tôi quên mất vội vàng vọt theo chúng nó. Anh em thằng Tèo đi xe đạp, thằng anh đèo đứa nhóc, tôi chạy bộ. Đường ở quê gồ ghề, lồi lõm, đầy ổ gà. Tèo anh đạp chậm rì, chẳng mấy chốc tôi đã đuổi kịp. Lúc lên cầu bắc qua con kênh, bèo trôi dạt tứ phía, Tèo em đề nghị.

- Hay chúng ta tới đường sắt ngắm tàu chạy đi. - Tôi vỗ tay rần rần và mở đường đi trước về phía cuối cánh rừng. Rẽ sang con đường hẹp, cỏ mọc um tùm, thấp thoáng sau những rặng cây xanh là đường ray. Tôi phóng ba bước là tới, ngó nghiêng ngó dọc. Chiều nào tôi cũng đến đây, có khi đi một mình có khi đi cùng lũ trẻ trong xóm. Tôi theo dõi và để ý cứ tầm khoảng ba giờ rưỡi sẽ có tàu chạy qua. Lần này cũng không ngoại lệ.

- Ê, tàu đến rồi kìa tụi bay. - Cùng với giọng hưng phấn của Tèo em, tôi nghe âm thanh xình xịch vẳng lại từ xa, rồi ngay sau đó một chiếc đầu tàu đen sì hiện ra, từ chiếc ống hình trụ phả ra những sợi khói bay mịt mù. Các toa tàu dài thườn thượt, lướt qua mắt tôi, cảm giác trong tôi vừa hồi hộp vừa sợ sệt. Tôi lùi dần về phía sau vì sợ bánh tàu bỗng nhiên trượt khỏi đường ray. Tôi nghe tin tức trên tivi nói các vụ tại nạn thảm khốc ở đường sắt đã cướp đi bao nhiêu mạng người, nguyên nhân thì nhiều vô số kể. Tôi lắc mạnh đầu, không dám nghĩ tiếp nữa. Bên trong các toa tàu, người ngồi chen chúc. Con đường dù dài và xa đến đâu cũng có điểm cuối cùng. Tôi ngó theo đoàn tàu mỗi lúc một xa dần rồi mất hút, chỉ để lại phía sau làn khói mỏng manh, bay rợp cả bầu trời.

Tuổi thơ của tôi gắn liền với những cánh diều trong những buổi hoàng hôn, những lần bắt dế trên cánh đồng cỏ xanh rì, những lần bắt ốc bắt cua cùng với nhỏ Hiên ở con sông nước chỉ ngang tới mắt cá chân, những lần cùng bà nội lên thị trấn bán rau hay những đêm mùa đông rét mướt, bà nhóm bếp. Ngọn lửa cháy lập lòe như xua tan cái lạnh. Ánh sáng của những viên than hồng như ánh sáng của các ngôi sao thật kỳ diệu, thật huyễn hoặc. Bếp lửa của bà đã sưởi ấm tôi trong những mùa đông lạnh giá kéo dài lê thê.

Tuổi thơ của bất kỳ đứa trẻ nào cũng ít nhiều mắc phải sai lầm. Buổi chiều hôm ấy, tôi nằm trên võng, xếp tay thành hình thoi và nheo mắt nhìn vòm trời xanh biếc qua lỗ nhỏ ấy. Một chốc tôi nghe tiếng nói chuyện rầm rì của anh em thằng Tèo ngoài cổng rào. Tôi nhổm dậy, ngó mắt ra xa. Hai đứa chúng nó cầm hai cái bánh trên tay, vừa rệu rạo ăn vừa thè lưỡi trêu chọc tôi. Rồi chừng như làm vậy vẫn chưa đủ sức hấp dẫn tôi, chúng nó đẩy cánh cổng rào bằng gỗ qua một bên, chạy thẳng tới chỗ ngồi đang nằm. Một trong hai đứa huơ cái bánh qua lại ngang tầm mắt tôi.

- Ngon lắm, mày muốn ăn không?

Tôi nuốt nước bọt, gật đầu lia lịa.

- Vậy xuống chợ với tụi tao. Ở đó bán nhiều bánh ngon lắm có cả đồ chơi nữa.

Dĩ nhiên tôi biết chợ là nơi bán bánh ngon, đồ chơi đẹp mắt nhưng vấn đề chính ở đây là tôi không có tiền. Chỉ khi nào tôi đi cùng bà thì bà mới mua cho tôi.

- Vào xin tiền bà mày đi. - Tèo anh xúi bậy.

Tôi lắc đầu nguầy nguậy.

- Tao không dám.

- Mày đúng là đồ thỏ đế.

- Vậy mày ‘chôm’ đi.

Nghe Tèo em đưa ra sáng kiến, tôi càng giật thót người, từ chối.

- Mày chỉ lấy một ít thôi, sao bà mày biết được.

Nghe có vẻ xuôi tai, tôi vô nhà thấy bà nội đang nằm ngủ trên ván, nhịp thở đều đều. Tôi nhìn quanh, mắt chợt sáng khi trông thấy hũ tiền bà hay để trên đầu tủ như mọi ngày. Tôi bắt ghế lấy xuống, mấy lần thò tay vào rồi thu tay về, cảm thấy có chút áy náy. Những chiếc bánh in được gói bằng giấy kính đủ màu sắc và những món đồ chơi bắt mắt choáng ngợp trí não tôi và tôi đưa ra một quyết định táo bạo.

Sau khi lấy một nắm tiền nhét đầy túi áo, tôi cùng anh em thằng Tèo xuống chợ. Khi chúng tôi đến thì chợ đã vãn nhưng gian hàng bán bánh kéo và đồ chơi vẫn còn mở cửa. Đây là lần đầu tiên tôi xuống chợ một mình mà không có bà nội bên cạnh, thật tự do và thoải mái, sướng nhất là có tiền trong tay muốn mua gì cũng được. Ăn chơi thỏa thích rồi cũng đến lúc tôi phải về. Trên đường về, tôi bồn chồn, lo lắng không biết khi bà đếm tiền thấy thiếu, bà sẽ nghĩ gì? Mãi nghĩ ngợi tôi về tới nhà lúc nào không hay. Bà đang nướng khoai ở sau bếp. Nghe tiếng bước tôi, bà ngước mắt lên, giọng âu yếm.

- Chắc cháu đói rồi, phải không? Khoai sắp chín rồi, cháu chờ chút nhé!

- Dạ! - Tôi đáp lí nhí rồi ngồi xuống cạnh bà, liên tục đưa tay xoa bụng. Hồi nãy tôi ăn quà vặt no nê, no đến mức không thể ăn thêm thứ gì được nữa.

Đột nhiên bà nói.

- Lúc nãy bà đếm tiền thấy thiếu mấy chục ngàn, chẳng hiểu sao nữa có lẽ do bà lớn tuổi rồi nên lẩm cẩm rồi chăng? Số tiền đó bà để dành mua vải định may cho cháu mấy chiếc áo mới đi học… giờ thì… - Bà nhìn ra ngoài vườn. - Phải đợi đến mùa sau cải chín, bà sẽ may áo mới cho cháu nhé!

Nước mắt tôi giàn giụa ngay từ những câu đầu tiên bà cất giọng. Tôi muốn thú nhận với bà tất cả rằng tôi là đứa đã trộm tiền của bà nhưng cổ họng tôi nghẹn cứng, chẳng thể cất thành câu. Bà thà nghĩ mình già nên nhầm lẫn còn hơn là hạch tội đứa cháu nhỏ của bà. Dù bà không trách mắng nhưng tôi vẫn cứ thấy ray rứt. Khoai chín, bà lột sẵn vỏ bỏ vào trong đĩa rồi đưa tôi.

- Ơ kìa, sao cháu lại khóc? - Bà sốt sắng hỏi.

- Cháu… cháu… - Tôi nghẹn ngào.

- Được rồi, bà biết, cháu sợ không có áo mới như chúng bạn chứ gì. Năm sau, bà sẽ may cho cháu, bà hứa đấy. - Bà vừa nội vừa dỗ ngọt tôi. Sự nhân hậu của bà càng làm lỗi lầm trong tôi dâng cao như thủy triều. Tôi muốn làm điều gì đó cho bà vui và cũng là để chuộc lại lầm lỗi của mình nhưng tôi cứ chần chừ mãi để rồi lời xin lỗi tôi vĩnh viễn không có cơ hội nói ra.

Mùa mưa bắt đầu, kéo dài liên miên. Có khi mưa dầm dề suốt ngày đến tối mịt tôi vẫn còn nghe tiếng mưa gõ lộp bộp trên mái nhà. Những ngày mưa tôi chẳng được đi đâu, ngồi chống cằm bên khung cửa nhìn vạn vật ướt mưa đến cả những chú chim non cũng đang tìm chỗ ẩn náu. Cây mận đầu ngõ rụng những bông hoa trắng li ti đầy khoảnh sân ngập nước. Mấy ngày sau bão vào, gây lụt lội khắp nơi. Và khi cơn bão qua rồi, mọi thứ tan hoang. Đau lòng nhất là vườn cải của bà nội tôi ngập úng đến một chiếc lá cũng không còn. Bà đau buồn, than thở cùng đất trời rằng vườn cải là cuộc sống của cả nhà. Bà một đời mưa nắng, vất vả, cực nhọc chỉ để cho con đường tôi đi được xán lạn, bằng phẳng. Tôi thấy thương bà vô cùng. Càng thương bà bao nhiêu tôi càng căm giận bản thân mình bấy nhiêu. Để đền đáp ơn nghĩa dưỡng dục của bà, tôi gắng học, tu tâm dưỡng tính. Những lời dụ dỗ của anh em thằng Tèo không sao lay chuyển được tôi. Sau khi gạ gẫm tôi không được, chúng nó bỏ đi, không còn bén mảng đến nhà tôi nữa. Trong những ngày tôi cùng Hiên ôm tập đến trường học, bà nội ở nhà chăm nom vườn cải. Bà cố gắng, miệt mài cho ra những luống cải xanh tốt. Đến mùa cải chín, bà cắt đem bán, đổi tiền lấy quần áo mới cho tôi.

Bao mùa cải qua đi, trăng tròn rồi trăng khuyết, năm tháng vùn vụt trôi, tôi trưởng thành thi đậu tú tài. Ngày tôi lên thành phố học, bà tiễn tôi ra tận đầu đường lộ đón xe. Sợ bà già yếu, mỏi chân tôi bảo bà đừng tiễn nhưng bà không chịu cứ nằng nặc muốn đi cùng tôi. Dúi vào tay tôi xấp tiền, bà dặn dò.

- Lên trển, nhớ cố gắng học tốt nghe cháu, khi nào xài hết rồi thì đánh điện về cho bà, bà gửi lên cho.

Một thằng con trai ngổ nghịch, vô cảm cuối cùng cũng đã biết đến hai chữ mũi lòng. Tôi ôm chặt bà, nức nở.

- Bà nhớ giữ gìn sức khỏe bà nhé và đợi cháu về.

- Dĩ nhiên rồi, bà còn phải đợi đến ngày cháu cưới vợ nữa chứ.

Xe đến, tôi bước lên, lòng quyến luyến. Khi đã yên vị trên xe, tôi ngoảnh đầu lại, bà đứng đó đưa tay vẫy. Khi xe đã đi một quãng xa, tôi vẫn còn thấy bóng dáng bà đứng lặng, nhìn theo tôi.

Ngày đầu nhập học diễn ra suôn sẻ. Tôi ở ký túc xá để tiết kiệm một khoản tiền, cùng ở với tôi còn có hai đứa bạn đến từ những vùng miền khác nhau. Tụi nó mang theo đặc sản quê mình ra mắt còn tôi chẳng có gì ngoài chiếc ba lô màu bạc và mấy quyển sách cũ đặng khi nào rảnh rỗi thì lấy ra đọc. Học được một tháng, số tiền bà nội đưa hết sạch, tôi không dám điện về xin vì nghĩ mình đã lớn, đến lúc phải tự thân vận động rồi. Sau nhiều ngày lang thang kiếm việc làm thêm, cuối cùng tôi cũng được nhận vào làm ở tiệm gà rán KFC. Thu nhập vừa phải đủ để tôi đóng tiền học phí và trang trải sinh hoạt hằng ngày.

Ảnh: giadinh.vcmedia.vn

Nhịp sống của người dân nơi thị thành hối hả, gấp gáp. Chẳng mấy chốc tôi bị cuốn vào vòng xoáy bộn bề công việc, bắt đầu đến những quán cà phê sang trọng, những tụ điểm bida nổi tiếng, những khu thương mại cao cấp. Con kênh, lũy tre, cánh diều ở đâu đó rất xa tiềm thức tôi. Sang năm hai, tôi quen Mỹ Dung trong đêm diễn văn nghệ nhân dịp lễ Giáng Sinh. Đêm ấy tôi có tham gia, là một trong những thành viên trong dàn nhạc của trường, đứng ở hàng cuối vị trí thổi kèn. Vậy mà không hiểu sao Dung vẫn phát hiện ra tôi. Cô chủ động bắt chuyện, kể từ đó chúng tôi kết bạn với nhau. Dung cá tính, nhà giàu, xinh đẹp là hoa khôi của trường. Cô kể với tôi cô rất ít khi đến lớp, một tuần cô chỉ đi hai hoặc ba buổi. Thời gian còn lại cô đi mua sắm. Dần dần tôi bị cô làm cho điên đảo. Số lần tới lớp ít hơn và số lần bùng học nhiều hơn. Tôi phải thừa nhận rằng Dung rất biết cách ăn chơi, không bao giờ đội sổ, điểm kết quả mỗi kỳ nếu không nhất thì nhì. Còn tôi trước khi quen Dung, tôi chăm chỉ học hành vậy mà cuối kỳ toàn nằm trong top ba mươi. Dung ăn chơi một mình đã đành, cô còn lôi kéo tôi vào trong những cuộc chơi của cô.

Thấy tôi suốt ngày cầm quyển sách, Dung bĩu môi.

- Ông học hoài không chán à, đi chơi với tui đi.

- Đi đâu? - Tôi lơ ngơ hỏi.

- Lòng vòng thành phố.

- Tui không có xe.

- Yên tâm, tui có.

Nói là làm, Dung chở tôi trên chiếc Wave đời mới, lướt đi êm như gió. Cô còn mời tôi đến dự sinh nhật mình, giới thiệu tôi với mấy người bạn cô. Họ đều là những nam thanh nữ tú, áo quần phẳng phiu, đầu tóc nhuộm xanh nhuộm vàng. Tuy tôi đã hòa nhập với cuộc sống hiện đại nơi đô thành nhưng bản chất ‘hai lúa’ trong tôi vẫn chưa xóa hẳn. Suốt buổi sinh nhật tôi chỉ ngồi một mình nẻ hạt dưa, nghe mọi người nói chuyện rôm rả. Lần khác Dung lại rủ tôi đi ăn ở một hành hàng sang trọng. Nhìn thực đơn và giá cả ghi trên đó, tôi giật nảy người. Một món lên tới mấy trăm ngàn. Dung bảo tôi cứ chọn thoải mái, đừng ngại về vấn đề tiền bạc. Tôi kết bạn với Dung vì tính cách thẳng thắn của cô, một tình bạn chân thành chứ không phải vì cô giàu có mà lợi dụng. Sau bữa ăn đó, tôi không còn nhớ gì đến hương vị món canh cải dân dã quê nhà.

Công việc, học hành, những giờ giải trí cùng Mỹ Dung, những buổi tiệc tùng với chúng bạn cứ trôi qua kéo theo tuổi xuân của tôi. Đến khi sắp tốt nghiệp ra trường, tôi giật mình ngoảnh lại hóa ra tôi đã đi khá xa, xa ấu thơ ngày ấy. Từ lúc lên thành phố học cho đến giờ, tôi chưa một lần gọi điện về thăm nhà. Buổi học chiều nay được về sớm, tôi ra bưu điện công cộng gọi về cho gia đình. Mẹ trách tôi sao biệt tích mấy năm trời, không một lá thư, không một cuộc gọi. Còn bố, ông chỉ nói.

- Tôi tưởng anh quên luôn cái nhà này rồi chứ. - Tôi mấp máy môi định nói vài lời rằng thi tốt nghiệp xong tôi sẽ về ngay thì bố báo tin bà nội qua đời. Tôi bàng hoàng, buông điện thoại, cảm thấy trời đất hỗn độn. Tôi không nhớ mình đã về đến ký túc xá ra sao, chỉ biết mình phải bắt xe về quê ngay lập tức. Nhưng cũng không kịp nhìn mặt nội lần cuối. Bà mất một tháng trước khi cuộc gọi này diễn ra.

- Về thôi Sơn, mày ngồi đây suốt cả buổi chiều rồi đó. - Tiếng nhỏ Hiên kéo tôi về thực tại.

- Tao đúng là đứa cháu tồi tệ, từ nhỏ cho đến lớn tao chưa làm điều gì khiến bà vui ngược lại toàn làm khổ bà, lời xin lỗi tao cũng chưa kịp nói, tao ân hận quá mày ạ! - Tôi dằn vặt.

Hiên để tay lên vai tôi, nhỏ nhẹ.

- Bà mày không trách mày đâu, trước lúc bà nhắm mắt bà có nói chỉ mong mày trở thành một con người chân chính.

Ngày mai tôi ra đi, tiếp tục con đường học vấn dở dang và cũng là để thực hiện điều mà nội tôi mong mỏi bấy lâu. Tuy bà đã khuất xa nhưng hình ảnh bà vẫn ở lại, yêu thương bà dành cho tôi ở lại, mùa cải vàng ở lại, cháy mãi lòng tôi.

 

 

Tác giả: Quách Thái Di

Tin mới trong ngày